Du khách đến Anh và dạo bước bên dòng sông Thames êm đềm sẽ không khỏi khiếp sợ khi nhìn thấy một dây thòng lọng treo cổ lơ lửng trong gió. Đằng sau nó là một câu chuyện rùng rợn về luật pháp giai đoạn từ thế kỷ 17 đến 19.
Du lịch Anh dạo bước bên bờ sông Thames
Sự khiếp sợ của du khách ngày nay khi nhìn thấy chiếc thòng lọng thắt cổ có lẽ chỉ được ví là một phần nhỏ trong nỗi kinh hoàng của người dân thế kỷ 17-19.
Bởi khi đó, tại bờ sông Thames không chỉ là một mà là hàng chục chiếc thòng lọng cùng những xác chết thối rữa, bị buộc vào lồng sắt. Nhiều người còn ám ảnh với cảnh tượng những chiếc lồng sắt đung đưa trong gió, phát ra những âm thanh chết chóc đủ để khiến bất cứ ai phải rùng mình.
Đây là những phạm nhân bị hành hình công khai bằng hình thức treo cổ tại Execution Dock (bến hành hình) diễn ra bên bờ sông Thames tại thủ đô London trong suốt hàng trăm năm.
Đây là thời điểm nước Anh đang tiến hành bành trướng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng đế chế của mình, nhằm cạnh tranh với Tây Ban Nha và Pháp. Đế quốc Anh tiến hành mạnh mẽ công cuộc mở rộng thuộc địa tại những nơi xa xôi trên khắp các đại dương.
Hoạt động giao thương trên biển giữa Anh và các thuộc địa diễn ra một cách nhộn nhịp. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu thiết yếu, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa do nước Anh sản xuất.
Để hệ thống thương mại này thành công, Anh cần các tuyến hàng hải an toàn.
Vào thời điểm đó, đặc biệt trong thời gian trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I, nạn cướp biển được hoàng gia bảo trợ, và sử dụng như một công cụ hỗ trợ nhằm chống lại các tàu buôn của nước ngoài.
Tuy nhiên những người kế nhiệm Nữ hoàng Elizabeth I lại không ủng hộ hành động này, việc dung túng cho cướp biển bị bãi bỏ. Việc cướp bóc trên biển được coi là một tội ác, vì nó là một mối đe dọa lớn đối với các tuyến thương mại.
Hình phạt duy nhất cho tội ác này đó là cái chết.
Trong giai đoạn này, phần lớn tội phạm chờ thi hành án tử hình sẽ bị giam giữ tại Newgate rồi sau đó được đưa đến Tyburn để treo cổ (vị trí này nay là Marble Arch).
Cướp biển và các tội phạm hàng hải khác như những kẻ chống đối và buôn lậu, thường bị giam giữ tại nhà tù Marshalsea, sau đó sẽ đưa đến Execution Dock để xử tử công khai.
Theo truyền thống lịch sử Anh, tội phạm thường bị hành quyết tại nơi gây án, do vậy cướp biển và các tội phạm hàng hải khác sẽ bị xử tử bên bờ sông Thames, bởi con sông này đổ ra biển Bắc.
Trước khi ra pháp trường, phạm nhân được đưa đi diễu hành qua các con phố từ nhà tù đến Execution Dock, dưới sự giám sát của một vị tướng lĩnh Hải quân Hoàng gia cùng đông đảo người dân.
Tại khu vực thi hành án và trên đường phố, người dân London thường tụ tập rất đông để theo dõi quá trình áp giải và xử tử. Mọi thành phần từ nam giới đến phụ nữ, già lẫn trẻ, thậm chí còn có cả trẻ em – tất cả tụ tập thành một đám đông khổng lồ với mong muốn được tận mắt chứng kiến tên cướp biển bị treo cổ đến chết.
Trước khi thi hành án, phạm nhân được hưởng ân huệ cuối cùng đó là uống một cốc bia tại quán rượu mang tên The Turks Head Inn, hiện nay là một quán cà phê. Ngoài ra, tên cướp biển sẽ có cơ hội “nói lời cuối cùng” trước đông đảo dân chúng có mặt tại pháp trường.
Để làm cho những tên cướp biển cảm nhận rõ ràng sự đau đớn trước khi chết, dây thòng lọng trên giá treo cổ được rút ngắn hơn so với bình thường đủ để khiến phạm nhân không bị chết ngay do gãy cổ khi rơi.
Thay vào đó, phạm nhân sẽ cảm nhận cái chết đang đến chậm chạp do dây thừng siết chặt vào cổ. Trong quá trình này, phạm nhân sẽ không thể hô hấp, họ giãy giụa, quằn quại trong đau đớn trước khi chết.
Việc thi hành án treo cổ luôn diễn ra khi thủy triều xuống thấp. Sau khi phạm nhân chấp hành xong án tử hình, người ta sẽ đợi cho đến khi ba lần thủy triều lên để “cọ rửa” thi thể những tên cướp biển trước khi hạ xuống.
Riêng những tên cướp biển khét tiếng nhất, thi thể sẽ được “trưng bày” trong lồng sắt và được treo y nguyên trên giá trong thời gian dài hơn để cảnh báo cho tất cả những ai đang có ý tưởng trở thành cướp biển.
Ví dụ như trường hợp của tên cướp biển khét tiếng, thuyền trưởng William Kidd, bị xử tử vào năm 1701 vì tội giết người và cướp bóc trên biển, thi thể của Kidd bị treo trong lồng sắt suốt ba năm để làm gương cho những tên cướp biển khác.
Tuy nhiên, không vì thế mà nạn cướp biển suy giảm. Vào khoảng thế kỷ 18, cướp biển đã phát triển nhanh về số lượng đến nỗi gần như không thể áp giải những tên cướp biển sa lưới về London để xử tử vì thiếu nhân lực và sự sụt giảm về kinh tế.
Sau khi Anh giành được các thuộc địa vùng Caribe, họ quyết định thành lập nên Tòa án Hải quân Hoàng gia tại Port Royal (Jamaica) và thuộc địa ở Bắc Mỹ (Boston, Providence và Charleston) để xử quyết cướp biển.
Vụ hành hình cướp biển cuối cùng tại Execution Dock diễn ra vào ngày 16/12/1830, kết thúc hàng trăm năm thực thi các biện pháp xử lý cứng rắn của nước Anh đối với nạn cướp biển.
Ngày nay, không một ai biết chắc chắn vị trí từng là nơi đặt giá treo cổ và hành quyết cướp biển tại Execution Dock ở London.
Tuy vậy, du khách có thể hình dung về nó khi quan sát một “bản sao” ngay bên ngoài Prospect of Whitby, một quán rượu gần 500 năm tuổi trên phố Katharine’s & Wapping bên bờ sông Thames.