Năm 1955, tôi vừa 10 tuổi, cha tôi gởi cả gia đình lên Đà Lạt. Ông nói môi trường sống ở Saigon quá xô bồ, ô nhiễm và thiếu văn hóa. Mẹ tôi mua một căn nhà ở 60 dốc Duy Tân, buôn áo quần trẻ em và 4 anh chị em bắt đầu khám phá một thiên đường mới thật nhiều cây xanh hoa lạ.
Đà Lạt 1955
Lúc đó, Dalat lạnh thấu buốt tận lòng. Ngày nào, chúng tôi cũng co ro trong chăn, mơ thấy các bí hiểm về rừng sâu qua những huyền thoại, cười giỡn khúc khích khi dọa hù ma quỷ, và miên man với một thiên nhiên dù hoang dã nhưng rất trong lành.
Hồi đó người Thượng (giờ gọi là người dân tộc) dù sống trong thôn bản của họ vẫn lui tới giao lưu với người Kinh khắp nơi, nhất là quanh khu chợ Hòa Bình. Họ hiền lành trong những sắc phục cổ truyền nhiều mầu sắc, bập bẹ tiếng Việt và tạo một cảnh quan sống động hài hòa. Trong ký ức của tôi, ấn tượng nhất là những người phụ nữ, ở trần khoe bộ ngực thường lớn và cứng cáp như các cô gái Âu Mỹ trong phim rạp hay sách vở. Với tiềm thức “khát sữa” của tôi, đây là hình ảnh tuyệt vời của người tình trong mộng. Tôi mơ làm một chàng trai Thượng vạm vỡ, có vài bạn gái, uống rượu cần mỗi đêm và cùng nhau nhẩy nhót cạnh bờ suối trăng.
Một lần, khi đi chơi thật sâu vào rừng, tôi và mấy đứa bạn đến một giong suối có mấy cô gái Thượng đang tắm. Ngược với thái độ của mấy cô gái Kinh là thét thất thanh, các cô Thượng vẫy chào chúng tôi như những người bạn lâu ngày vừa gặp. Lúc lên lau người, một cô thấy tôi trân trối nhìn vào bộ ngực cao bồng của mình, lấy tay tôi đặt nhẹ lên ngực mình, cười vang, rồi cùng bạn biến mất sau những tàng cây um tùm. Tôi nghĩ mình vừa được ban phước Thánh.
Cha tôi vẫn ở Saigon làm ăn và lái xe thăm gia đình mỗi tuần. Một chuyến đi thăm, ông buồn ngủ, xe bị lật xuống đèo Prenn, ông không lái xe nữa và dọn cả gia đình về lại Saigon. Tôi rưng rưng nước mắt giã từ rặng núi Lang Biang, thác Cam Ly, hồ Than Thở và những ngọn đồi quanh hồ Xuân Hương. Cả những căn villa nhiều hoa hồng, tiệm ăn Eau Vive, nhà Thủy Tạ, ngôi thánh đường trên dốc cao và những đứa bạn đã cùng nhau thám hiểm các khu rừng lân cận theo đúng tinh thần của Robinson Crusoe. Tôi cũng nhớ tha thiết những người Thượng hiền lành và những người tình trong mộng.
Đà Lạt 1969
Tôi gặp lại Dalat lần thứ hai khi ở Mỹ về và lên dậy học tại Trường Võ Bị. Những người Thượng vẫn còn lui tới và thành phố vẫn dầy đặc sương mù mỗi đêm. Những con đường dốc vẫn đầy hoa bất tử (immortel) trước những căn villa buồn lặng và đôi má các thiếu nữ vẩn ửng hồng trong ánh nắng đầu ngày. Tôi đã trưởng thành và tìm một “mình” mới lạ trong một cuộc tình cháy bỏng và ngắn ngủi nhưng cũng đầy thơ mộng. Chiến tranh bao quanh với tiếng đại bác vọng về mỗi đêm nhưng Dalat lại may mắn không bị tổn hại và trở thành một ốc đảo thanh bình cho những tấm lòng thương yêu thật bình dị.
Trong dâu biển của đời mình, Đà Lạt có lẽ là điểm sáng chói lòa của hạnh phúc. Cái nhỏ bé, văn minh và thẹn thùng của Đà Lạt là cái quyến rũ đậm đà thầm lặng của thiên nhiên và con người khi hài hòa. Trong khung hình của ký ức, những người Thượng chất phác trong lành tạo một “bối cảnh” của những câu chuyện tử tế và có hậu.
Đà Lạt 2013
Tôi quay lại Dalat tuần rồi sau 2 năm vắng bóng. Cái thất vọng vào chuyến đi chơi 2011 có lẽ đã là một dự đoán cho cái tuyệt vọng ngày hôm nay. Từ một đứa con gái dậy thì, Đà Lạt đã già nua phong trần như một vũ nữ xế chiều, không còn nhân cách.
Bối cảnh đã phai nhạt: những người Thượng đã biến mất hay họ không còn biết đến những sắc phục cổ truyền. Những vườn hoa trước các villa và những chiếc áo dài không còn tô điểm cho các con đường thành phố; bây giờ mọc đầy những căn nhà hộp quẹt với mầu sắc lộn xộn và bảng hiệu tạp nham. Xa xa, những ngọn núi đã bắt đầu trọc lóc vì nạn phá rừng làm rẫy. Thay vì mùi hoa mimosa hay dạ lý những đêm mùa đông, Đà Lạt hôi thối đến tận cùng với mùi phân bón và rác rưởi quanh tỉnh. Với số lượng cây cỏ bị chặt đốn, Đà Lạt nóng gần bằng Saigon, và dĩ nhiên, với sự du nhập của văn hóa xe máy, khói bụi và tiếng ồn cũng bắt đầu mọc rễ.
Tôi đưa vài người bạn nước ngoài đến nhà Thủy Tạ để giới thiệu “môi trường văn hóa cà phê” mà Vũ Trung Nguyên hay rao giảng. Vừa được 5 phút, chúng tôi phải bỏ chạy vì mùi xú uế nồng nặc từ tảo đỏ và xác cá chết của hồ Xuân Hương. Tôi vẫn không bỏ cuộc: tôi dẫn các bạn đó đến hồ Tuyền Lâm. Các dự án khu nghĩ dưỡng bao quanh khu hồ, dang dở bỏ ngang khi thị trường bất động sản đi vào khủng hoảng. Cũng may cho hồ, nếu GDP tiếp tục tăng trưởng trên 10% mấy năm qua, có lẽ hồ Tuyền Lâm cũng đã cùng số phận với hồ Xuân Hương, thác Cam Ly và bao địa danh khác của thời tôi còn trẻ.
Đà Lạt đã chết lâm sàng. Không biết ngày nào sẽ đem chôn?
Tôi bay về lại Saigon ngay ngày hôm sau. Tôi không muốn nấn ná nhìn dung nhan tiều tụy của người con gái mình đã yêu. Dọc đường, tôi vặn IPod nghe lại bài hát Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh. Có lẽ đây là bài điếu cho đám tang của Đà Lạt. Hay sẽ là lời phán của Gandhi,”Trái đất cung ứng đầy đủ cho nhu cầu (need) của con người, nhưng không bao giờ đủ cho lòng tham (greed) của họ.”
“Năm tháng trôi qua sóng gió đời…
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi…”