10 lâu đài cổ có kiến trúc độc đáo ở Nhật Bản

Các lâu đài cổ của Nhật được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, là kho báu vô giá về kiến trúc, được nhiều du khách ghé tham quan khi đến du lịch Nhật Bản.

Các lâu đài cổ của Nhật được xây dựng chủ yếu bằng gỗ. Chúng là kho báu vô giá về văn hóa và kiến trúc của xứ sở hoa anh đào.

Du lịch Nhật Bản tham quan 10 lâu đài cổ có kiến trúc độc đáo

Lâu đài Himeji, Hyogo: Lâu đài Himeji nằm ở trung tâm thành phố Himeji, cách thủ đô Tokyo 650 km về phía tây. Đây là ví dụ tiêu biểu của kiến trúc lâu đài Nhật Bản truyền thống. Công trình này được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1993 và là di tích lịch sử đặc biệt của Nhật. Himeji được chiến binh Samurai Akamatsu Norimura xây dựng năm 1333. Tường của lâu đài được làm bằng gỗ và phủ một lớp thạch cao trắng để chống cháy. Do đó, Himeji còn có tên gọi là “Lâu đài Hạc Trắng”. Ảnh: Jpninfo.

Lâu đài Matsumoto, Nagano: Matsumoto là một trong những lâu đài lịch sử quan trọng của Nhật Bản và được coi là kho báu quốc gia. Matsumoto nằm trên vùng đất bằng bên cạnh đập nước, thay vì trên đồi và có sông bao quanh như các lâu đài khác. Công trình này được xây dựng trong thời kỳ Sengoku, cuối thế kỷ 16, giai đoạn xã hội Nhật Bản biến động mạnh mẽ. Vào cuối những năm 1800, Matsumoto được bán đấu giá nhằm mục đích tái phát triển và bảo tồn. Ảnh:Wallpaperweb.

Lâu đài Nagoya, Achi: Lâu đài ban đầu có tên Yanagi-no-maru do Thống đốc Imagawa Ujichika xây tặng con trai trong những năm 1520. Ngay sau khi hoàn thành, lâu đài bị một chiến binh chiếm đóng và đổi tên thành Nagoya. Công trình này bị hư hỏng nặng trong Thế chiến II, sau đó được xây lại. Ảnh: Wallpaperweb.

Lâu đài Osaka, Osaka: Giống như nhiều lâu đài truyền thống của Nhật Bản, Osaka có móng bằng đá, cao 8 tầng và có hào bao quanh. Lâu đài được xây dựng trên nền của một ngôi đền và cung điện hoàng gia cũ. Năm 1660, sét đánh vào kho thuốc súng gây ra một vụ nổ lớn, làm hư hỏng công trình này. Đến cuối thế kỷ 19, lâu đài được trùng tu, sửa chữa. Ảnh: Reddit.

Lâu đài Matsue, Shimane: Lâu đài Matsue được hoàn thành vào năm 1611, sau đó bị tháo dỡ một phần vào năm 1875. Năm 1950, công trình này được xây dựng lại theo thiết kế nguyên bản. Đây là một trong số ít lâu đài thời Trung Cổ vẫn còn giữ được cấu trúc bằng gỗ ban đầu. Matsue còn có tên gọi là “Lâu đài đen”. Đây là một trong những lâu đài cổ nhất ở Nhật Bản. Ảnh: Matsuetravelguide.

Lâu đài Hirosaki, Aomori: Lâu đài được gia tộc Tsugaru xây dựng vào đầu những năm 1600. Sau khoảng 15 năm xây dựng, lâu đài bị hư hỏng do sét đánh trúng kho thuốc súng. Sau đó khoảng 2 thế kỷ, công trình này được tái thiết. Ngày nay, công viên xung quanh lâu đài là một trong những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất Nhật Bản. Công viên có khoảng 2.600 cây hoa anh đào, được trồng từ năm 1903. Lâu đài cũng là nơi diễn ra lễ hội đèn lồng tuyết hàng năm, thu hút hàng trăm nghìn du khách đến du lịch Nhật Bản. Ảnh: En-aomori.

Lâu đài Hikone, Shiga: Đây được coi là tòa nhà lịch sử quan trọng nhất khu vực và được xây dựng theo lệnh của con trai lãnh chúa cai quản Shiga. Cuối những năm 1800, Hikone được Hoàng đế giữ lại trong khi nhiều lâu đài khác bị yêu cầu tháo dỡ. Một số khu vực của công trình này được coi là tài sản văn hoá Nhật Bản như Tenbin Yagura, Taikomon Yagura hay Nishinomaru Sanju Yagura. Ảnh: Dotclue.

Lâu đài Shimabara, Nagasaki: Nằm gần núi Unzen và vịnh Ariake, lâu đài Shimabara được biết đến với hệ thống hào có nhiều đoạn sâu tới 15 m và rộng 50 m. Vào cuối những năm 1800, một phần của lâu đài đã được chuyển thành sân trường học. Hiện nay, Shimabara là bảo tàng và nơi tổ chức các cuộc triển lãm về văn hoá địa phương. Ảnh: Okinawastripes.

Lâu đài Shuri, Okinawa: Lâu đài Shuri màu đỏ được xây dựng từ năm 1429. Đây là điểm dừng chân quan trọng trong mạng lưới hàng hải Đông Á của Nhật Bản. Shuri là lâu đài lớn nhất trên đảo, có lịch sử lâu đời về hoạt động kinh tế và đã nhiều lần đổi chủ. Sau Thế chiến II, Mỹ từng chiếm đóng nơi đây gần 30 năm. Ảnh: Okinawahai.

Lâu đài Okayama, Okayama: Lâu đài này được xây dựng năm 1597. Chủ sở hữu của lâu đài đã bị bắt và qua đời chỉ 3 năm sau đó mà không có người thừa kế. Tường của tòa tháp chính Tenshukaku có màu đen nên Okayama còn được gọi là “Lâu đài Quạ đen”, tương phản với lâu đài Himeji trắng gần đó. Trong thời hoàng kim, mái nhà chính của lâu đài có gạch mạ vàng và tượng đầu cá vàng. Trong Thế chiến II, tháp chính của lâu đài bị phá hủy. Đến những năm 1960, Okayama đã được tu sửa lại. Hiện nay, lâu đài được trang bị cả điều hòa và thang máy. Ảnh: Japanmagazine.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social