Mênh mang thu vàng Tây Bắc

Ai đã đi Tây Bắc vào mùa thu thì mới cảm nhận được những vẻ đẹp bất tận của con người, cảnh vật, của những thửa ruộng bậc thang chín vàng trải dài từ đỉnh núi xuống tận suối nước nơi miền sơn cước này.

Ai đã đi Tây Bắc vào mùa thu thì mới cảm nhận được những vẻ đẹp bất tận của con người, cảnh vật, của những thửa ruộng bậc thang chín vàng trải dài từ đỉnh núi xuống tận suối nước nơi miền sơn cước này.

Con đường 32 giờ đây đã được mở rộng lên tới tận ngã ba Bình Lư để thuận tiện cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp miền Tây Bắc của đất nước. Cứ mỗi độ thu sang là cả cảnh vật, con đường được ông trời nhuốm lên một màu vàng ruộm của tiết trời và những nương lúa. Cái vẻ tất bật hiện rõ trên từng thửa ruộng đang vào mùa gặt, cả trên nét mặt kẻ lữ khách chuẩn bị lên đường ngao du. Xe đã kiểm tra bảo dưỡng kỹ càng, xăng đã đầy bình, lòng người rộn ràng hơn khi mùi hoa sữa đầu mùa thoảng qua khe cửa khiến chỉ muốn nổ máy ngay tức thì.

Chúng tôi chọn cho mình một lộ trình quen thuộc để khám phá vẻ đẹp mùa thu miền núi. Xuất phát từ Hà Nội, qua những đồi chè ở Thanh Sơn rồi đắm mình trong màu vàng óng của lúa nơi xứ Mù, từ đó ngược lên Ô Quy Hồ huyền thoại, rồi thị trấn cổ Sa Pa, lại nhọc nhằn leo dốc Mường Hum, qua đỉnh trời Y Tý trở về Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Cung đường khép trọn niềm vui của mùa lúa mới.

Ngây ngất hương lúa Mù Cang Chải

Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội chỉ hơn 300km, nghe tên có vẻ là xa xôi lắm, nhưng giờ đây là điểm đến của rất nhiều đoàn khách du lịch cả trong nước lẫn quốc tế. Với chúng tôi, xứ Mù không hề xa lạ, mỗi mùa lúa đổ nước rồi lúa chín đều qua đây. Nhưng chuyến đi lần thứ mấy mươi này vẫn làm cho cả đoàn chộn rộn. Hà Nội tiễn chúng tôi bằng những tia nắng nhẹ giữa mùa thu, đi ngược lại dòng người hối hả từ ngoại thành vào nội đô cho kịp giờ làm. Trong nắng sớm, chúng tôi nhanh chóng qua Thanh Sơn với những đồi chè xanh ngút tầm mắt, vượt đèo Khế, rồi đèo Ách. Nếu ai mê mẩn hương vị của chén trà shan tuyết nóng thì Suối Giàng là nơi lý tưởng để thưởng thức, những gốc chè cổ thụ cả người ôm nằm trên đỉnh núi quanh năm mờ sương cho ra thứ chè thượng hạng nhất. Cả đoàn lại xuôi dốc Bồ Hòn hướng về Nghĩa Lộ đến khi thoảng nghe trong gió mùi của rơm rạ, của lúa chín là lúc xứ Mường Lò chào đón.

Chỉ mới giữa thu thôi mà thung lũng Tú Lệ đã bắt đầu lạnh se sắt, cái hơi lạnh phả ra từ ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song vây quanh. Chúng tôi đi giữa thung lũng khi ánh chiều tà đã về, từng tia nắng cuối ngày chiếu xuống cả cánh đồng càng làm dậy thêm mùi của lúa nếp. Nếp Tú Lệ đã nổi tiếng khắp cả vùng Tây Bắc, cái thứ gạo mà không nơi nào có, được bà con người Thái, người Mông trồng một năm một vụ. Thứ xôi được nấu lên từ loại nếp này chẳng cần phải thêm đỗ, thêm lạc, thêm dừa mà vẫn đem lại vị ngọt rất riêng của rừng núi. Vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ độ mềm dẻo mà không hề ướt hay khô để người sành ăn nhất cũng phải tấm tắc.

Con đường lên Lìm Mông nằm lọt mình giữa những nương lúa đang được đất trời nhuốm lên một màu vàng rực, dòng suối chạy xuyên qua giữa thung lũng càng làm cảnh vật trở nên kỳ ảo hơn. Chúng tôi nhích ga thật chậm để lên đèo Khau Phạ – có nghĩa là “chiếc sừng trời”, một trong tứ đại đỉnh đèo của nước Việt khi mặt trời vừa kịp ló sau dãy núi và chiếu xuống những con đường. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng Cao Phạ mới thấy được màu no ấm. Thật khéo khen cho bàn tay những người nông dân, qua bao đời chỉ gắn bó với mảnh đất này mà vẽ nên giữa đất trời những đường cong đẹp đến thế. Lẫn giữa màu vàng của lúa là màu của váy áo, cô gái người Mông váy sặc sỡ đang khom mình gặt lúa, cô gái Thái với tà áo trắng tinh khôi đang đập lúa cùng những chàng trai. Đó, bức tranh mùa gặt của miền núi luôn đầy màu sắc như thế. Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, dường như vẫn không có gì thay đổi.

Chúng tôi đi giữa con đường 32 thênh thang nên đâu có gì vội vã. Để lại những chiếc xe ô tô nơi ngã ba Kim, chúng tôi thuê xe máy rẽ vào La Pán Tẩn, rồi từ đó men theo con đường mòn của người dân đi làm nương để lên Tả Chí Lừ. Tuyến đường đất rất nhỏ với nhiều dốc cao, có cả nước chảy giữa đường làm chúng trở nên trơn trượt. Con đường mòn nhỏ khiến chúng tôi khá chật vật. Tuy nhiên, ông trời luôn rất công bằng. Bù đắp lại những mệt nhọc của cung đường là cảnh sắc nơi đây. Cả thung lũng Tả Chí Lừ bừng lên trong nắng, nhuộm vàng cả một góc trời. Chúng tôi dường như không thốt được nên lời, chỉ biết ngồi xuống bên vệ đường và ngắm cho thỏa thích. Ông bạn đi cùng vốn cũng là dân nhiếp ảnh, sau vài cú bấm máy xạch xạch cũng đã chịu ngồi yên, rồi ông nói là không biết làm sao để chụp hết được vẻ đẹp nên thôi đành giữ lại bằng mắt vậy. Cả xứ Mù mùa này đều bừng lên những sắc màu, màu của nắng thu miền núi, màu của lúa vàng, của váy áo, của cả cuộc sống bình dị nơi miền sơn cước.

Tú Lệ, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Tả Chỉ Lừ… cũng chỉ là những góc nhỏ của đất trời nơi đây. Nếu có thời gian, tôi khuyên bạn hãy đi xe máy vào sâu trong Chế Cu Nha, Thào Chua Chải, Dế Xu Phình… để “cảm” và “thấm” hơn vẻ đẹp của núi rừng cũng như sự tài hoa của những bàn tay người Mông. Những bàn tay từ ngàn đời đã vẽ những đường nét, tô màu no ấm cho cả khung trời Tây Bắc. Đừng ngại ngần, hãy sà vào căn nhà ven đường, người Mông vốn rất hiếu khách, bữa cơm mới sẽ khiến bạn không thể nào quên mà cứ muốn ăn mãi không thôi.

Nắng Than Uyên

Cả đoàn lại rong ruổi trên hành trình lên miền đất Y Tý. Tạm biệt Mù Cang Chải đầy lúa vàng trải dài trên từng sườn đồi, chúng tôi lên với Than Uyên. Quốc lộ 32 đã được sửa lại với mặt đường láng mịn rất dễ làm những ai không quen sẽ “say đường”. Không còn quá nhiều lúa như xứ Mù nhưng mảnh đất đầu tiên của Lai Châu này lại hút hồn người lữ khách bằng nắng. Ai đi qua đó vào mùa thu rồi thì sẽ hiểu vì sao tôi nói như vậy. Nắng chiều vàng nhuộm hết cả con đường và những mảnh ruộng nhỏ bé xung quanh. Nắng không gắt mà dịu nhẹ, không trắng mà lại vàng, vàng ruộm như mật ong. Hãy đứng bên một hồ nước nhỏ cạnh đường ở đoạn giáp ranh giữa Than Uyên và Tân Uyên bạn sẽ biết mùa thu miền núi là như thế nào.

Một hồ nước không quá rộng nhưng cũng đủ để làm người qua đường “đã cơn khát”. Cảnh thanh bình hiện rõ lên từng nhành cây, ngọn cỏ. Ở giữa hồ là từng cụm nhỏ non bộ nhô lên, dăm ba đứa trẻ chăn trâu đang đùa nghịch giữa làn nước trong vắt. Mặt bên kia là cả triền đồi đầy cỏ cùng đàn trâu đang nhởn nhơ. Cảnh tượng dường như chỉ thấy ở những thảo nguyên của nước ngoài giờ xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi. Ai cũng ngỡ ngàng và lặng lại, chỉ biết ngắm nhìn và thốt lên: “yên bình quá”. Từng chiếc ghế xếp nhanh chóng được dựng ra, bếp cồn đã nổi lửa để nấu nồi nước sôi, hương chè Suối Giàng được tiết trời thu nhuốm thêm hương núi càng khiến người lữ khách quên đường về. Mãi tới khi những người bạn trong đoàn giục giã, tôi mới lại “uể oải” nổ máy lên đường tiếp.

Những vòng quay lại đưa chúng tôi tiếp tục trải nghiệm nắng chiều của xứ Lai Châu, đất Tân Uyên với đồi chè thơm ngọt tiễn chúng tôi để lên Bình Lư. Rồi từ đó, rẽ phải chuẩn bị cho chặng đường chinh phục Ô Quy Hồ. Được biết đến là ngọn đèo cao nhất nước Việt với độ cao trung bình trên 2.000m cùng chiều dài khoảng hơn 40km. Chúng tôi chậm rãi leo đèo trong buổi chiều muộn. Hầu hết đều phải dùng đến số 2, thậm chí là số 1 để đi lên những con dốc. Dốc và khúc cua là đặc sản của Ô Quy Hồ. Mặt đường láng mịn nhưng không hề dễ dàng cho những tay lái ít kinh nghiệm, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể sẽ rơi xuống vực ngay tức thì.

Khi chúng tôi tới được Cổng trời cũng là lúc hoàng hôn bắt đầu xuống trên những đỉnh núi. Cả đoàn dừng lại ở mảnh đất nhỏ với dăm ba lán trại bán đồ nướng của người dân tộc, chúng tôi ngồi đó để nhìn xuống cả con đường đèo đã qua. Tôi xem cách nhìn lại từng khúc cua vắt vẻo trên sườn núi kia là cách để nhìn lại quá khứ, bởi thời khắc chúng tôi qua đó đã qua mất rồi. Giờ tới đây mới có thể ngắm nhìn và ghép nối lại những mảnh vụn của thời gian. Cô bạn cùng đoàn đã nhanh chóng nhóm lửa để nấu nước pha cà phê cũng như nướng dăm ba thứ đồ khô mang theo. Còn gì tuyệt hơn là ngồi trên đỉnh đèo trong ánh chiều hoàng hôn với đằng xa là dãy Fansipan hùng vĩ mà nhấp ngụm cà phê nấu vội rồi tán gẫu cùng những kẻ đồng hành. Cuộc đời đó, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói “có bao lâu đâu mà hững hờ”…

Sóng vàng Y Tý, Lũng Pô thiêng liêng

Sa Pa đón chúng tôi bằng những cơn gió lành lạnh đầu mùa cùng mùi ngô khoai nướng bốc lên từ bếp của các chị hàng rong. Thị trấn nhỏ nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi này luôn là điểm dừng chân quen thuộc của chúng tôi trên những hành trình xuôi ngược. Vẫn là quán cũ với những món ăn đặc trưng, nhấp chút rượu thóc Thanh Kim để thấy lòng ấm hơn, thấy cuộc đời thảnh thơi sau chặng đường mệt mỏi. Đêm Sa Pa không mộng mị…

Sa Pa giờ đây đã phát triển hơn rất nhiều, dịch vụ du lịch dành cho khách đã đầy đủ hơn. Bạn có thể dành cả 2-3 ngày chỉ loanh quanh thị trấn cũng còn thấy “chưa đã”. Xuôi con dốc xuống Tả Van, cầu Mây để ngắm nhìn cả thung lũng lúa vàng rực hay vào từng căn nhà của người Dao ở Tả Phìn để thấy họ cặm cụi dệt khâu từng chiếc váy nhỏ đầy sắc màu. Nếu là người ưa hoài cổ, phế tích nhà thờ đổ ở Tả Phìn cũng có thể chiếm mất của bạn một buổi chiều. Còn nếu bạn là người ưa mạo hiểm, hãy lên đường chinh phục nóc nhà Đông Dương – Fansipan với độ cao 3.413m, còn “lười” hơn thì bạn đi cáp treo xuyên dãy Hoàng Liên Sơn cũng là trải nghiệm thú vị.

Chúng tôi phải ngược lại đèo Ô Quy Hồ chừng chục cây số để từ đó rẽ phải vào Bản Xèo, rồi qua Mường Hum để lên Y Tý và vòng về bằng đường Khu Chu Lìn – Lũng Pô. Cung đèo Can Quy Hồ chào đón cả đoàn bằng những khúc cua khá hiền trong buổi nắng sớm mai như ru ngủ đoàn lữ khách. Tôi vẫn nhớ rõ cung đường Mường Hum của những năm về trước. Mặt đường đất với nhiều rãnh sâu do mưa lũ và sạt lở. Đối với những chiếc xe máy dù tính cơ động và linh hoạt khá cao nhưng cũng phải chật vật nhích từng con dốc một. Với ô tô thì vất vả hơn rất nhiều để chọn được điểm đặt bánh xe khi bề rộng đường chỉ vừa đủ chiếc xe. Tất nhiên, chỉ những chiếc xe 2 cầu với bộ máy khỏe mới có thể chinh phục được đoạn đường này.

Không chỉ là đá hộc, đá dăm mà còn cả cát, có những khúc cua khiến những chiếc xe máy bị trầy và trượt bánh. Không ít lần người ngồi sau của các xe máy phải xuống để đẩy cho xe qua con dốc hay những gờ đường có khoảng cách chênh lệch rất lớn do sụt lún. Ai đã đi đường off-road rồi thì sẽ biết, cung đường Mường Hum xứng đáng được xem là cung off khá thú vị. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước khi con đường chưa được làm lại. Giờ đây, khi đã được “tôi luyện” qua Khau Phạ, Ô Quy Hồ thì cung đường Mường Hum không hề làm khó tay lái của bạn.

Nếu có chút mệt nhọc, hãy mở toang cửa sổ của xe, từng dải lúa như sóng vàng trên sườn núi, trải dài từ Dền Thàng, qua Y Tý tới tận A Lù sẽ khiến bạn trầm trồ không ngớt. Hồ Mường Hum như tấm gương khổng lồ soi bóng cả vạn vật. Không khí vụ mùa rộn ràng trên từng thửa ruộng. Lúa Y Tý không giống lúa xứ Mù, thường chín sớm hơn đôi ba tuần và diện tích trải dài hơn. Chúng tôi cứ men theo con đường nhỏ vắt vẻo chạy vòng quanh ấy mà đi, để rồi lại ngẩn ngơ mê mải với bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc. Y Tý hôm nay không có mây, đó là điều kém may mắn với chúng tôi, tuy nhiên có lẽ chẳng có gì là tuyệt đối. Những mái nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì với bốn mặt là những vách đất dày cả nửa mét, phía trên lợp mái cỏ, đâu đó xen lẫn cả màu xanh của rêu bám kín từng mảng. Những căn nhà tưởng như chỉ có trong phim hoạt hình về xứ sở thần tiên nào đó lại hiện rõ trước mắt chúng tôi.

Từ Y Tý, chúng tôi về A Mú Sung rồi rẽ sang đường tuần tra biên giới. Cung đường chạy qua những ruộng lúa rồi đi thẳng ra dọc phía thượng nguồn sông Hồng. Từng dải lúa vàng hai bên ôm cả lấy những ngoằn ngoèo khúc khuỷu của dải lụa chúng tôi đang đi. Chỉ cách con sông thôi, bên kia là Trung Quốc với đường cao tốc ngày đêm xe chạy ầm ầm. Phía nước mình chỉ là con đường mòn nhỏ, dăm đoạn đã được đổ bê-tông. Có ai đã từng chạy xe trên đường đó mới thấy cảnh sắc buổi chiều biên giới đẹp đến nhường nào. Không có quá nhiều người dân sống sát đường tuần tra mà thay vào đó là những vườn chuối trĩu quả và dăm ba lán trại để chứa những buồng chuối đã bắt đầu ngả vàng chờ xe tới đưa đi khắp nẻo đường cả nước và xuất khẩu.

Có những đoạn mặt đường bị sạt lở, cũng có đoạn cỏ cây bò lan che kín hết cả lối đi, chúng tôi không quá vội để chạy nhanh. Chúng tôi đi chậm để ngấm thêm tình yêu đối với đất nước mình. Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt là nơi giao nhau của một dòng suối nhỏ từ đất phía mình đổ ra và sông lớn hơn từ Trung Quốc đổ vào. Hai dòng nước hòa vào làm một để mang biết bao phù sa cho vùng đồng bằng châu thổ. Đứng bên cột mốc 92 mà ai cũng im lặng, nghi thức chào cờ được chúng tôi thực hiện nơi biên cương này như là một hành động vì quê hương. Mảnh đất phên dậu của đất nước đã biết bao lần bị xâm lăng, giờ đây đã được yên bình, cột mốc nằm lặng lẽ nơi đó mà thiêng liêng và cao quý lắm.

Trên con đường trở về, chúng tôi còn bắt gặp cột mốc 93, 94, rồi 95. Trở về Lào Cai, theo con đường cao tốc dài nhất Việt Nam về tận Nội Bài với chỉ gần 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi kết thúc hành trình Mùa thu miền núi. Một xứ Mù ngây ngất hương lúa, một Than Uyên nắng vàng như mật, Ô Quy Hồ sừng sững giữa đất trời, Sapa lặng lẽ mà bình yên, một Y Tý như trong chuyện cổ tích, một Lũng Pô thiêng liêng nơi biên ải,… sẽ còn lại mãi trong chúng tôi trên những chặng đường kế tiếp. Vì đơn giản, cuộc đời là những chuyến đi…


TIPS

Thông tin lộ trình

Ngày 1: Hà Nội – Thanh Sơn – Văn Chấn – Tú Lệ

Ngày 2: Tú Lệ – Mù Cang Chải – Than Uyên – Bình Lư – Sa Pa

Ngày 3: Sa Pa – Mường Hum – Y Tý – Lũng Pô – Lào Cai

Ngày 4: Lào Cai – Hà Nội

Đừng quên mang đủ đồ

Nếu bạn là người ưa “xê dịch” thì đã quá biết những đồ dùng cần thiết cho một hành trình dài. Quần áo đủ ấm vì buổi tối mùa thu miền núi trời đã se lạnh, túi đồ y tế với đủ các thuốc cơ bản luôn cần thiết cho những trường hợp bất trắc. Đừng quên giấy tờ tùy thân, bởi cung đường này sẽ đi qua nhiều khu vực sát biên giới nên bạn cần trình báo với bộ đội biên phòng để được hướng dẫn chu đáo nhất. Một chiếc nồi nhỏ để nấu nước pha cà phê, một cuốn sổ nhỏ để bạn có thể ghi lại cảm xúc trên đường. Cũng đường đãng trí mà quên máy ảnh, sạc pin nhé… Nên mặc trang phục outdoor phù hợp, giày trekking sẽ giúp bạn thoải mái khám phá từng thửa ruộng. Nếu đi nhóm nhiều xe ô tô thì nên trang bị bộ đàm để liên lạc với nhau dễ dàng và nhanh chóng.

Với “xế yêu” của bạn

Khác với xe máy, nếu ô tô của bạn gặp sự cố trên đường sẽ phiền phức hơn rất nhiều. Vì thế, kiểm tra và bảo dưỡng xe trước hành trình là điều bắt buộc phải làm. Đừng tặc lưỡi tiếc rẻ chiếc lốp đã mòn với lối suy nghĩ “chắc vẫn còn đi được, đi về rồi thay”, hãy thay lốp, dầu máy, kiểm tra nước làm mát định kỳ. Không nên dừng xe quá sát vách vực hay khu nền đất yếu. Hãy tuân thủ nguyên tắc “mệt đâu nghỉ đấy” không nên chạy cố khi cơ thể bạn đã mệt hay buồn ngủ, bởi chỉ vài giây “lạc tay lái” bạn sẽ không có cơ hội làm lại lần thứ hai.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social