Vẻ đẹp đất trời sông nước Năm Căn – điểm cực Nam Tổ quốc

Năm Căn là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi này, vùng đất hứa hẹn sẽ mang đến cảnh quan về hệ sinh thái tuyệt vời cho những ai đặt chân đến.

Cà Mau – vùng đất tận cùng của Tổ quốc luôn sẵn lòng chào đón du khách bằng vẻ đẹp thanh bình, êm ả. Và Năm Căn là điểm dừng chân cuối cùng là điểm đến mang đến cảnh quan tuyệt vời cho những ai đặt chân đến, đó là rừng ngập mặn lớn thứ hai trên thế giới và chợ nổi nhộn nhịp trên sông.

RỪNG NGẬP MẶN LỚN THỨ HAI TRÊN THẾ GIỚI

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở tận cùng bản đồ Việt Nam” là câu hát thân thương trong bài “Áo mới Việt Nam” gợi nhớ về điểm cực Nam của tổ quốc. Rừng đước và rừng tràm vây quanh mũi Cà mau từ Đông sang Tây, các khu rừng này có vai trò cực kì quan trọng trong việc chống xâm thực của biển vào đất liền. Với diện tích to lớn, rừng ngập mặn Cà Mau đứng thứ hai trên thế giới cả về diện tích lẫn tầm quan trọng, chỉ sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh.

Rừng đước Năm Căn có diện tích lên đến 63.017ha, đứng thứ 2 trên thế giới, hình dạng giống chữ V như một bán đảo với 3 mặt giáp biển. Rừng chủ yếu nằm trên địa phận huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Hệ sinh thái nơi đây độc đáo, thảm thực vật đa dạng bao gồm nhiều loài cây như đước, mắm, bẹt, chà là và nhiều cây dương xỉ, trong đó, loại cây chiếm phần lớn diện tích và có giá trị kinh tế cao là đước, từ đó cái tên Rừng đước Năm Căn trở nên nổi tiếng gần xa, thu hút nhiều du khách đến đây khám phá thiên nhiên của khu rừng ngập mặn trù phú.

Tại đây, theo số liệu thống kê vào năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu, rừng ngập mặn Cà Mau có hệ thống động thực vật phong phú với 22 loài cây, 13 loài thú (thuộc 9 họ), 74 loài chim (thuộc 23 họ), 17 loài bò sát (thuộc 9 họ), 5 loài lưỡng cư (thuộc 3 họ), 14 loài tôm, 175 loài cá (116 giống và 77 họ), 133 loài động thực vật phiêu sinh.

Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, dân Đất Mũi vào rừng sâu dựng làng gầy dựng phong trào đấu tranh diệt giặc, nhiều năm phải ăn trái mắm thay cơm, cất nước mặn thành nước ngọt để dùng. Chính nơi này làm nơi đồn trú cho quân chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích làm nên những chiến công lừng lẫy: đánh tan tác nhiều cuộc càn quét lấn chiếm của địch, bẻ gãy nhiều “chiến dịch Hạm đội nhỏ trên sông”. Đây là căn cứ địa vững chắc của Xứ uỷ, Khu uỷ, Tỉnh uỷ, và là nơi Trung ương cục đặt bản doanh. Nơi này có thầy giáo, nhà báo Phan Ngọc Hiển người đã tổ chức đánh chiếm Hòn Khoai trong tay giặc Pháp thời Nam kỳ khởi nghĩa (1940); nơi có gia đình ông Ba Pháo đã từng nuôi dưỡng, cưu mang đồng chí Lê Duẩn; nơi quê hương của anh hùng Bông Văn Dĩa với thuyền buồm, thuyền máy tìm đường chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, mở ra con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vì vậy, trong nhiều yếu tố nuôi dưỡng tâm hồn con người, trước hết tại vùng rừng đước Năm Căn có đầy đủ hai yếu tố quan trọng, đó là điều kiện địa lý và lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, từ đó, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay rừng đước Năm Căn đã đóng góp nhiều thành tựu đáng kể vào thành tựu chung của tỉnh và của cả nước.

CHỢ NỔI NĂM CĂN LÊNH ĐÊNH TRÊN SÔNG

Miền Tây thường nổi tiếng với nhiều sông ngòi, kênh rạch len lỏi đan xen với những ngôi nhà của người dân địa phương. Với địa hình như vậy, việc mua bán đối với người dân là rất khó khăn. Vì vậy, hàng ngày những cửa hàng, cửa hiệu là những chiếc ghe, chiếc thuyền nhỏ le lòi theo các sông rạch mang hàng hóa đến với người dân vùng sâu Năm Căn. Từ những mặt hàng thường dùng như dầu gội, kim chỉ,… đến những thực phẩm ăn uống hàng ngày như mớ rau, miếng thịt.

Nét đặc sắc của chợ nổi Năm Căn, chính là việc người dân không phải đi đâu, chỉ việc ngồi mua sắm tại nhà, cửa hàng sẽ tự trôi đến. Giá cả so với chợ ở thành phố không chênh lệch là bao, lại có thêm hình thức “mua trước, trả sau”, vì vậy người dân vùng này thường hay mua bán chủ yếu ở chợ nổi.

Vào những ngày giáp Tết là những ngày phiên chợ nhộn nhịp nhất. Vì Tết đến, nhu cầu sắm đồ nhiều, không chỉ là những mặt hàng thông dụng hàng ngày nữa, chợ nổi Năm Căn còn bán thêm những mặt hàng như hoa, cây cảnh, tranh lịch,… Không chỉ có mua và bán, ngành dịch vụ ở chợ nổi còn mở rộng ra nhiều ghe làm tóc, uốn ép tóc, sơn móng, bán mĩ phẩm để phục vụ như cầu làm đẹp của chị em vùng Năm Căn.

Xưa đã vậy, nay vẫn thế, và đó là hình ảnh còn lưu giữ lại hàng trăm năm qua. Nó gắn liền với sự ra đời của cái tên Năm Căn. Bởi ngày ấy, trên bến ngã ba sông Cửa Lớn, có một người Hoa kiều đến dựng 5 căn trại đáy, giăng lưới cố định đánh bắt cá trên sông, cách đây chừng 200 năm. Miền đất rạch ngang sông nước, cá tôm như trên trời rơi xuống, lấy tay cũng bắt được dăm con. Người ta đến đây đánh cá, trồng chuối họp chợ trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, ngay bên 5 căn trại đáy. Những cuộc trao đổi, gặp gỡ đều lấy điểm hẹn là 5 căn trại đáy trên ngã ba sông. Dường như cái tên Năm Căn được định danh từ hình ảnh đó. Cuộc sống chài lưới chợ búa trên sông Cửa Lớn được ghi dấu ấn trong nhiều câu ca dao được truyền tụng. Đến trẻ con cũng thuộc câu: “Cha chài, mẹ lưới, con câu/ Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi lò”. Sau này cho dù chợ đã hình thành trên hai bờ sông, nhưng nguồn cung ứng chủ yếu vẫn do những tàu, thuyền lớn đi khắp nơi gom hàng về. Ngay chợ lớn ở thị trấn Năm Căn cũng ở gần bờ sông để tiện khách đi thuyền lên bờ mua bán.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social