Du lịch Hà Nội nên đi đâu, làm gì để có những trải nghiệm thú vị nhất vào buổi sáng? Dưới đây là 8 gợi ý hữu ích từ Lonely VietNam.
CHỢ HOA QUẢNG AN – HƯƠNG SẮC CỦA MUÔN HOA
Chợ hoa đêm Quảng An (đường Nghi Tàm) là chợ hoa nổi tiếng nhất Hà Thành. Với người Hà Nội, chợ hoa đêm không chỉ là đầu mối cung cấp hoa tươi mà còn là một nét đẹp văn hóa, một điểm đến tuyệt vời để tận hưởng hương sắc của muôn hoa.Top tips: Để cảm nhận vẻ đẹp của chợ hoa đêm, du khách nên đến đây vào lúc 3-4 giờ sáng. Đặc biệt, du khách nên tham quan chợ hoa vào dịp gần Tết vì thời điểm này chợ hoa đẹp nhất với vô vàn các loại hoa đủ màu sắc.
Ẩm thực: Nhà hàng Sen Tây Hồ(614 Lạc Long Quân), Don’s Bistro (16 Quảng An), Nhà hàng India Palace (10B Quảng An).
HỒ HOÀN KIẾM – TRÁI TIM CỦA HÀ NỘI
Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm (đường Đinh Tiên Hoàng), nằm giữa trung tâm thành phố Hà Nội. Giữa hồ là tháp Rùa, quanh hồ có nhiều di tích lịch sử như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, đình Trấn Ba, tháp Hòa Phong…
Top tips: Vé vào đền Ngọc Sơn: 10.000VND/lượt, miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi. Du khách nên mặc trang phục kín đáo, không mặc váy ngắn, quần short.
Ẩm thực: Nhà hàng Lục Thủy (16 Lê Thái Tổ), Phở Thìn (61 Đinh Tiên Hoàng), Kem Tràng Tiền (35 Tràng Tiền).
Must see: Tràng Tiền Plaza (24 Hai Bà Trưng).
QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH – LĂNG BÁC – NƠI GHI DẤU TÍCH LỊCH SỬ
Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác (đường Hùng Vương) là không gian thiêng liêng của cả nước. Trước Lăng là quảng trường Ba Đình, nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của dân tộc. Sau khi viếng Lăng Bác, bạn sẽ tham quan nhà sàn, ao cá Bác Hồ và bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của Bác lúc sinh thời.(Lăng Bác mở cửa quanh năm vào sáng các ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 7 và Chủ nhật).
Top tips: Khách viếng thăm phải ăn mặc chỉnh tề, không đem máy ảnh, giữ trật tự, đi theo hàng. Cấm trẻ em dưới 3 tuổi.
Ẩm thực: Season Restaurant Hanoi (95B Quán Thánh), Nhà hàng chay Aummee (26 Châu Long), Nhà hàng 1946 (61 Cửa Bắc), bún ốc (Hòe Nhai).
Must see: Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh.
LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM – LÀNG VIỆT CỔ ĐẶC TRƯNG
Cách trung tâm Hà Nội hơn 50km, đây là địa danh hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ hơn 300 năm tuổi. Đường Lâm có nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị: đình Phùng Hưng, đền Ngô Quyền, đền thờ thám hoa Giang Văn Minh…
Top tips: Vé vào Làng: 20.000VND/người. Du khách có thể tự đi xe máy, ôtô hoặc xe bus từ Hà Nội đến Sơn Tây rồi đi taxi đến cổng làng. Giá tour tham quan trọn gói khoảng 650.000VND/người/ngày.
Ẩm thực: Tại nhiều ngôi nhà cổ, người dân địa phương phục vụ bữa cơm truyền thống, du khách có thể đặt cơm và nghỉ trưa tại đó.
LÀNG GỐM BÁT TRÀNG – ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT GỐM VIỆT NAM
Là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế với những sản phẩm gốm sứ truyền thống. Du khách có thể tự nặn gốm để tạo nên sản phẩm cho chính mình. Giá 15.000-30.000VND/lần tô vẽ, nặn tượng không lấy sản phẩm về. Các xưởng có dịch vụ chuyển sản phẩm về tận nhà nếu du khách không muốn đợi lâu trong lúc chờ nung.
Top tips: Từ trung tâm Hà Nội theo cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì, qua sông Hồng, rẽ phải chừng 10-15km là đến làng Bát Tràng. Bạn có thể đón xe bus số 47 từ bến Long Biên 1, cuối đường Yên Phụ đến thẳng Bát Tràng.
Ẩm thực: Tại chợ gốm Bát Tràng có nhiều quán ăn đặc trưng dân dã Việt Nam.
LÀNG LỤA VẠN PHÚC – LÀNG NGHỀ DỆT LỤA LÂU ĐỜI NHẤT VIỆT NAM
Làng lụa Hà Đông xưa từng được chọn là nguồn cung cấp trang phục chính cho triều đình, vua chúa Việt Nam. Làng lụa ngày nay luôn nhộn nhịp du khách tham quan, mua sắm. Sản phẩm lụa nơi đây nổi tiếng về sự mềm mại, nhẹ nhàng và đặc biệt rất bền và đẹp. Một trong những địa chỉ uy tín và nổi tiếng nhất du khách có thể tham quan là xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mãi.
Top tips: Khi mua sắm bạn nên trả giá. Để có hành trình ngắn nhất, du khách nên đi đường Lê Văn Lương kéo dài hoặc đường Nguyễn Trãi tới ngã tư Hà Đông là đến đường Vạn Phúc. Giá Tour tham quan trọn gói khoảng 650.000VND/người/ngày.
Ẩm thực: Nhà hàng Cây Phượng (16 Tố Hữu), Nhà hàng Vân Anh (13 Vạn Phúc), Lẩu SON (44-45 Yên Lộ).
LÀNG CHUÔNG – LÀNG NÓN CỔ TRUYỀN
Bạn nên đến vào dịp phiên họp chợ Nón, diễn ra vào buổi sáng các ngày mồng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Chợ bán các loại Nón và nguyên liệu làm Nón. Đây là phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét cổ trong đời sống sinh hoạt làng xã Việt Nam. Tới đây, bạn sẽ được tìm hiểu cách làm nón cũng như những câu chuyện về cuộc sống và nghề làm nón.Top tips: Làng Chuông cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Du lịch Làng Chuông, du khách nên kết hợp thăm chùa Trầm, chùa Trăm Gian trong một ngày. Phương tiện di chuyển có thể là xe máy hoặc taxi.
Ẩm thực: Du khách nên mang theo đồ ăn hoặc thưởng thức các món ăn dân dã tại chợ quê trong làng.
THÀNH CỔ CỔ LOA – KINH ĐÔ VIỆT NAM XƯA
Là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kĩ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa mai chắc chắn, nhất là địa hình hiểm trở, tất cả làm nên nghệ thuật kiến trúc và văn hóa thời An Dương Vương.
Top tips: Từ trung tâm thành phố, du khách có thể đi xe máy 18km đến xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ vua An Dương Vương được tổ chức vào ngày 6/1 âm lịch.
Ẩm thực: Cổ Loa có một món đặc sản là Bún Mạch Tràng, ngoài ra, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã khác tại chợ Cổ Loa