Nhà của Pao – nơi níu bước chân du khách

Sau khi thành công trên màn ảnh nhỏ, “nhà của Pao” đã trở thành một trong những địa điểm không thể bỏ qua trên cung đường khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ngôi nhà là một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào dân tộc Mông vừa hoang sơ, vừa ẩn chứa vẻ đẹp trong sáng đến lạ kỳ.

Sau khi thành công trên màn ảnh nhỏ, “nhà của Pao” đã trở thành một trong những địa điểm không thể bỏ qua trên cung đường khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ngôi nhà là một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào dân tộc Mông vừa hoang sơ, vừa ẩn chứa vẻ đẹp trong sáng đến lạ kỳ.

Nhà của Pao nằm ở Thôn Lũng Cẩm nay còn được gọi là làng làng văn hoá du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Đây là nơi có nhiều cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ và có hơn 63 hộ dân tộc Mông và Hán sinh sống lâu đời.

Nhà của Pao nằm ở Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là, Đồng Văn (Hà Giang).

Được biết, ngôi nhà của ông Mua Súa Páo đã được đạo diễn Ngô Quang Hải chọn làm bối cảnh quay phim nhựa “Chuyện của Pao”, chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thuỷ. Bộ phim này đã đoạt giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006.

Từ khi được chọn làm bối cảnh cho những thước phim đẹp đến nao lòng trong “Chuyện của Pao”, ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của một gia đình người Mông vốn nổi tiếng từ nhiều năm trước, trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở làng Lũng Cẩm. Giữa cao nguyên đá khô cằn, “nhà của Pao” như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào Mông với vẹn nguyên nét đẹp huyền bí và quyến rũ.

Cổng vào nhà Pao được làm bằng gỗ, chân cột và tường rào bằng đá, mái ngói âm dương phủ kín dấu vết thời gian.

Được biết, ông Mua Súa Páo là một người nổi tiếng và có vai vế ở Tây Bắc. Ông từng giữ chức Trung đội trưởng đội quân của Vua Mèo thời trước Cách mạng tháng Tám 1945. Người ta bảo, ông Páo võ nghệ hơn người, lại có sức khỏe phi thường, có thể một mình tay không đánh thắng hổ. Chính những khả năng ấy đã khiến Vua Mèo yêu quý và tin tưởng cho mời giữ chức vụ cao nhất trong đội quân tháp tùng.

Sau khi giữ chức vụ cao nhất trong đội quân tháp tùng, có tiền, ông Páo thuê thợ giỏi nhất về xây dựng ngôi nhà trong mấy năm ròng. Ngôi nhà có một gian chính 2 tầng chia thành nhiều phòng khách và phòng ở, một gian phụ chia làm 2 phòng nhỏ là nhà kho, bếp, một chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Nhà xây quây bốn hướng chụm lại ở giữa có sân tạo không gian ấm cúng, yên bình.

Toàn cảnh ngôi nhà được lấy làm bối cảnh chính trong phim “Chuyện của Pao” .

Những mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, cùng với thời gian, những lớp rêu xanh bám đầy trên mái ngói của những ngôi nhà đã gần một thế kỷ, thể hiện sự trường tồn, thách thức với thời gian. Các nguyên liệu làm nên những ngôi nhà được lấy và sản xuất tại chỗ, từ đất để trình tường nhà, ngói, gỗ, kể cả hàng rào đá xung quanh nhà.

Lối dẫn vào nhà của Pao đi qua một cánh đồng hoa hồng cùng nhiều cỏ dại.

Có khi khách du lịch vừa tới ngõ, người lớn, người bé trong nhà đã ùa ra, vừa rụt rè bẽn lẽn lại vừa như háo hức, tò mò. Dù không hiểu hết tiếng Kinh, khách lạ đến nhà cũng chẳng thể hiểu được tiếng Mông, nhưng không vì thế mà ngăn được tiếng cười trẻ thơ những lúc được cho bánh, chia kẹo hay chụp hình.

Trẻ con ríu rít ùa ra mỗi khi có khách du lịch tới.

Trong nhà của Pao còn được trưng bày các công cụ lao động phản ánh về lao động sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân ở Lũng Cẩm thời xưa. Tất cả toát lên sự cần cù chịu khó của người dân, cũng như nét sinh hoạt văn hoá của họ và mang cả hơi thở cuộc sống đặc trưng của các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Tường “nhà của Pao” được trình bằng đất, cầu thang gỗ.

Nhiều năm nay, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, “nhà của Pao” lại rộn ràng du khách đến thăm, bởi màu trắng của mận, màu hồng của đào tô điểm khiến ngôi nhà thêm cuốn hút. Trả lại vẻ bình yên của Lũng Cẩm, lúc ra về ai cũng giữ cho mình những bức hình, những ký ức đẹp về cao nguyên đá, về ngôi nhà trình tường cổ và những bước chân không muốn rời.

Ảnh: Sưu tầm




Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social