Thủ đô Hà Nội nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, là một trung tâm văn hóa, giáo dục với các nhà hát, bảo tàng, các làng nghề truyền thống, những cơ quan truyền thông cấp quốc gia và các trường đại học lớn nhất cả nước. Kiến trúc cổ xưa mang đậm chất Việt từ khu phố cổ đến những tòa cao ốc đang mọc lên ngày một nhiều, xen lẫn những con đường cây xanh đầy bóng mát cho ta cảm nhận được vẻ dịu dàng nhưng không kém phần văn minh của mảnh đất thủ đô.
Dịu dàng Hà Nội - Ảnh: Sưu Tầm
Hà Nội văn minh - Ảnh: vanhoa
NÊN ĐẾN HÀ NỘI VÀO THỜI ĐIỂM NÀO?
Mang đặc trưng khí hậu miền Bắc, Hà Nội cũng có những mùa hoa làm nức lòng kẻ lữ khách, cũng có những chiều thu man mác buồn trong thi ca, cũng có những ngày đông lạnh cắt da thịt, và ngày hè nóng rực như chảo lửa chốn thị thành.
Những mùa hoa Hà Nội - Ảnh: flickr
Hà Nội mùa nào cũng đẹp - Ảnh: wordpress
Hà Nội mùa nào cũng đẹp, nhưng nếu được chọn, tôi sẽ khuyên bạn tới Hà Nội vào những ngày cuối thu, đầu đông, khi cái nóng mùa hè đã được thay bằng gió thu dịu mát, khi cái rét căm căm vẫn chưa khiến người ta lười ra nhà. Mùa ấy, chỉ cần khoác thêm một chiếc áo mỏng là có thể yên tâm tận hưởng Hà Nội dịu dàng.
Lãng đãng chiều thu - Ảnh: Dang Thang
Mùa thu cũng là dịp cho những hàng cây hai bên đường thay lá, rồi bắt gặp hương hoa sữa thoảng trong gió nhẹ, chạy xe thật chậm, hít hà hương thơm như hít cả bầu không khí của chốn thủ đô này.
Hà Nội đẹp nhất về đêm - Ảnh: Sưu Tầm
MANG GÌ THEO KHI DU LỊCH HÀ NỘI
Tùy vào thời điểm bạn đến để chọn cho mình trang phục phù hợp. Lưu ý rằng, nhiệt độ ngày hè rất rất nóng và oi ả, mang đồ mỏng, thoáng một chút mặc sẽ dễ chịu. Mùa đông sẽ lạnh thấu xương, các bạn ở miền Nam lại coi đây là dịp tốt để mặc những chiếc áo bông và phụ kiện dễ thương mà trong Nam không có cơ hội được diện.
Những ngày Hà Nội trở rét - Ảnh: Tien Luyen
Hà Nội là vùng đồng bằng, là thành phố lớn nhất ở Việt Nam, vậy nên bạn không cần phải chuẩn bị quá nhiều đồ đạc hay lo lắng chuyện thiếu thốn gì ở đây. Tuy nhiên, ăn vận gọn gàng, giày dép thoải mái sẽ giúp bạn di chuyển đỡ vất vả hơn. Free-style, mặc những gì bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Ăn mặc thoải mái khi đi du lịch - Ảnh: svietnamtravel
Tiền bạc & Giấy tờ: Đây là một trong những thứ quan trọng hàng đầu bạn cần mang theo và giữ gìn cẩn thận. Không nên mang nhiều tiền mặt, cầm theo thẻ ATM hoặc thẻ visa bởi thủ đô không hề thiếu cây ATM. Giấy tờ tùy thân bao gồm chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, các loại thẻ tùy thân, voucher/coupon/vé dành cho các dịch vụ cần thiết…
Hà Nội phố - Ảnh: Redluna
Thiết bị điện, điện tử: Chắc chắn không thể thiếu khi đi du lịch là chiếc điện thoại, đi kèm theo đó chắc chắn là sạc (mang theo ổ cắm nối nếu sạc ba chân). Thêm máy ảnh, máy nghe nhạc, máy quay… để chuyến đi thêm phần đặc sắc, nhưng chú ý không cần mang những thiết bị quá cồng kềnh, không cần thiết mà lại làm bước chân hành trình thêm nặng nề.
Những dãy nhà đều tăm tắp phố cổ - Ảnh: Le Hong Ha
Các loại thuốc thông dụng chống say xe, máy bay… cần mang theo đề phòng trường hợp phải đi phương tiện công cộng. Hiệu thuốc ở Hà Nội không thiếu, nên bạn chỉ cần mang một ít thuốc, băng cá nhân đủ dùng đề phòng trường hợp sự cố bất ngờ xảy ra ở điểm bạn đang đi du lịch.
Hà Nội trà đá vỉa hè - Ảnh: Le Hong Ha
TỚI HÀ NỘI BẰNG CÁCH NÀO?
- Máy bay: Hầu hết các tỉnh thành trên cả nước (từ Huế trở vào và một số tỉnh phía Bắc như Điện Biên) đều có chuyến bay thẳng đến Hà Nội, tùy thuộc khoảng cách mà đi mất nhiều thời gian hay không. Sân bay Nội Bài (Hà Nội) cách trung tâm khoảng 20km, bạn có thể đi taxi sân bay giá từ 200.000 – 300.000, xe bus, xe ôm hoặc xe ô tô của hãng để di chuyển vào khu vực nội thành.
Sân Bay Nội Bài - Ảnh: baohaiquan
- Ô tô, xe khách, tàu hỏa: Phù hợp hơn đối với những tỉnh thành cách Hà Nội không quá 500km, bởi nếu ngồi tàu xe lâu sẽ rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến nhiệt huyết khi đi chơi, thăm thú thủ đô.
Ngã ba trong tuyến phố - Ảnh: Le Hong Ha
PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI TRONG THÀNH PHỐ
Có diện tích lớn nhưng khu trung tâm lại đông đúc, giờ tan tầm thường tắc đường nên không gì tiện hơn là xe máy. Các cửa hàng cho thuê xe máy rất nhiều với giá dao động từ 100.000 – 200.000 đồng tùy loại xe. Xe máy có thể đi vào các ngõ ngách, các địa điểm trong trung tâm cũng như ngoại thành, đi xe máy tận hưởng không thí và ngắm cảnh Hà Nội sẽ rất tuyệt.
Những khu chợ - Ảnh: Le Hong Ha
Nếu muốn thả bộ tại một khu vực nào đó, hãy đón xe bus hoặc taxi tới điểm đó, nhưng lưu ý không nên đi vào giờ cao điểm bởi xe bus phải chen chúc rất khổ sở, còn taxi thì bị cấm ở một số tuyến đường, đi lòng vòng sẽ rất tốn tiền. Đối với khu vực ngoại thành thì xe bus là lựa chọn tốt nhất, những tuyến dài không nhiều người đi, và bạn sẽ được ngồi ngắm Hà Nội qua ô cửa kính. Hầu hết xe bus chỉ chạy tới 10h (hoặc sớm hơn) là hết chuyến, vì thế căn giờ về thật chuẩn hoặc chọn phương tiện khác để về.
Cảnh bình dị của Hà Nội - Ảnh: Le Hong Ha
Các phương tiện khác như xe điện, xích lô cũng nên thử nếu bạn lang thang ở khu vực phố cổ. Giá đã được niêm yết và chủ xe sẽ tận tình đưa bạn đến những nơi thú vị ở phố cổ.
Xích lô Hà Nội - Ảnh: anninhthudo
NGHỈ Ở ĐÂU HÀ NỘI THÌ PHÙ HỢP?
Hà Nội có rất nhiều khu nhà nghỉ, khách sạn bình dân nhưng chất lượng khá tốt, đầy đủ tiện nghi, càng xa trung tâm càng rẻ đối với phòng có chất lượng tương đương. Bạn nên book phòng trước hoặc nhờ người quen chỉ dẫn để có được chỗ ở giá cả phải chăng nhất.
Một khách sạn cao cấp ở Hà Nội - Ảnh: Sưu Tầm
Các khách sạn cao cấp tiêu chuẩn quốc tế khu vực trung tâm cũng sẵn sàng chào đón bạn nếu có nhu cầu tận hưởng dịch vụ tốt nhất.
TỚI HÀ NỘI, CHƠI GÌ?
Khu vực nội thành
- Khu phố cổ Hà Nội: là trung tâm lịch sử của thành phố, hiện nay vẫn là khu vực đông đúc nhất. Hà Nội 36 phố phường từ thuở xa xưa đã hình thành bởi nghề đặc trưng của các con phố như Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đường, Hàng Bông… Ở đây nhà cửa đều theo một kiểu nhà ống nhất định, cách bố trí gần như nhau. Thăm quan phố cổ, bạn sẽ hình dung lại một phần nào của Hà Nội xưa.
Khu vực hồ Gươm - Ảnh: Redluna
Hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: khanhbm
- Khu thành cổ, tức hoàng thành Thăng Long – đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, nằm ở khoảng giữa hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm, xuất hiện cùng với kinh đô Thăng Long. Hoàng thành Thăng Long hiện chỉ lưu lại ở một vài dấu vết như cửa Bắc trên phố Phan Đình Phùng, cột cờ Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh: Tran Khoi
- Khu phố Pháp: lưu giữ những công trình kiến trúc được xây dựng tỉ mỉ từ hồi Pháp thuộc như Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Phủ Chủ tịch, Vườn bách thảo, các biệt thự trên đường Phan Đình Phùng, Hùng Vương…
Nhà Hát Lớn - Ảnh: redsvn
- Thăm Lăng Chủ tịch: đã đi vào lời ca tiếng hát, việc viếng Lăng Bác giống như điều tất yếu cần làm khi ra thủ đô, thể hiện lòng thành kính với vị cha già của dân tộc. Bạn còn có thể xem lễ treo cờ, hạ cờ tại khu vực quảng trường vào 6h sáng và 21h hàng ngày, thấy được sự tôn nghiêm và việc bảo vệ quy củ ở nơi tưởng niệm Bác.
Lăng Chủ tịch - Ảnh: Nguyễn Xuân Tư
- Các cây cầu nổi tiếng: Hà Nội có cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử hào hùng, cầu Nhật Tân mới khánh thành là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam.
Cầu Long Biên - Ảnh: zingvn
- Công viên nước hồ Tây: Cứ tới mùa hè, nơi đây lại nhộn nhịp bởi hàng trăm người xếp hàng vào công viên nước, chơi các trò mạo hiểm, giải nhiệt sau cả tuần làm việc căng thẳng. Đi công viên nước, bạn có thể kết hợp đi ngắm hồ Tây, chơi chợ hoa Quảng Bá hay ngắm sen nở thơm cả một vùng vào những ngày tháng 5 tháng 6.
Công viên nước hồ Tây - Ảnh: Vuonghome
- Bãi đá sông Hồng: Khu vực sông Hồng này khá an toàn, đã được quy hoạch thành nơi vui chơi, chụp hình của các bạn trẻ và nhiều bộ ảnh cưới đã ra đời từ đây.
- Xem múa rối nước: một loại hình dân gian nghệ thuật nổi tiếng lâu đời nay vẫn được diễn thường xuyên tại Nhà hát múa rối nước Hà Nội.
Nhà hát múa rối nước - Ảnh: thanglongwaterpuppet
Khu vực ngoại thành
- Chùa Hương: Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, chùa Hương là một quần thể văn hóa – tôn giáo gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, các ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp... Từ lâu, di tích này đã trở thành một địa điểm du lịch quan trọng, đặc biệt với lễ hội Chùa Hương được tổ chức vào mỗi mùa xuân.
Bến Đục chùa Hương - Ảnh: Sưu Tầm
- Vườn quốc gia Ba Vì: Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 50km về phía Tây, với khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, Vườn Quốc Gia Ba Vì trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Đến Vườn Quốc Gia, bạn sẽ được đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được trở về với truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh linh thiêng mà đậm chất thơ. Nơi đây có cả mùa hoa dã quỳ vàng rực vào đầu đông.
Mây vờn núi ở vườn quốc gia - Ảnh: vncreatures
- Làng cổ Đường Lâm: Cũng cách trung tâm Hà Nội 50km, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là một điểm nhấn trong ngành du lịch của Hà Nội.
Làng cổ Đường Lâm - Ảnh: Sưu Tầm
- Tự tay làm gốm Bát Tràng: Vốn là một làng nghề từ xa xưa, ngày nay, đến với Bát Tràng ngoài sự tìm hiểu về 1 làng nghề truyền thống bạn cũng sẽ được tham gia chơi các trò chơi về Gốm, mua sắm đồ gốm, và thăm quan khu chợ bán buôn bán lẻ ở trong làng, đặc biệt tự tay làm đồ gốm mang về.
Một góc gian hàng gốm Bát Tràng - Ảnh: Sưu Tầm
CÁC ĐẶC SẢN VÀ ĐỊA ĐIỂM ĂN UỐNG NỔI BẬT Ở HÀ NỘI
Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, tại Hà Nội có thể tìm thấy và thưởng thức những món ăn của nhiều vùng đất khác, nhưng ẩm thực Hà Nội cũng có những nét riêng biệt.
- Cốm làng Vòng: làm từ giống nếp vàng gặt khi còn non, gói trong những tàu lá sen màu ngọc thạch và được những người bán hàng rao bán ngay từ sáng sớm. Tuy phổ biến nhất là cốm tươi, nhưng món ăn này còn được chế biến thành món chả cốm.
Cốm Hà Nội - Ảnh: Sưu Tầm
- Bánh cuốn Thanh Trì: Món bánh cuốn Thanh Trì được ăn cùng với loại nước mắm pha theo công thức đặc biệt của người Thanh Trì, đậu phụ rán nóng, chả quế dậy mùi thơm sẽ đánh thức dạ dày của bạn bất cứ lúc nào.
Bánh cuốn Thanh Trì - Ảnh: sukienhomnay
- Chả cá Lã Vọng: Chả được làm từ thịt cá lăng thái mỏng ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm rồi kẹp vào cặp tre nướng trên lò than ngay trên bàn ăn của thực khách. Chả cá Lã Vọng phải ăn nóng, kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ, chấm với mắm tôm.
Chả cá Lã Vọng - Ảnh: Sưu Tầm
- Phở là món ăn rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng phở Hà Nội có những cách chế biến đặc trưng riêng. Phở Hà Nội mang vị ngọt của xương bò, thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà không dai, màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Cùng với thời gian, nhiều món phở mới xuất hiện với những cách chế biến khác nhau, như phở xào, phở rán… nhưng bát phở nước vẫn là món ăn được khách nước ngoài nhớ nhất khi đến Hà Nội.
Phở Hà Nội - Ảnh: diendan
Ở Hà Nội còn có nhiều món ăn đặc trưng khác như phở cuốn, bún thang, bún chả, bún nem, bún bung, bún mọc, đậu phụ Mơ, bánh tôm Hồ Tây, bún ốc, tào phớ An Phú, nem chua làng Vẽ, nem Phùng, giò chả Ước Lễ… cùng vô số các món ăn vặt khác. Hãy xem clip dưới đây để biết thêm chi tiết, chắc bạn sẽ phải nuốt nước miếng ừng ực mà lên kế hoạch tới Hà Nội trong tương lai gần mất.
Phở cuốn Hà Nội - Ảnh: Sưu Tầm
MUA GÌ VỀ LÀM QUÀ HÀ NỘI BÂY GIỜ?
- Ô mai Hàng Đường: Thiên đường của các loại ô mai, mứt kẹo. Nơi này ngày Tết còn nhộn nhịp gấp nhiều lần bởi sự phong phú và tiếng tăm lâu đời của các nhà làm ô mai truyền thống.
Ô mai Hàng Đường - Ảnh: wikimedia
- Bánh cốm Hàng Than: một biến tấu khác của cốm, đó là bánh cốm. Chiếc bánh xanh thơm mùi cốm với nhân đậu vàng ruộm và dừa nạo sẽ khiến bạn mê mẩn từ miếng đầu tiên.
Bánh cốm - Ảnh: amthuc365
- Trà sen chính hiệu hồ Tây: có giá khá cao, song nếu trót yêu hương trà sen trong một buổi trà chiều ở hồ Tây thì chắc chắn bạn sẽ phải rút hầu bao ra để mang trà sen về làm quà.
Trà sen - Ảnh: traviet
- Sấu: Các loại đồ ăn, đồ uống như sấu dầm, nước sấu, ô mai sấu, mứt sấu… đều hấp dẫn, và cũng đặc biệt nơi này mới có sấu thôi. Tuy nhiên, để dễ vận chuyển thì ô mai, mứt hoặc sấu tươi luôn là lựa chọn hàng đầu để mua làm quà.
Ô mai sấu - Ảnh: sotaynauan
Hà Nội – trái tim của Việt Nam vẫn luôn thay đổi từng ngày, hướng về một tương lai tốt đẹp hơn, văn minh, giàu đẹp hơn để xứng đáng là thủ đô của đất nước. Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với những ai đã, đang và có ý định tới thăm quan, khám phá những nét riêng của Hà Nội đầy thơ mộng, trữ tình.