Những ngày tháng 5, có dịp ngang qua vùng đất cát Quảng Nam, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm công việc thu hoạch khoai lang cùng người dân hiếu khách. Và không quên thưởng thức những củ khoai ngọt lành hiếm nơi nào sánh bằng.
Ở vùng đất “chưa mưa đã thấm” này, bao đời qua cây khoai lang vẫn là cây lương thực chính, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân quê.
Tận dụng mọi nguồn hữu cơ làm phân bón để đồng đất thêm phì nhiêu. Có thể rơm rạ trâu bò ăn thừa dùng làm nguồn giữ ấm cho chúng trong những ngày giá rét cũng trở thành một nguồn phân chuồng quý để bón cho khoai.
Ngoài ra còn có gốc đậu phơi khô làm phân bón giúp khoai thêm xanh tốt, mùa thu hoạch thêm bội thu, đặc biệt chất lượng khoai rất ngon, vừa ngọt lại bở.
Ngày mùa trong cái nắng chói chang, hương lúa chín, mùi thơm của nồi khoai luộc hòa quyện bay khắp ngõ xóm, đồng quê. Khoai luộc là món phổ biến, dễ chế biến lại giữ nguyên vẹn vị ngọt tinh túy của khoai nơi vùng đất cát Quảng Nam.
Bà con thường chọn những củ khoai to, để nguyên vỏ rửa thật sạch, cho vào nồi đổ một ít nước thêm chút muối đun đến khi nước cạn thì khoai cũng vừa chín tới. Từng củ khoai thơm phức, mũm mĩm mới nhìn thôi đã muốn cắn ngập răng, bao lo toan mệt nhoài tan biến…
Có năm được mùa, khoai bới về tràn cả sân nhà, khoai lang đỏ, khoai lang trắng, khoai lang vàng lại được tỉ mỉ rửa, gọt dưới ánh trăng, sao lờ mờ để sáng ra cắt lát phơi cho kịp nắng.
Khoai lang phơi khô giòn, cất nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt dự trữ thỉnh thoảng đem ghế cơm hay nấu nồi khoai ngào đường – những món quà quê không thể thiếu của bao thế hệ tuổi thơ xứ này.
Nhưng có lẽ kỳ công chế biến nhất là món khoai chà. Khoai luộc vừa chín tới, cho khoai ra rổ có lỗ thưa, chà xát để khoai rớt hết xuống bên dưới, rải ra nong phơi thật khô. Sau đó đổ vào hũ cất dành ăn điểm tâm, ăn giữa buổi hoặc đãi khách đến chơi nhà.
Với khoai chà loại nhỏ chỉ cần trộn với đường bát cạo là có thể thưởng thức. Khoai chà loại lớn thì bỏ vào chén, cho lượng đường vừa phải, tiếp tục đổ nước sôi để nguội cho khoai nở ra sền sệt mới ăn.
Người xứ khoai thường cho thêm đậu phộng giã nhỏ với một ít muối dùng bánh tráng xúc ăn. Vị ngọt đậm đà của khoai quyện trong hương thơm của đậu phộng càng thêm thấm thía.
Đặc biệt ngày nay, khoai lang còn theo đôi quang gánh các mẹ, các chị miệt vườn vào phố Hội với các thức quà dân dã như khoai ngào đường, bánh khoai… và dần dần dần trở thành một sản phẩm văn hóa ẩm thực xứ Quảng.