Không giống như các ranh giới khét tiếng trên thế giới, bức tường Maroc ít khi được biết đến. Sự tồn tại của bức tường này dường như đã bị chôn vùi trong sa mạc.
Bạn có thể chưa nghe nói về cái tên “Tây Sahara”, nhưng nếu tham khảo Google Maps hoặc bất kỳ bản đồ hiện đại nào khác, bạn sẽ nhận thấy khu vực này được xác định rõ ràng ở phía Nam của Maroc. “Tây Sahara” không phải là một đất nước thực sự, nhưng nó cũng không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Maroc. Đây là một khu vực tranh chấp có lịch sử phức tạp và bị chiến tranh tàn phá. Cũng như nhiều khu vực tranh chấp khác trên thế giới, nó có khu vực quân sự cao điểm ở trung tâm, nơi có một bức tường cát dài 2.700km được gọi là “Tường Tây Sahara Maroc”, hay gọi tắt là “Tường Maroc”.
Tây Sahara bị Tây Ban Nha chiếm đóng cho đến năm 1975. Sau khi Tây Ban Nha từ bỏ quyền kiểm soát lãnh thổ, Maroc và Mauritanie chiếm đóng nơi này và phân chia lãnh thổ, bỏ qua mong muốn của cư dân Saharawi bản xứ đã đòi độc lập từ những năm 1960. Năm 1976, Saharawis thành lập phong trào giải phóng dân tộc nổi dậy gọi là Mặt trận Polisario nhằm mục đích chấm dứt sự hiện diện của nước ngoài ở Tây Sahara. Họ tuyên bố nước Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Saharawi (SADR) là một quốc gia độc lập và chiến tranh nổ ra. Năm 1979, Mauritanie rút lui nhưng Maroc vẫn không chịu từ bỏ nơi đây.
Khoảng thời gian này, Maroc đã bắt đầu xây dựng một cồn cát dài 2.700km, chia lãnh thổ theo chiều dọc thành hai vùng. Phía tây là vùng Maroc, còn phía đông, cái gọi là “vùng tự do”, được kiểm soát bởi các phiến quân Sahrawi của tổ chức Polisario. Người ta ước tính có khoảng 30.000 đến 40.000 cư dân sống trong khu vực sa mạc này giáp với Algeria và Mauritania.
Chiến tranh giữa Maroc và Polisario chính thức kết thúc vào năm 1991 sau khi ngừng bắn, nhưng bức tường vẫn tiếp tục có hàng ngàn lính Maroc canh gác cùng các thiết bị quân sự trong suốt thời gian đó. Chạy dọc theo chiều dài của bức tường là bãi mìn liên tục dài nhất trên thế giới. Trên toàn lãnh thổ Sahrawi có hơn 7 triệu quả mìn, thêm vào số lượng lớn các tàn tích còn sót lại sau chiến tranh cùng bom, đạn chùm.
Liên hiệp quốc không công nhận chủ quyền Maroc đối với Tây Sahara. Họ cho rằng Sahrawis có quyền tự quyết. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ Maroc như Pháp và Hoa Kỳ.
Maroc có lợi ích kinh tế ở Tây Sahara. Khu vực giàu trữ lượng phosphate và vùng biển có rất nhiều cá. Cũng có những suy đoán rằng có thể có các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi.
Tuy nhiên, theo các đường dây ngoại giao của Hoa Kỳ, bởi Wikileaks, khu vực này có thể thực sự là một gánh nặng kinh tế cho Maroc. Lãnh thổ này đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng: thất nghiệp trên 20%, dân số, đô thị đang phát triển nhanh, nguồn nước khan hiếm và các vùng đánh bắt bị đe doạ – nguồn kiếm sống cho 70% công nhân trong khu vực. Trữ lượng phosphate dự trữ ở Tây Sahara chiếm ít hơn 2% trữ lượng quốc gia. Có kết luận cho rằng lãnh thổ này chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích kinh tế nào cho Maroc ngay cả khi các mỏ dầu ngoài khơi được phát hiện và khai thác.