Những ngày khám phá mảnh đất Huế, bạn nên đi đâu, làm gì để có những trải nghiệm thú vị? Dưới đây là những gợi ý chi tiết từ Lonely Viet Nam để bạn có được hành trình trải nghiệm Huế thật hoàn hảo.
Đại Nội Huế- Kinh thành vàng son một thời dưới triều Nguyễn
Đại Nội là tên gọi phổ biến dùng cho cụm công trình gồm Hoàng thành và Tử Cấm thành, ngày nay thuộc địa phận phường Thuận Thành. Đại Nội với hơn 140 công trình lớn nhỏ phục vụ cho bộ máy chính quyền trung ương, nơi làm việc và sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia, tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Đại Nội là một trong số các di tích thuộc cụm quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993.
Top tips: Giờ mở cửa hàng ngày từ 7h tới 17h30. Giá vé: 150.000VND/người lớn và 30.000VND/trẻ em từ 7-12 tuổi.
Must see: Nhà hát Duyệt Thị Đường (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế) với các màn trình diễn nghệ thuật tuồng, nhã nhạc cung đình Huế hay múa cung đình Huế đặc sắc.
Ẩm thực: Nhà hàng Tịnh Gia Viên (7K/28 Lê Thánh Tôn), Nhà hàng Vườn Ý Thảo (3 Thạch Hãn), Bánh Khoái Lạc Thiện (6 Đinh Tiên Hoàng), Phố bánh canh Hàn Thuyên, Quán chay Bà Minh (4 Hàn Thuyên), Chè Ba Miền (86 Mai Thúc Loan).
Chùa Thiên Mụ – Đệ nhất cổ tự đất cố đô
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây, Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất xứ Huế. Chùa được xây dựng vào năm 1601.Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, đích thân ông đi xem xét địa hình để mở mang cơ nghiệp. Khi đến đồi Hà Khê, ông bắt gặp thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương còn cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tư tưởng lớn của ông dường như bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng và để nhớ ơn người đã báo điềm lành, ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, mặt hướng ra sông Hương và đặt tên là “Thiên Mụ Tự”.
Must see: Văn Miếu, Chùa Huyền Không Sơn Thượng (cách chùa Thiên Mụ khoảng 6km).
Ẩm thực: Nhà hàng Thả Om (12/12 Nguyễn Phúc Nguyên), Nhà hàng Nam Châu Hội Quán (7 Vạn Xuân), Bánh Ướt Huyền Anh (52/4 Kim Long), Quán bánh O Lé (104/17/9 Kim Long).
Làng cổ Phước Tích – Vẹn nguyên nhà cổ gỗ mít và gìn giữ nghề gốm truyền thống
Làng Phước Tích nằm bên bờ sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngôi làng được hình thành từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Tại đây có hơn 100 ngôi nhà cổ, trong đó có tới 30 nhà được xếp vào loại độc đáo nhất của các làng cổ Việt Nam. Ngày xưa, để làm được ngôi nhà như thế này thì công thợ phải mất hàng năm trời. Hiện nay, Phước Tích còn gìn giữ gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ và đời sống sinh hoạt làng quê Việt Nam với phong cảnh hữu tình, yên ả, với cây đa, bến nước, sân đình… Làng cổ Phước Tích đẹp như một bức tranh, khiến du khách ghé chân đều yêu thích, say mê. Đặc biệt, làng Phước Tích còn nổi tiếng với nghề gốm từ hơn 500 năm nay.
Must see: Làng đan lát mây tre đan Thủy Lập (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); trên đường về trung tâm thành phố.
Ẩm thực: Theo QL1A trở về trung tâm thành phố Huế, bạn có thể ghé các nhà hàng: Nhà hàng Cố Đô, Nhà hàng Phú Lành, Café Thủy Trúc Viên, Café Điểm Hẹn…
Cầu ngói Thanh Toàn – Một trong những cây cầu cổ đẹp nhất Việt Nam
Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về phía đông. Cây cầu do bà Trần Thị Đạo quyên tiền xây dựng vào năm 1776. Cầu ngói Thanh Toàn được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu có kiến trúc theo kiểu “thượng gia, hạ kiều”, dài 18,75m, rộng 5,82m, hai bên thành cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để người dân ngồi nghỉ chân, hóng mát. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men, chia làm 7 gian, gian giữa của cầu dành để thờ bà Trần Thị Đạo.
Must see: Nhà nông cụ, chợ Cầu Ngói.
Ẩm thực: Nhà hàng Gió Quê hoặc trở về trung tâm thành phố Huế với nhiều lựa chọn nhà hàng phong phú hơn.
Núi Ngự Bình – Linh hồn của xứ Huế
Núi Ngự Bình trước có tên là hòn Mô hay núi Bằng, nằm ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn Hến và Cồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố 4km về phía Nam. Ngọn núi có hình dáng giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù và Hữu Bật. Nhìn từ xa, ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù – Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Cùng với dòng sông Hương thơ mộng, núi Ngự Bình xinh đẹp là những món quà vô giá mà tạo hoá dành cho Huế, chúng hòa quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đắm say. Cũng bởi vậy mà người ta còn gọi Huế là xứ sở của sông Hương và núi Ngự.
Top tips: Ngoài việc leo bộ thì hiện nay cũng đã có tour du lịch thăm núi Ngự Bình bằng xe đạp. Từ trên đỉnh núi, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế.
Must see: Đền Trần Hưng Đạo – Ngự Bình, Di tích núi Bân – Tượng đài Quang Trung.
Ẩm thực: Nhà hàng Không Gian Xưa (205 Điện Biên Phủ), Nhà hàng Hiệp Thành (101 Hồ Đắc Di), hoặc trở về trung tâm thành phố với nhiều lựa chọn phong phú hơn.
Vịnh biển Lăng Cô – Đẹp đến từng hơi thở
Lăng Cô thuộc địa phận huyện Phú Lộc, nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân với phong cảnh thiên nhiên quyến rũ. Nơi đây từng được bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (năm 2009). Lăng Cô chứa đựng gần như tất cả những gì mà thiên nhiên có thể ban tặng: màu xanh của núi rừng nhiệt đới, dải cát trắng mịn, ánh nắng tràn đầy, nước biển trong xanh và mát mẻ…
Top tips: Lăng Cô cách thành phố Huế 60km nhưng chỉ cách sân bay quốc tế Phú Bài 40km. Nếu du khách đến Lăng Cô từ thành phố Đà Nẵng qua hầm đường bộ đèo Hải Vân thì chỉ khoảng 25km. Biển Lăng Cô là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng, du khách có thể thỏa thích nằm dài trên bãi biển ngắm nhìn thiên nhiên xanh tươi kỳ vĩ, ngụp lặn trong dòng nước mát mẻ hay tham gia các trò chơi bãi biển sôi động.
Must see: Làng chài Lăng Cô, đầm Lập An, vịnh Chân Mây.
Ẩm thực: Các nhà hàng hải sản nổi tiếng ở thị trấn Lăng Cô: Nhà hàng Như Ngọc, Nhà hàng Thanh Tâm, Nhà hàng Thiên Lý, Nhà hàng Triệu Vỹ, Nhà hàng Sao Biển Bé Đen…
Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã – Khám phá thiên nhiên kỳ thú
Trải rộng trên cả hai huyện Phú Lộc và Nam Đông, VQG Bạch Mã có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành cùng hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Tới đây, du khách sẽ có dịp khám phá những tuyến đường mòn thiên nhiên kỳ thú: Đường mòn Đỗ Quyên dẫn đến thác Đỗ Quyên, quanh năm tung bọt trắng xóa; Đường mòn Trĩ Sao dẫn đến thác Trĩ Sao – nơi có nhiều chim trĩ sao sinh sống; Đường mòn Ngũ Hồ dẫn đến 5 hồ nước nằm nối tiếp nhau được hình thành từ một con suối lớn; Đường mòn Vọng Hải Đài dẫn đến đài ngắm cảnh trên đỉnh Bạch Mã; Đường mòn dài 300m xuyên qua rừng chò đen… Bên cạnh đó, VQG Bạch Mã còn có khu vườn sưu tập lan với hàng trăm loài hoa lan nhiều màu sắc và kiểu dáng độc đáo.
Top tips: Từ thành phố Huế, theo quốc lộ 1A khoảng 40km về phía nam đến thị trấn Cầu Hai (huyện Phú Lộc), sau đó rẽ phải khoảng 19km, du khách sẽ đến VQG Bạch Mã
Must see: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Ẩm thực: Bạn có thể mang theo đồ ăn hoặc ăn uống ngay tại khu dịch vụ trong vườn quốc gia.
Đèo Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Đèo Hải Vân (hay còn gọi là Ải Vân) là danh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Với chiều dài 21km, con đèo vắt ngang qua những ngọn núi cao ngất, chênh vênh giữa một bên là núi rừng hùng vĩ, một bên là biển cả bao la. Đã từ lâu, Hải Vân được xem là con đèo có cảnh quan ngoạn mục nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam trên hành trình vào Nam ra Bắc. Đỉnh đèo Hải Vân mây phủ quanh năm. Nằm ở đỉnh đèo trên độ cao 490m là di tích lịch sử về kiến trúc quân sự triều Nguyễn. Công trình được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1826. Mặt trước đề ba chữ “Hải Vân Quan”, mặt sau đề “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”. Ngày nay, nơi đây trở thành thắng cảnh nổi tiếng, đứng trên Hải Vân Quan, du khách có thể ngắm cảnh đèo Hải Vân quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi.
Ẩm thực: Du khách có thể ăn tại các nhà hàng ở thị trấn Lăng Cô – nằm dưới chân đèo Hải Vân.