Những cột mốc nơi biên cương Tổ Quốc

Nếu coi mỗi cột mốc ranh giới là một dấu chấm đỏ trên bản đồ, thì nối các dấu chấm ấy lại, sẽ là hình chữ S của nước Việt.

Nếu coi mỗi cột mốc ranh giới là một dấu chấm đỏ trên bản đồ, thì nối các dấu chấm ấy lại, sẽ là hình chữ S của nước Việt.

Những biến động lịch sử dù đau thương hay bi tráng cũng qua rồi, đã mang lại cho nước Việt một hình hài trọn vẹn như ngày hôm nay. Biết bao nhiêu xương máu của ông cha đã ngã xuống vì giữ từng tấc đất nơi phên dậu của tổ quốc. Từng tấc đất thiêng liêng ấy được gìn giữ ngàn đời, là bất khả xâm phạm. Nếu như trước đây, lằn ranh biên giới của quốc gia chưa thực sự rõ ràng, thì tới nay, những cột mốc đã được cắm dọc tuyến đường biên dài hàng chục ngàn cây số từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Hà Tiên (Kiên Giang) đủ để khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia. Có lẽ, chưa một ai đi trọn hết cả ngàn cột mốc trên suốt đường biên với Trung Quốc, Lào, Cambodia bởi chúng quá hiểm trở, khó khăn và gian nan vô cùng.

Tôi nhớ mãi, những ngày tháng tư nắng như đỏ lửa nơi mảnh đất phía cực Tây của đất nước. Nơi ấy, có cột mốc số 0 nằm trên đỉnh Khoang La San cao gần 2.000m, là nơi đánh dấu điểm bắt đầu chung của ba nước Việt – Trung – Lào. Từ đây, nhìn về giang sơn nước Việt để thấy sự hào hùng bi tráng của một thời kỳ lịch sử đầy biến động. Ngày đó, để chinh phục được cột mốc số 0 – A Pa Chải, tôi đã phải leo hơn 12km đường rừng sau khi đã rất vất vả để có được giấy phép từ Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên, cũng như vượt qua quãng đường “khủng khiếp” từ Mường Chà đi tới đồn 317 – nơi bắt đầu hành trình gian nan. Hơn 12km dưới cái nắng như đổ lửa, gió lào thổi táp cả mặt, qua 3 đồi cỏ tranh với đầy vết cứa đứt cả da tay chân.

Không ít đoạn, chúng tôi phải bò người, đu dây theo vách mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Khi đã vượt qua 3 đồi cỏ tranh đầy cực nhọc thì bạn sẽ còn phải băng tiếp con đường rừng nguyên sinh nhưng đã đỡ mệt hơn vì có nước suối để uống và cây che bóng mát. Chỉ đoạn cuối cùng để lên mốc là phải đu dây rừng một lần nữa. Dù vất vả, cực nhọc là thế nhưng cảm giác đứng trên đỉnh núi, ôm cột mốc ba mặt ngoảnh về ba hướng hát vang bài ca tuổi trẻ là mọi thứ tan biết hết. Chỉ còn lại nắng, gió lộng, trời xanh và chúng tôi ở đó – ở cái nơi mà “một con gà cất tiếng gáy, cả ba nước cùng nghe”. Đó chính là cực phía Tây thiêng liêng của nước Việt.

Từ cột mốc số 0 này, nếu bạn “đi men” theo đường biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc thì sẽ còn gặp hơn một ngàn cột mốc nữa, được đánh số thứ tự tăng dần. Và điểm cuối cùng của đường biên ấy, cũng là cột mốc cuối cùng giữa hai nước mang số 1378 lại nằm ở vị trí vô cùng đặc biệt. Cột mốc nằm ở ngay cửa sông Bắc Luân, trong cụm đảo nhỏ thuộc phường Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh. Mốc được xây cao để không bị chìm khi thủy triều lên, dĩ nhiên bạn sẽ phải đi thuyền mới có thể chinh phục được cột mốc thú vị này.

Cũng từ đỉnh Khoang La San, nếu đi dọc về phía Nam đất nước, bạn sẽ gặp những cột mốc chung với nước bạn Lào và kết thúc ở một cột mốc đặc biệt không kém, đó chính là cột mốc Đông Dương. Đây là cột mốc vừa phân chia vừa là nơi khởi nguồn của đường biên giới của ba nước Đông Dương là Việt Nam – Lào – Campuchia. Vượt qua những chặng đường bụi đỏ của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, qua những rẫy cà phê thơm ngát giữa mùa hoa, sau đêm rượu cần chuếnh choáng, chúng tôi lên đường chinh phục cột mốc ba mặt thú vị này. Đường vào cửa khẩu Bờ Y đã được mở rộng khiến bạn có thể vi vu mà thưởng thức gió trời miền núi, ngay cả đường lên mốc cũng đã được trải bê-tông nên không quá vất vả như mốc A Pa Chải.

Cột mốc Đông Dương cũng được làm bằng đá hoa cương, hình trụ tam giác ba mặt, trên mỗi mặt đều gắn quốc huy và quay về lãnh thổ mỗi nước. Mốc nằm trên đồi cỏ cao hơn 1.000m, bốn bề là rừng núi nhưng không quá rậm rạp như mốc cực Tây. Từ đây, nếu cứ xuôi dần về phía Nam bạn cũng sẽ gặp rất nhiều cột mốc với đất nước Campuchia và mốc số 240 là một mốc rất đặc biệt trong số đó.

Mốc 240 đánh dấu điểm đầu tiên của dòng sông Mekong chảy vào Việt Nam để vun đắp phù sa cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay. Mốc nằm tại cửa khẩu Thường Phước của tỉnh Đồng Tháp. Miền Nam có sông Mekong thì miền Bắc có sông Hồng, và thú vị thay, tại ngã ba biên giới ấy cũng có một cột mốc đánh dấu điểm đầu tiên nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt” mang số hiệu 92. Mốc 92 nằm tại mé sông, nơi dòng sông Hồng chảy bên địa phận Trung Quốc với dòng suối Lũng Pô hòa chung một dòng để tạo nên dòng sông đỏ nặng phù sa cho cả đồng bằng Bắc Bộ. Và nếu ngược hết dòng sông Đà thì bạn sẽ gặp cột mốc số 17. Đây cũng là cột mốc đánh dấu nơi đầu tiên của dòng Đà giang trên nước Việt nằm tại Kẻng Mỏ, Mường Tè, Lai Châu.

Nếu ai đó, dành cả cuộc đời này để đi thì may ra mới có thể đi hết được toàn bộ hàng ngàn cột mốc biên giới – điểm đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Vì sao, vì có những cột mốc ngay bên đường quốc lộ nhưng cũng có những cột mốc nơi rừng thiêng nước độc mà không dễ gì chinh phục được. Mốc 79 và mốc 42 là hai trong những cột mốc độc đáo như thế. Mốc 79 được xem là mốc cao nhất của nước Việt, nằm trên đỉnh núi Phàn Liên San ở độ cao gần 3.000m, nơi được xem là hiểm trở nhất của đường biên giới Việt – Trung. Cột mốc số 42 nằm ở độ cao hơn 2.800m thuộc xã Pa Ủ (Lai Châu) cũng là một thử thách rất lớn nếu ai muốn chinh phục.

Nếu mốc số 0 A Pa Chải đánh dấu cực Tây của nước Việt thì mốc 428 được xem là nơi đánh dấu cực Bắc thực sự (cực Bắc tượng trưng là cột cờ Lũng Cú). Bắt đầu từ cuối xóm Xéo Lủng, bạn phải đi bộ vượt núi đá khoảng 3km, qua các cột mốc 426, 427 mới có thể đến được mốc 428. Mốc 428 cũng là điểm đánh dấu đầu tiên của dòng sông Nho Quế chảy trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng đừng quên mốc 314 ở thị xã Hà Tiên, Kiên Giang vì đây là mốc cuối cùng trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Nắng chiều biên giới trải một lớp vàng như mật ong lên từng con đường, từng cánh đồng, từng đàn trâu đang đằm mình dưới ruộng thật khiến cho ai tới đây cũng chùng lòng. Phong cảnh bình yên quá đỗi nhưng lại ghi dấu biết bao trang sử bi tráng của mảnh đất cuối cùng trên đất liền nước Việt.

Dăm ba cột mốc thôi mà đã nhọc nhằn, chơi vơi, có mốc giữa sông nước, mốc lại trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Bạn có dám chinh phục chúng không? Nếu có, hãy sửa soạn để lên đường nào, để thấy đất nước Việt Nam đẹp biết nhường nào.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social