Trên mảnh đất Sài Gòn xô bồ, nhộn nhịp, năm tháng phủ lên từng con đường, góc phố hình hài của một đô thị trẻ hiện đại, đâu đó giữa chốn Sài thành vẫn còn đó những địa chỉ đỏ mãi ghi dấu trong trang sử hào hùng của dân tộc. Trải qua hơn 40 năm thăng trầm lịch sử, ngôi nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 vẫn đứng đó như một minh chứng chân thật và sống động về một thế hệ Việt anh hùng. Căn nhà là hầm chứa vũ khí bí mật để phục vụ cuộc tổng tiến công xuân Mậu thân vào năm 1968.
Ngôi nhà nhỏ bé khiêm tốn nép mình trong hẻm nhỏ Sài thành - Ảnh: kienthuc
Mặt sau của căn nhà cũng là mặt tiền của một con hẻm khác - Ảnh: zing
Nằm ở mặt tiền của hai hẻm thông giữa đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, ngôi nhà khá nhỏ bé với chiều dài 14,9m, chiều rộng 2,5m, tổng diện tích chỉ khoảng 37m2. Tuy vậy, ngôi nhà đã đóng góp một phần không nhỏ trong những ngày tháng quân dân ta kiên cường đấu tranh chống Mỹ.
Toàn cảnh ngôi nhà nhỏ hẹp khi nhìn từ bên ngoài - Ảnh: kienthuc
Chủ nhân căn nhà là ông Trần Văn Lai, nhiều người gọi thân mật là ông Năm Lai. Những năm đó, ông Năm Lai làm việc cho cơ quan viện trợ U-Som của Mỹ và thầu khoán ở Dinh Độc Lập, mặt khác, ông bí mật tham gia hoạt động trong đơn vị “Bảo đảm chiến đấu”.
Từ năm 1966- 1968, ông lấy tên là Mai Hồng Quế để mua lại căn nhà này. Sau đó, viện lý do sửa chữa đường ống nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch đào hầm của mình. Những khối đất cát trong khi đào, ông cẩn thận bỏ vào thùng rồi cho người đem đổ ở tận Bình Chánh để địch không phát hiện
Căn nhà hoàn thành sau 7 tháng và được thiết kế như bản vẽ trên - Ảnh: zing
Suốt 7 tháng trời làm việc miệt mài và cần mẫn, căn hầm đã hoàn thành trong sự vui mừng của ông Năm và các anh em trong đơn vị. Căn hầm bấy giờ dài 2m, rộng 1,2m, cao 2,5m và có 4 cửa thoát hiểm là những khung tròn trên vách được nối với đường ống thoát nước vừa vặn cho một người chui vào, có lỗ thông hơi.
Cửa thoát hiểm là những khung tròn trên vách vừa vặn 1 người chui vào - Ảnh: zin
Vách và nền hầm được ông Năm kỹ lưỡng trát xi măng khá dày và chắc chắn để không bị thấm nước. Nắp hầm được bố trí gần cầu thang và được ngụy trang khéo léo bởi sáu viên gạch lót sàn. Nhìn qua, không ai ngoài ông có thể biết được phía bên dưới có điều gì bí ẩn.
Nắp hầm được ngụy trang vô cùng khéo léo, rất khó để phát hiện nếu không có người chỉ dẫn - Ảnh: kienthuc
Nắp hầm rộng 0,4m dài 0.6m có chốt đậy, khi mở chỉ cần dùng khoen đính chốt nhấc nắp khỏi mặt đất rồi len người vào trong.
Phía bên dưới nắp là một cầu thang dẫn xuống hầm vũ khí - Ảnh: kienthuc
Để tránh tai mắt của địch, vũ khí chỉ được vận chuyển từ Củ Chi vào Sài Gòn khi trời chập tối. Trong lúc vận chuyển vào hầm để qua mặt quân địch, vũ khí được giấu tinh vi trong những tấm ván được moi rỗng ruột, những cuộn cà tăng (cót làm vách) hay các sọt đựng trái cây. Giả vờ dàn dựng như một cuộc mua bán, ông Năm và đồng đội đã thuận lợi đưa vũ khí vào trong.
Vũ khí được các chiến sĩ giấu trong những tấm ván được moi rỗng ruột - Ảnh: zing
Căn hầm nhỏ bé giữa lòng địch giờ đã là nơi chứa đựng hơn 2 tấn vũ khí các loại, bao gồm: súng và đầu đạn B40, súng AK, súng ngắn, lựu đạn, bộc phá, kíp nổ cùng nhiều loại súng, đạn khác…
Căn hầm nhỏ nhưng chứa đựng hơn 2 tấn vũ khí chiến đấu các loại - Ảnh: kienthu
Sau nhiều ngày tích trữ vũ khí, thời cơ đã đến, đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2, tết Mậu Thân năm 1968, 17 chiến sĩ đội 5 đã có mặt tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để nhận nhiệm vụ và vũ khí chiến đấu.
Bản đồ chiến lược tiến công của các chiến sĩ đội 5 - Ảnh: kienthuc
Trên 3 chiếc ô tô cùng 1 xe gắn máy, đội cảm tử quân đã anh dũng tiến về Dinh Độc Lập dưới sự chỉ đạo của ông Ba Thanh (tên thật là Tô Hoài Thanh, một số tài liệu khác lại ghi là Trần Hoàng Thanh).
Chiếc xe gắn máy các chiến sĩ đã sử dụng trong ngày tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh: zing
Cuộc chiến diễn ra quyết liệt, các chiến sĩ kiên cường, dũng cảm chống trả cho đến giây phút cuối cùng. Sau khi các chiến sĩ đội 5 bị bắt, ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo, căn nhà rơi vào tầm kiểm soát của quân địch. Tuy nắm trong tay ngôi nhà nhưng bọn chúng lại không hề mảy may hay biết sự tồn tại của căn hầm bí mật suốt những năm tháng về sau.
Ông Năm Lai - chủ nhân căn nhà và ngày đoàn tụ cùng gia đình sau giải phóng - Ảnh: tienphong
Sau khi độc lập, năm 1986 căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ đó đến nay, nơi đây vẫn luôn là một địa điểm du lịch được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan. Nhiều du khách nước ngoài đã tỏ ra vô cùng thích thú và ngưỡng mộ về tinh thần và trí tuệ của những người anh hùng đất Việt.
Các em học sinh được kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc - Ảnh: hochiminhcity.gov
Các du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú và ngưỡng mộ khi đến tham quan - Ảnh: VNP
Ngôi nhà kỳ diệu này là bằng chứng cho sự kiên trung, anh dũng và mưu trí của nhân dân ta trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, là bài học quý báu cho các lớp con cháu noi gương, học hỏi. Thế hệ cha ông đã qua nhưng những thành tựu và chiến tích một thời lừng lẫy vẫn còn đó, trong sự tự hào của toàn dân tộc và sự mến mộ của bạn bè trên khắp năm châu.