Xẻo Quýt – Khu du lịch mang đậm dấu ấn lịch sử

Xẻo Quýt bắt đầu từ bên trái rạch Ngã Cái chạy ngoằn nghèo dài hơn 5 cây số từ hướng Tây Nam sang Đông Bắc, làm ranh giới giữa 2 xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thời chống Mỹ, địa danh này thuộc xã Long Hiệp, huyện Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong. Con kênh Hội Đồng Tường đào cắt ngang chia Xẻo Quýt ra làm hai.

Xẻo Quýt bắt đầu từ bên trái rạch Ngã Cái chạy ngoằn nghèo dài hơn 5 cây số từ hướng Tây Nam sang Đông Bắc, làm ranh giới giữa 2 xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thời chống Mỹ, địa danh này thuộc xã Long Hiệp, huyện Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong. Con kênh Hội Đồng Tường đào cắt ngang chia Xẻo Quýt ra làm hai.

Người dân quen gọi đoạn ngoài là Xẻo Quýt ngoài, đoạn trong là Xẻo Quýt trong. Căn cứ tỉnh ủy Kiến Phong nằm ở ngọn cùng Xẻo Quýt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tỉnh ủy Sa Đéc dời ra thị xã Cao Lãnh rồi về thị xã Sa Đéc, để lại một tổ bảo vệ giữ gìn căn cứ Xẻo Quýt , nhờ đó cảnh quan không bị tàn phá. Đến đầu những năm 1980, tỉnh ủy Đồng Tháp chủ trương phục dựng lại các công sự, hội trường, nhà công vụ đồng thời sưu tầm hiện vật trưng bày, đưa căn cứ Xẻo Quýt thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và đón khách du lịch đến tham quan.

Những cây tràm được trồng bằng sức mạnh của ý chí, lòng dân cách đây hơn 40 năm giờ đã thành cổ thụ. Dây bồng bông leo phủ phục, tạo thành một khu rừng óng ánh dưới nắng mặt trời, trông đẹp như tranh. Bóng mát và gió vi vu, hòa cùng tiếng chim ríu rít, biến Xẻo Quýt thành một khu du lịch sinh thái lịch sử độc đáo, nên thơ, hấp dẫn nhiều người.

Tên gọi Xẻo Quýt đã được người dân Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng châu thổ Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung biết đến từ rất lâu. Khu rừng tràm rộng 50ha này vốn những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước hãy còn là khu vực hẻo lánh, trống trải, bốn bề là đồng bưng hoang dại, ít người lui tới. Có người giải thích rằng, địa danh Xẻo Quýt xuất phát từ 2 nghĩa từ: Xẻo là con rạch cùng và Quýt là tiếng gọi trại với từ gốc là Quất. Tên loài chim cuốc sống phổ biến tại đây.

Căn cứ Xẻo Quýt được tỉnh ủy Kiến Phong chọn xây dựng từ năm 1960. Những con mương trong khu căn cứ được đào đầu tiên. Đất được quăng lên thành bờ liếp để có chỗ cao ráo đắp công sự, dựng trai ở làm việc. Dưới mương có chỗ đậu xuồng.

Từ năm 1970 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cơ quan tỉnh ủy Kiến Phong bám trụ luôn tại Xẻo Quýt. Vùng giải phóng bị địch lấn chiếm, đóng đồn bốt dày đặc. Những lõm còn lại bị càn quét, đánh phá liên miên. Có cảnh áy bay B52 ném bom trải thảm.

Để giữ bí mật, tại căn cứ Xẻo Quýt được dẹp bỏ hết các trại lá. Ngày lấy nhánh tràm phủ lên, chiều tối mới căn trại bằng tre lợp nilon, trải chiếu bên dưới để ngồi làm việc hội họp. Bên trong, ngoài các công sự đắp nổi kiểu chữ A chống bom pháo, còn có các hầm bí mật, bốn phía là công sự chiến đấu của đội bảo vệ. Vòng ngoài căn cứ lập nhiều hầm chông, bãi cài lựu đạn. Nhiều lần địch đổ quân gần sát căn cứ Xẻo Quýt nhưng cuối cùng đều hoảng sợ, rút chạy, kéo đi nơi khác. Từ ngày xây dựng đến ngày giải phóng, chưa một lần nào và chưa tên giặc nào lọt được vào khu trung tâm của căn cứ này.

Nhân dân các vùng ven và vùng địch chiếm là tai mắt, thông báo tình hình địch, đồng thời là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, giấy mực, thuốc men cho cơ quan tỉnh ủy. Ngay cả những thời điểm căng thẳng nhất, quân địch phong tỏa, kiểm soát gắt gao, sẵn sàng tịch thu đồ đạt, bắt người tra tấn, giam cầm nhưng người dân vẫn gan góc, mưu trí, vượt qua tai mắt của kẻ địch, góp sức cho cách mạng, cho công cuộc giải phóng đất nước.

Suốt 15 năm tồn tại trong lòng địch, căn cứ Xẻo Quýt là điểm tựa to lớn về tình thần của Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp, đây còn được mệnh danh là căn cứ của lòng dân. Xẻo Quýt hôm nay không chỉ là điểm tham quan lý tưởng của những ai yêu thích khám phá văn hóa lịch sử mà đây còn là khu nghỉ dưỡng sinh thái tuyệt vời.

Gần 40 năm trôi qua, địa phương đã đầu tư nhiều mặt, nhất là tập trung phát triển hạ tầng du lịch. Về thăm Xẻo Quýt, du khách sẽ được thưởng thức các món ngon đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười như cá lóc nướng gói lá sen, lẩu cá chạch dùng với cơm gạo nước ròng hấp lá sen cùng nhiều món ăn dân dã khác.

Thanh niên nam, nữ có thể nhấp chút rượu sen đặc sản, vừa ấm tì, bổ vị, vừa thư thả nghe kể những mẩu chuyện thời kháng chiến. Cả những cựu chiến binh cách mạng cũng như thế hệ trẻ như sống lại những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng vô cùng hào hùng của người dân bưng biền Đồng Tháp Mười, gan góc, kiên trung.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social