DÔNG
Nhắc đến Mũi Né ai cũng hình dung đến một vùng biển đầy nắng và gió với những thuyền hải sản tươi sống tấp vào bờ mỗi sớm. Thế nhưng ít ai biết rằng đặc sản hàng đầu của Mũi Né lại đến từ… đồi cát, đó chính là những món ăn từ dông.
Dông là loài bò sát có chiều dài khoảng 30cm - Ảnh: dantri
Dông là một loài bò sát sống trong những đồi cát ở Mũi Né. Dông lớn hơn thằn lằn, chiều dài khoảng 20 - 30 cm, sống trong hang, ra đồi cát tìm chồi non để ăn vào sáng tinh mơ và uống sương đêm vào buổi tối, chính vì thế mà thịt dông rất thơm, săn và ngọt, được xem như một vị thuốc bổ. Thịt dông trắng như thịt gà, nhưng lại bùi và mềm hơn, xương mềm như là sụn, còn da thì dòn sừng sựt.
Dông nướng với muối ớt cực hấp dẫn - Ảnh: sưu tầm
Dân Mũi Né có thể dùng dông để làm Dông 7 món: Dông nướng, dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông và dông nấu dưa hồng, món nào cũng hấp dẫn, thơm ngon. Nhưng theo đánh giá chung của thực khách, dông nướng là món ăn hấp dẫn nhất, nhưng lại khá kén người ăn vì còn nguyên đầu và tứ chi, với những khách hàng như vậy có thể thưởng thức gỏi dông, vì khi đó thịt dông đã được bằm nhuyễn.
Món gỏi dông lại dễ ăn hơn hẳn - Ảnh: sưu tầm
Thịt dông với hàm lượng đạm cao, giúp bồi bổ sức khỏe đặc biệt là cho người ốm, phụ nữ mới sinh con,... Ngoài ra món ăn này được xem là món nhậu đặc sản của quý ông, giúp tăng cường sức khỏe và sinh lực.
Dông được coi như một vị thuốc tốt cho quý ông - Ảnh: dantri
BÁNH QUAI VẠC
Thoạt nhìn, bánh quai vạc Mũi Né nom như bánh bột lọc Huế, cũng be bé, vỏ bánh hơi đục nhưng có thể nhìn thấy phần nhân bên trong có thịt và tôm đỏ au, cực kỳ hấp dẫn. Thế nhưng khác với bánh bột lọc, bánh quai vạc có phần nhân được làm từ tôm tươi và thịt ba rọi cắt nhỏ cho bằng với kích thước của tôm rồi xào chung. Vỏ bánh được làm từ bột mì nấu sôi với nước và được nhào cho thật dẹo, đem cuộn với nhân và ăn cùng với nước mắm chua ngọt, đồng thời phải thật cay theo đúng vị của Mũi Né. Sau đó rắc cùng ít hành phi và tốp mỡ bên trên cho ngon mắt.
Bánh quai vạc Mũi Né nom như bánh bột lọc Huế - Ảnh: sưu tầm
Phải có hành lá, hành phi ăn kèm với một chén nước mắm thật cay - Ảnh: mulanbepnha
Đây là món ăn bình dị của miền biển Mũi Né, có thể được tìm thấy từ những quán cóc ven đường cho đến những nhà hàng trong trung tâm phố biển, cả những khách sạn, resort sang trọng của Mũi Né cũng có bán. Nếu bạn có ghé qua, hãy chắc rằng mình đã nếm thử hương vị của loại bánh này.
Bánh quai vạt có thể tìm thấy ở bất cứ đâu - Ảnh: muare
CÁ LÓC CHIÊN XÙ
Món ăn này có vẻ như không quá cầu kỳ và khiến cho bạn nghĩ rằng, tại sao một món ăn thông dụng có thể tìm thấy ở bất cứ đâu lại là đặc sản của Mũi Né. Ít ai biết rằng, chính vùng đất Mũi Né - Phan Thiết này là nơi khởi nguồn của món ăn bình dị này.
Cá lóc chiên xù với mỡ hành, hành phi phủ bên trên - Ảnh: vnphoto
Thông thường cá trước khi chiên sẽ được đánh vẩy kỹ lưỡng để món ăn ngon hơn. Thế nhưng với món cá lóc chiên xù này, để nguyên vẩy và đuôi sẽ làm món ăn trông đẹp hơn với những chiếc vẩy dựng ngược lên, có lẽ vì thế mà món ăn này mới được gọi là cá lóc chiên xù. Ăn cùng với các loại rau thơm và một chén nước mắm ngon sẽ làm dậy mùi cá hơn. Một điều nữa cần lưu ý là nên ăn cá ngay khi vừa chiên xong, vì vào lúc đó, lớp vẩy cá sẽ giòn rụm và cực kỳ thơm ngon
Có thể ăn kèm với bún hoặc dùng riêng - Ảnh: Sưu tầm
GỎI CÁ MAI
Cá mai là loại cá có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung, đặc biệt là vùng biển Bình Thuận. Mặc dù có hình dáng tương tự như cá cơm, nhưng bên ngoài có một lớp vẩy bạc lấp lánh và đặc biệt là không có máu nên không có mùi tanh thông thường của cá.
Cá mai có thể dùng khi tái vì không có mùi tanh như cá thông thường - Ảnh: phunuonline
Cá mai là nguyên liệu chính cho món gỏi cá nổi tiếng của Phan Thiết. Cá mai còn tươi được đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu và đuôi, sau đó lấy xương ra ngoài và làm tái bằng giấm hoặc nước cốt chanh. Tiếp đó, dùng nhiều loại rau khác nhau để bóp gỏi như: cà rốt, hành tây, húng lủi, rau răm và đậu phộng. Tất cả các nguyên liệu hòa quyện, cùng với một chén nước mắm chanh tỏi ớt đi kèm sẽ làm bạn không thể nào quên hương vị đặc trưng này.
Có thể ăn kèm cùng bánh tráng và các loại rau thơm - Ảnh: balunshorty
LẨU THẢ
Nghe đến tên món ăn này là ngay lập tức bạn đã hình dung được cách ăn đặc trưng. Đó là từng loại nguyên liệu khác nhau bao gồm: bún, các loại cá và rau thơm sẽ được cho vào tô, chén. sau đó múc nước lẩu thật sôi vào để làm chín món ăn.
Thực khách chọn các loại nguyên liệu cho vào chén và chan nước lẩu vào - Ảnh: sưu tầm
Muốn lẩu thả ngon nhất thì phải sử dụng nguyên liệu là các loại cá tươi, thường sử dụng nhất là cá đục, cá suốt, nhưng ngon nhất vẫn là cá mai, loại cá đặc sản của Mũi Né.Tất cả các loại nguyên liệu được đặt trên một cái nia bằng lá chuối. Thực khách sẽ thoải mái lựa chọn loại thức ăn mà mình thích ăn rồi cứ thế mà dùng.
Các nguyên liệu lẩu được đựng trong một cái nia lá chuối - Ảnh: sưu tầm
Những đặc sản của đất Mũi Né - Phan Thiết tuy rất bình dị, nhưng lại mang hương vị đặc trưng. Những thực khách nào đã “chẳng may” nếm thử sẽ khó mà quên được hương vị nồng nàn của xứ biển ấy.