Kompong Khleang là một ngôi làng nổi nằm bên hồ Tonle Sap – mặt hồ lớn nhất Đông Nam Á – cách trung tâm tỉnh Siem Reap khoảng một giờ lái xe.
Brook Sabin và Radha Engling, hai blogger du lịch nổi tiếng từ New Zealand có dịp đến thăm Kompong Khleang và nhận thấy đằng sau vẻ đẹp đậm chất Đông Nam Á của ngôi làng được ví như “Venice của Campuchia” là cuộc sống khốn khó của người dân và sự thật trần trụi trong kinh doanh du lịch không chỉ ở riêng nước này.
Chia sẻ trên Stuff, cặp đôi cho biết ngay khi đến làng Kompong Khleang, đập vào mắt họ là hình ảnh ba đứa trẻ còn rất nhỏ, khoảng 6 tuổi, tự đến trường trên một chiếc thuyền gỗ đơn sơ.
Con đường đến trường của lũ trẻ ở đây là cả một hành trình dài, không có động cơ, chỉ có những mái chèo nhỏ được làm bằng tre một cách thô sơ. Vào những tháng mùa mưa, con đường đến trường của trẻ em nơi đây còn gian nan hơn, ngoài những nguy hiểm do con nước mang lại, chúng thường xuyên tới lớp trong tình trạng ướt đẫm vì mưa to.
Hành trình đến trường tìm chữ thoát nghèo của những em nhỏ trên mặt hồ lớn nhất Đông Nam Á đầy gian nan. Ảnh: Brook Sabin
Cuộc sống lênh đênh trên mặt hồ không hề dễ chịu và luôn chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Mỗi năm trong mùa mưa, diện tích mặt hồ thường mở rộng gấp 6 lần và độ sâu tăng gấp 9 lần. Đó là lý do tại sao hầu hết những ngôi nhà ở đây đều có sàn nhà cao, hoặc nổi trên mặt hồ.
Nghe có vẻ giống như một “Venice của Campuchia”, tuy nhiên mọi thứ ở đây chẳng hề thơ mộng giống như ở Italy.
Khi Brook Sabin và Radha Engling ghé thăm nhà của một hộ dân ở đây, một người mẹ đang tắm cho đứa con trai ở phía trước nhà. Người mẹ thả luôn cậu bé xuống hồ nước mà chẳng cần bồn tắm hay vòi nước cầu kỳ.
Ngay gần đó là một chuồng lợn cũng đang trôi nổi trên sông. Vào mùa khô, lợn và các loại vật nuôi khác được tự do đi kiếm ăn, nhưng trong mùa mưa, để đảm bảo an toàn, người dân ở đây sẽ nhốt chúng vào trong những chiếc chuồng tạm nổi trên mặt hồ.
Chuồng lợn nổi trên hồ. Ảnh: Brook Sabin
Ngôi làng khá nhộn nhịp, và mọi người đều có một nụ cười trên mặt. Trẻ em đang chèo những chiếc thuyền nhỏ đi lại ngang dọc, trong khi người lớn tất bật đi lại.
Kompong Khleang là một trong khoảng 150 ngôi làng nằm rải rác xung quanh hồ Tonle Sap. Đến thăm, trải nghiệm cuộc sống ở các làng nổi đang là một loại hình du lịch đang phát triển khá nhanh ở Campuchia.
Điều đáng buồn là phần lớn các công ty du lịch đang tổ chức loại hình tham quan, các làng nổi ở Campuchia theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, “đi vườn thú”. Nghĩa là những vị du khách sang trọng người ngoại quốc ngồi trên thuyền, vui vẻ “tham quan” cuộc sống khốn khó của những người dân lao động nghèo, quanh năm chỉ biết bám trụ vào mặt nước.
Họ là một thành phần quan trọng góp phần tạo nên miếng bánh du lịch béo bở, nhiều lợi nhuận nhưng không hề được hưởng một chút thành quả nào.
Hiện tại, Community First, một tổ chức từ thiện đã đứng ra tổ chức các chuyến tham quan làng nổi Kompong Khleang bằng thuyền. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho một lớp học ngay trong làng và mua các bộ lọc nước sạch.
Qua nhiều thập kỷ, người dân nơi đây đã học cách đối mặt với những thay đổi đột ngột do những biến động của thời tiết mang lại. Nhưng hiện tại, họ đang phải đối mặt với một thách thức mới, đó là tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản do đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường nước.
Nước thải sinh hoạt của người dân và chất thải từ các nhà máy chưa qua xử lý được xả thẳng vào hồ gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết người dân đều sử dụng trực tiếp nước từ hồ để ăn uống và sinh hoạt.
Community First đã trích lợi nhuận từ tour du lịch để mua 35 bộ lọc nhằm cung cấp nước uống sạch cho nhiều gia đình.
Trẻ em ở Kompong Khleang khao khát được đi học để thoát khỏi cuộc sống lên đênh trên những ngôi nhà nổi. Trong ảnh là một lớp học do Community First thành lập, có 80 em học sinh tham gia. Ảnh: Brook Sabin
Khi Brook Sabin và Radha Engling đến thăm lớp, buổi học vừa mới kết thúc. Cặp đôi đưa ra lời đề nghị khoảng 2-3 bạn ngồi vào bàn học để chụp ảnh. Rất nhanh chóng lời đề nghị của tôi đã bị các em hiểu nhầm thành một buổi học thêm, và có khoảng 20 em hào hứng lấy sách vở, bút chì để được học. Tôi muốn có một bức ảnh, và các em học sinh thì muốn được học.
Người dân tin rằng giáo dục chính là một cơ hội tốt nhất để khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu họ có thể tốt nghiệp trung học thì cơ hội kiếm được một công việc có mức thu nhập khá trong thành phố sẽ tăng lên đáng kể.
Nhưng thách thức để được đi học là rất lớn. Phần đông những đứa trẻ ở đây chưa học hết trung học, để đến được trường, chúng phải di chuyển một quãng đường dài bằng thuyền, sau đó đạp xe khoảng 20 km. Những đứa trẻ ở đây cũng bắt đầu làm việc ngay từ khi còn nhỏ.
Brook Sabin và Radha Engling hiểu tại sao những đứa trẻ nhỏ mà họ đã nhìn thấy khi mới đến làng dám vượt qua cuộc hành trình dài đến trường mỗi ngày. Bởi nếu chúng được đi học đầy đủ, thì một ngày nào đó chúng có thể bước ra khỏi ngôi làng và có một cuộc sống tốt đẹp.