Về Tam Quan mục sở thị cánh đồng cói xanh mướt mát

Bình Định không chỉ có những bãi biển đẹp hoang sơ trong ngần, không chỉ có những hàng dừa tít tắp mà còn có cả những cánh đồng cói bao la làm nguyên liệu để làm nên những chiếc chiếu cói mát mẻ, những sản phẩm mây tre đan, những sản phẩm tiêu dùng khác.

Tam Quan là một địa danh thuộc tỉnh Bình Định và là một làng nghề rất nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói. Tam Quan còn nổi tiếng với giống dừa Tam Quan thơm và ngọt lịm không thua gì xứ dừa Bến Tre. Du lịch Tam Quan, ngoài thưởng lãm cánh đồng cói xanh mướt mát vào mùa thu hoạch bạn còn có thể thưởng thức đặc sản giống dừa thơm ngon này.

 

Cánh đồng cói Tam Quan đẹp ma mị trong ánh chiều tà - Ảnh: haisontra

Cói là một loại cây thân cỏ, sống ở nước lợ và nước mặn. Thân cây cói có hình tam giác, vỏ màu xanh, ruột xốp màu trắng. Đường kính thân cây khoảng 5 - 7 mm. Cói được trồng nhiều ở các vùng quê nước ta như cói Nga Sơn ở Thanh Hóa, cói ở làng chiếu Tân Lễ, chiếu Làng Hới… Nhưng khi nhắc đến chiếu cói thì không thể không nhắc đến cói ở Tam Quan được.

 

Phong cảnh thanh bình mỗi mùa thu hoạch cói - Ảnh: Tannobi

 

Những làn sóng cói dệt nên khung cảnh trữ tình - Ảnh: Tannobi

Ở nhiều vùng miền, cây cói còn được gọi là cây lác. Mỗi năm, cói được trồng 2 vụ là vụ mùa vào khoảng tháng 4 âm lịch và vụ chiêm vào khoảng tháng 8 âm lịch. Cói là loài cây ưa mặn nhưng chỉ thích hợp với độ mặn nhẹ, vừa phải, nếu nước mặn quá thì cây sẽ chết hoặc khó phát triển.

 

Hối hả - Ảnh: Tannobi

Mỗi địa phương lại có những cánh đồng cói dưới nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng những cánh đồng cói ở Tam Quan đan xen trong phong cảnh thanh bình yên ả của làng quê Trung Bộ lại có một sức hút khó cưỡng khiến cho du khách mỗi lần ghé thăm lại có một chút bần thần, lưu luyến.

 

Bao vất vả cũng không làm tắt đi được nụ cười trên môi người Tam Quan - Ảnh: Sưu tầm

Người dân Tam Quan vốn chất phác, giản dị nhưng chính những bàn tay rất “đời thường” ấy lại phác thảo lên cánh đồng những bức tranh vô cùng sống động và nhiều màu sắc. Họ được gọi là những “họa sỹ của cánh đồng”.

 

Với bàn tay bình dị nhưng người dân làng nghề đã tạo nên những bức tranh đồng cói vô cùng sống động - Ảnh: Sưu tầm

Giữa cánh đồng bao la bát ngát, trải dài ngút ngàn đến tận chân trời, cánh đồng cói xanh mướt mát như nhuộm cả đất trời một màu xanh bất tận, điểm tô trên nền trời là từng đàn cò trắng lững thững bay tìm nơi trú đêm. Thấp thoáng xa xa là hình ảnh những người nông dân cần cù, lam lũ đang tất bật công việc đồng áng làm cho bức tranh phong cảnh sinh động hẳn lên.

 

Những thân cói vào vụ thu hoạch mập và căng bóng - Ảnh: Domino

Vào vụ thu hoạch, những cây cói to mập, thân căng bóng như chứa đựng sức sống phi thường của người dân miền Trung lam lũ.  Mỗi khi những cơn gió lãng du thổi đến, cả cánh đồng cói xanh mướt mát lại dập dềnh theo làn gió. Những làn sóng cói lan tỏa khắp cánh đồng như một bức tranh động đẹp và ấn tượng vô cùng.

 

Thu hoạch cói - Ảnh: Viet Hung

Công việc thu hoạch cói cũng rất thú vị và chất chứa bao nỗi nhọc nhằn của người dân làng. Đầu tiên, người ta dùng một dụng cụ đặc biệt rất sắc và bén ngọt để cắt cói. Chỉ cần một đường cắt là cả một bó cói to đã nằm gọn trong tay người cắt. Công việc này thường do các nam thanh niên trai tráng khỏe mạnh đảm nhận.

 

Cắt cói - Ảnh: Domino

Sau khi cói được cắt, người ta bó cói thành từng bó lớn và dùng một chiếc đòn gánh cũng rất đặc biệt để gánh cói. Công việc này được các chị em phụ nữ đảm nhận vì đòi hỏi sự khéo léo nhiều hơn. Cói được gánh ra chỗ tập kết thành những bó cói lớn hơn nhiều đến những chiếc bè lớn và đưa lên xe chở về.

 

Gánh cói là công việc mà phụ nữ thường đảm nhận - Ảnh: Sưu tầm

 

Đôi khi đàn ông cũng đỡ đần cho các chị em - Ảnh: Sưu tầm

Sau đó, cói được đưa đến các làng nghề để tiến hành xử lý cói và nhờ những bàn tay tài hoa tỉ mẩn gọt dũa để cho ra những sản phẩm là những chiếc chiếu cói hay túi cói, mũ cói, dép cói…

 

Những gánh cói trĩu nặng - Ảnh: Domino

Quá trình làm nên một chiếc chiếu cói tốn khá nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Sau khi thu hoạch cói là đến công đoạn xé sợi cói, nhuộm cói, phơi cói và dệt thành chiếu cói. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của những nghệ nhân làng cói và khi mỗi chiếc chiếu cói hình thành, ngoài những màu sắc được nhuộm bằng thuốc thì còn được nhuộm bởi những giọt mồ hôi mặn đắng của những người thợ làng cói Tam Quan.

 

Cói sau khi thu hoạch được phơi khô - Ảnh: Domino

 

Công đoạn nhuộm cói - Ảnh: Sưu tầm

Sản phẩm là những chiếc chiếu cói nhiều màu sắc - Ảnh: Sưu tầm

Những sản phẩm được làm từ cói khác - Ảnh: Sưu tầm

Mũ cói - Ảnh: Sưu tầm

Những cánh đồng cói xanh mướt mát ở Tam Quan không chỉ là điểm đến yêu thích của những du khách yêu thiên nhiên và muốn tìm về những chốn bình dị mà còn là địa chỉ hấp dẫn khó cưỡng của những nhiếp ảnh gia đi săn những thước hình đẹp. Một lần đến với Bình Định, ghé thăm làng cói Tam Quan để có những trải nghiệm thú vị và giây phút bình yên bạn nhé!



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social