Với hành trình 2 tuần tại xứ sở cổ tích, tôi đã khám phá những miền đất Tehran, Esfahan, Yazd, Shiraz và Kerman. Một điều trùng lặp là đến đâu tôi cũng nhận được cùng một câu hỏi của những người bạn bản địa rằng, tại sao lại là 2 tuần mà không phải là một tháng? Là người Malaysia, tôi chỉ có 14 ngày miễn phí visa để tới thăm Iran; là phượt thủ tôi luôn phải cân đối hầu bao cho những chuyến đi. Với tôi đây là niềm vui và cơ hội để tôi trở lại thăm xứ sở diệu kì này.
Quyết định sáng suốt
Quốc gia lớn thứ hai Trung Đông và thứ 18 thế giới – Iran là cội nguồn của một trong những nền văn minh lâu đời nhất, với 19 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Xứ sở này cũng tự hào với cảnh quan tuyệt đẹp, những rừng mưa xanh mướt, núi tuyết và cả những sa mạc mênh mang.
Lên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Tehran mà lòng đầy lo lắng, bởi tôi chưa chuẩn bị gì và cũng chưa lên hành trình cụ thể. Một trong những khó khăn lớn nhất là thông tin về Iran vô cùng hạn chế trên internet. Cùng với những thông tin tiêu cực trên các phương tiện truyền thông về đất nước này, tôi đã rất đắn đo trước khi quyết định tới đây. Hai tuần trước khi khởi hành, cha mẹ tôi thậm chí còn phản đối, và tôi đã nghĩ tới việc huỷ chuyến đi. Nhưng cuối cùng, họ đã “bật đèn xanh” để tôi có cơ hội đến với Iran, một quyết định sáng suốt nhất từ trước tới giờ của tôi.
Tehran – Thành phố xinh đẹp
Mất 700.000IRR (khoảng 500.000VND) và một giờ đồng hồ để di chuyển từ sân bay quốc tế Tehran Imam Khomeini đến Seven Hostel (phòng kiểu kí túc xá, giá khoảng 340.000VND/đêm). Đây là lựa chọn duy nhất để di chuyển từ sân bay, bởi tàu điện ngầm vẫn đang được xây dựng.
Tôi đến Tehran vào đúng dịp lễ Ashura, tất cả các cửa hàng và danh thắng đều đóng cửa. Đối với người Hồi giáo Shi’a, lễ Ashura diễn ra vào thời điểm cao trào của tháng Muharram theo lịch Hồi giáo, cũng là ngày tưởng niệm Husayn ibn Ali, cháu trai nhà tiên trị Muhammad trong trận chiến Karbala vào ngày 10 tháng Muharram. Lễ kỉ niệm Ashura lớn nhất ở Tehran diễn ra tại Grand Bazaar. Tôi đặc biệt ấn tượng với con người Iran, bởi họ vô cùng tuyệt vời và thân thiện, tất cả mọi người đều muốn dẫn tôi đi tham gia sự kiện trọng đại này. Tại đây, tôi đã được thoải mái trải nghiệm ẩm thực Iran bởi có rất nhiều món ăn được phát miễn phí trong sự kiện.
Cung điện Golestan tạo ấn tượng với tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đây là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất trong thành phố và cũng là một di sản thế giới. Cung điện bao gồm vườn thượng uyển, toà nhà hoàng gia và bảo tàng với bộ sưu tập hàng thủ công mỹ nghệ của Iran và những món quà từ châu Âu, với tuổi đời từ thế kỉ 18 – 19. Bên trong cung điện, một trong những nơi thu hút nhất với tôi chính là Nhà Gương. Căn phòng tương đối nhỏ này lại vô cùng nổi tiếng bởi sự sắp đặt độc đáo của những tấm gương, thật tiếc là người ta không cho phép chụp hình.
Tháp Tự Do (Azadi) là điểm đến tiếp theo trong hành trình thăm thú Tehran, các toà tháp xung quanh đang trong quá trình tái thiết. Azadi là toà tháp mang tính biểu tượng nhất của Tehran, được xây dựng năm 1971 nhân dịp kỉ niệm 2.500 năm của đế quốc Ba Tư. Tháp đã được đổi tên thành Tháp Tự Do vào năm 1979 sau Cách mạng Hồi giáo. Toà tháp mang lối thiết kế Ba Tư cổ hoà quyện với kiến trúc Hồi giáo, được hình thành bởi hơn 8.000 khối đá cẩm thạch nhập từ khu vực Esfahan và được thiết kế bởi kiến trúc sư Hossein Amanat.
Người Iran rất thích đi dã ngoại, có lẽ bởi vậy nên Tehran có rất nhiều công viên đẹp. Shahr là một trong những nơi đẹp nhất trong thành phố, ngập tràn các loại hoa. Tôi đã rất thích thú khi đi dạo buổi tối tại đây và đã tới thăm nơi này 2 lần. Vào mùa đông, bạn còn có thể trượt băng ở hồ tự nhiên trong công viên. Thật tuyệt vời phải không?
Esfahan – Hòn ngọc của Trung Đông
Từ Tehran, tôi tiếp tục hành trình đến với Esfahan sau một chuyến xe đêm kéo dài 6 tiếng (xe khách VIP, giá 330.000IRR – khoảng 240.000VND), rồi lại từ ga lên xe taxi để đến với Amir Kabir Hostel (giá khoảng 230.000VND/đêm). Nhà nghỉ nằm trong trung tâm thành phố nên tôi có thể đi bộ đến quảng trường Imam.
Esfahan được mệnh danh là hòn ngọc của Trung Đông, và lẽ dĩ nhiên ở đây cũng nhiều khách du lịch hơn so với Tehran. Esfahan có lịch sử phong phú lâu đời, cùng với đó là những thắng cảnh hấp dẫn. Đặc biết, những điểm đến đều nằm khá gần nhau, dễ dàng để du khách đi bộ thăm thú.
Vank là nhà thờ thiên chúa lớn nhất Esfahan và cũng là điểm đến của cộng đồng người Armenia, Georgia tại Esfahan. Tuy là thiểu số, nhưng người Armenia rất có ảnh hưởng ở Esfahan, họ được tuyển dụng bởi nhà Vua để hỗ trợ nhà nước kiểm soát độc quyền lụa, một món hàng “béo bở”.
Quảng trường Imam là nơi tôi dành nhiều thời gian nhất khi ở Iran. Quảng trường rộng mênh mông, gồm chiếc hồ lớn với đài phun nước ở chính giữa và khu vườn xinh đẹp bao quanh. Đây là nơi lý tưởng cho một buổi picnic tối, chính vì lẽ đó nơi này luôn rất đông người bản địa. Ngoài ra, du khách cũng có thể thăm Cung điện Ali Qappy, Nhà thờ Hồi giáo Jame và Lotfollah, thưởng thức ẩm thực địa phương, mua sắm đồ lưu niệm thú vị ở quanh quảng trường.
Tôi dành nguyên 1 ngày để tới thăm Varzaneh cùng với 4 người bạn. Varzaneh cách Esfahan 1 tiếng rưỡi chạy xe, và nổi tiếng trên toàn thế giới với những sa mạc ấn tượng nhất nhưng cũng dễ chinh phục nhất ở Iran. Varzaneh độc đáo là nhờ trang phục của phụ nữ địa phương. Hầu hết phụ nữ tại đây mặc chador (khăn trùm) màu trắng, trong khi những nơi khác ở Iran, phụ nữ chủ yếu mặc chador màu đen.
Yazd – Thiên đường sa mạc
Tiếp tục hành trình, tôi rong ruổi trên chuyến xe khách suốt 5 tiếng (xe khách VIP, giá 250.000IRR – khoảng 175.000VND) để đến với Yazd, nơi tôi nghỉ tại khách sạn Orient (giá khoảng 300.000VND/đêm). Băng qua sa mạc đầy bụi bặm, phút chốc, toà tháp Yazdi bắt đầu hiện lên, sau đó là những toà tháp badgir nổi tiếng, một hình thức điều hoà nhiệt độ của người trung cổ, giúp đưa những cơn gió lành xuống thành phố rực lửa.
Yazd là một thành phố đáng kinh ngạc, bởi lẽ tự nhiên không thành phố nào có thể phát triển ở giữa sa mạc rộng lớn. Thế nhưng UNESCO đã công nhận đây là thành phố lâu đời nhất thế giới, với sự hiện diện của con người từ 2.000 năm trước.
Tôi đã mất cả ngày để tham quan Kharanagh, Meybod và Chak Chak. Bạn cũng đừng quên tới thăm ngôi đền Hoả giáo với ngọn lửa vĩnh cửu hơn 2.000 năm tuổi tại Atash Behram. Lúc hoàng hôn, bạn có thể đi taxi tới thăm tháp Bình Yên và chứng kiến nghi lễ Hoả giáo cực kì đặc biệt.
Shiraz – Thành phố hoa hồng
Sau 6 giờ di chuyển từ Yazd trên chuyến xe đêm (xe khách VIP, giá 360.000IRR – khoảng 250.000VND), tôi đến với Taha Hostel (giá khoảng 300.000VND/đêm). Đây là một nhà nghỉ gia đình, đã khiến chuyến đi Iran của tôi tuyệt vời hơn bội phần bởi sự thân thiện của gia chủ.
Shiraz với khu vườn Ba Tư xinh đẹp – Eram, nơi lý tưởng để thăm thú nếu bạn yêu thích những khu vườn mang lối kiến trúc Ba Tư cổ. Tới thăm nơi đây, tôi đã ước ao mình có thể sống ở đó.
Một trong những điểm nhấn của Shiraz là nhà thờ Hồi giáo Nasir al-Molk, còn được biết đến với những cái tên như “nhà thờ màu hồng”, “nhà thờ màu sắc”, “nhà thờ cầu vồng” hay “nhà thờ kính vạn hoa”. Trong không gian này, ánh sáng và tôn giáo hoà quyện vào nhau. Màu sắc rực rỡ nhảy múa trong ánh sáng suốt cả ngày, phán chiếu xuống mặt đất, những bức tường, những mái vòm, những ngọn tháp cao chót vót, thậm chí nó còn phản chiếu lên du khách như những bông hoa nắng phủ quanh không khí. Thật diệu kì!
Pasargardae, Necropolis và Persepolis lại là những trải nghiệm đáng nhớ khác. Mỗi nơi đều khiến tôi ngạc nhiên và cho tôi một trải nghiệm mới về Iran. Necropolis là một nghĩa trang cổ đại lớn với những di tích lăng mộ phức tạp. Thành lập bởi Vua Darius Đệ nhất vào năm 518 TCN, Persepolis từng là thủ phủ của đế chế Achaemenid, được xây dựng trên một chiếc sân nửa như nhân tạo, nửa tự nhiên. Lâu đài ấn tượng sừng sững với kiến trúc Lưỡng Hà là lý do thu hút du khách, đặc biệt là các nhà khảo cổ học.
14 ngày thật sự không đủ để khám phá Iran, quốc gia được biết đến với cái tên cổ xưa Ba Tư. Nhưng chính điều đó giúp tôi có cớ để quay lại thăm xứ sở tuyệt vời này.
TIPS
Visa
+ Visa được cấp ngay tại sân bay, có giá trị trong 30 ngày. Nếu đi đường bộ, bạn sẽ phải xin visa tại lãnh sự quán trước khi đi. Nếu hộ chiếu của bạn có đóng dấu rằng bạn đã đến Israel, bạn sẽ không thể tới Iran.
+ Người Việt Nam muốn du lịch Iran phải có visa nhập cảnh. Visa du lịch được cấp bởi Đại sứ quán Iran (54 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội). Loại visa này có thời gian lưu trú khoảng 30 ngày và có thời hạn trong 6 tháng. Thời gian làm visa nhanh nhất khoảng 10 – 15 ngày. Thông tin chi tiết tham khảo tại website: http://hanoi.mfa.ir/
Phương tiện
Từ Việt Nam bạn có thể chọn hãng bay Thai Airways, đường bay Hà Nội – Tehran, transit tại Bangkok. Hà Nội – Bangkok và ngược lại khởi hành hàng ngày. Bangkok – Tehran và ngược lại khởi hành vào các ngày thứ 3,5, 7 và chủ nhật hàng tuần.
Tiền tệ
+ Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ không được sử dụng ở Iran. Bạn sẽ phải sử dụng tiền mặt và chỉ được đổi tiền một lần ở Iran. Đổi tiền từ USD hoặc EUR là thuận tiện nhất.
+ Giá cả được đưa ra đều là tiền Toman, không phải là Rial (IRR). 1 Toman = 10 Rial. Mọi người cũng sẽ nói tắt, nếu ai đó trả giá là “5” có nghĩa là 5.000 Toman = 50.000 Rial. Ban đầu bạn sẽ thấy khó hiểu, đơn giản là bạn chỉ cần thêm một số “0” để biết giá thực của mọi thứ.
Di chuyển tại Iran
+ Xe bus là phương tiện công cộng rẻ và phổ biến nhất ở các thành phố. Bạn cũng có thể di chuyển bằng các hãng hàng không trong nước, sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhưng cũng đắt hơn một chút.
+ Xe khách giúp bạn di chuyển thuận tiện giữa các thành phố. Hãy chọn xe VIP nếu bạn muốn thoải mái với chỗ ngồi lớn hơn, có thể ngả lưng và một phần ăn nhẹ. Giá thường đắt gấp đôi xe bus thông thường.
+ Không ngồi bên cạnh người khác giới, trừ khi bạn quen biết họ. Đây là luật bất thành văn, tuy nhiên nếu không có lựa chọn nào khác, bạn vẫn có thể ngồi cạnh một người khác giới.
+ Xe nào cũng có thể là taxi. Người dân địa phương cũng thường hoạt động như taxi dù. Bạn có thể đi những xe này, họ linh hoạt về giá so với các taxi thông thường.
Trang phục
Phụ nữ ở đây phải theo quy định rất nghiêm ngặt về trang phục. Bạn sẽ phải che đầu, áo phải che quá mông, và không được mặc áo ngắn tay, phải mặc áo che tối thiểu ¾ chiều dài tay.
Khách sạn
Iran có một hệ thống khách sạn lớn Caravanserai và hàng loạt các nhà nghỉ, khách sạn bình dân. Bạn nên đặt phòng khách sạn sớm thông qua các trang đặt phòng trực tuyến hoặc các hãng tổ chức tour du lịch chuyên nghiệp để được hưởng ưu đãi.
Ăn uống
+ Ẩm thực Iran chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa như Trung Đông, Trung Á, Nga và châu Âu, vì thế có nhiều loại thức ăn đồ uống đa sắc, đa vị. Các món ăn thường trộn lẫn rất nhiều nguyên liệu khác nhau.
+ Bạn có thể uống nước từ vòi, trừ những nơi có quy định khác. Ngoài ra có nhiều những điểm uống nước công cộng trong thành phố, bạn có thể mang theo một chai để lấy nước khi cần.
– Trà là thức uống được người Iran lựa chọn, mặc dù thỉnh thoảng bạn cũng sẽ gặp những quán cà phê nhỏ, phổ biến ở những khu vực đông khách du lịch.
– Hãy ngậm một viên đường trong miệng rồi uống một ngụm trà. Đây là cách người Iran thưởng trà.
– Bạn không cần phải tip, bởi điều này không phổ biến, trừ khi bạn đang dùng bữa ở một nhà hàng lớn và bạn thực sự rất hài lòng với dịch vụ mà bạn nhận được.
Quà lưu niệm
Trước khi đến với Iran, mọi người thường nghĩ đến thảm dệt thủ công nổi tiếng nhưng ít ai biết rằng gốm xứ, thủy tinh thổi… cũng là những món quà tinh xảo nên mua.
Những lưu ý khác
+ Khách sạn sẽ yêu cầu giữ hộ chiếu của bạn khi đến nơi, nhưng pháp luật yêu cầu bạn luôn phải có hộ chiếu trong người khi ra ngoài. Bạn có thể mang theo bản sao hộ chiếu trong người hoặc cung cấp bản sao cho khách sạn. Hãy giữ bản sao của trang đầu tiên và trang Visa Iran, bao gồm cả con dấu nhập cảnh.
+ Tới thăm nhà người lạ là chuyện rất bình thường, bởi họ sẽ thiết đãi bạn với sự thiện chí nổi tiếng của người Iran. Vì vậy nếu được mời bạn hãy nhận lời. Tuy nhiên, nếu bạn là phụ nữ thì nên cân nhắc.
+ Không được chụp ảnh các nhà máy, đặc biệt là nhà máy điện, các đầu mối giao thông, hoặc những thứ liên quan tới cảnh sát hoặc quân đội. Chính phủ Iran rất nghi ngại gián điệp.