Cận cảnh các tuyến metro ở Malaysia

Với nạn kẹt xe nghiêm trọng xảy ra vào giờ cao điểm, các tuyến metro ở Malaysia trở thành phương tiện công cộng hiệu quả cho việc đi lại đối với người dân.

Với nạn kẹt xe nghiêm trọng xảy ra vào giờ cao điểm mỗi ngày, tuyến tàu metro ở Kuala Lumpur trở thành phương tiện công cộng hiệu quả cho việc đi lại đối với người dân xứ này.

Trong khi hệ thống đường sắt nội đô tại Việt Nam còn đang xây dựng dở dang, thậm chí bị chậm tiến độ nhiều năm liền thì tại một số thành phố lớn của các nước cùng khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines… đã đưa vào phục vụ người dân từ nhiều năm nay.

Với hơn 7 triệu dân thủ đô cùng hàng triệu lượt du khách mỗi năm, Metro KL đáp ứng được nhu cầu của khoảng 1,6 triệu hành khách. Ước tính khoảng 35 triệu lượt khách sử dụng mỗi năm.

Mặc dù hạ tầng giao thông khá tốt và không cấm sử dụng xe máy, Kuala Lumpur vẫn bị rắc rối lớn vì tình trạng kẹt xe, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Việc áp thuế thấp cùng thương hiệu ôtô nội địa khiến cho xe hơi cá nhân tăng chóng mặt. Tàu điện nội đô trở thành một giải pháp hữu ích cho việc đi lại hàng ngày.

Có 3 tuyến đường sắt nội đô chính ở Kuala Lumpur bao gồm LRT (Light Rail Transit); là loại hình tàu điện với 2 tuyến chính là LRT Kelana Jaya và LRT Ampang Line. KL Monorail là loại hình tàu điện trên cao một đường ray khá phổ biến ở Malaysia, với quãng đường 8,6 km, chạy qua 11 trạm. Tuyến còn lại là KTM Komuter, loại hình tàu hỏa, hoạt động với 2 tuyến chính là Tanjung Malim – Sungai Gadut và Batu Caves – Pelabuhan Klang, kết nối các thị trấn ngoại ô thành phố.

Hệ thống Metro Kuala Lumpur được đầu tư xây dựng sớm hơn Việt Nam hơn 20 năm (từ năm 1995).

Giống như các nước trên thế giới, Metro tại KL cũng sử dụng hệ thống kiểm soát vé tự động bằng các cửa điện tử. Hành khách mua vé lẻ hoặc vé tháng sẽ sử dụng thẻ từ hoặc chip để quẹt qua cửa ra vào. Chỉ với số tiền tương đương 5.000 VNĐ hành khách có thể đi chặng ngắn và hơn 10.000 VNĐ cho chặng dài qua nhiều ga. Người dùng vé tháng còn kinh tế hơn rất nhiều.

Các nhà ga sử dụng thang cuốn tự động, bên cạnh có các cầu thang bộ, thang máy hỗ trợ trẻ em, người già, người khuyết tật và khách du lịch mang nhiều hành lý cồng kềnh.

Các tuyến tàu, bao gồm cả LRT và MRT thường bắt đầu chạy từ 6h sáng đến 0h hôm sau. Ngoài tuyến Monorail chạy đều đặn 5 phút/chuyến, các tuyến còn lại có thời gian chờ đợi khá chênh lệch từ 1,5 phút cho tới 10 phút tuỳ vào các khung giờ trong ngày.

Hạ tầng các nhà ga không khác nhiều so với Metro đang xây dựng tại Hà Nội với khung mái lớn, sảnh chờ rộng rãi, không có vách ngăn an toàn ở các ga nổi (chỉ có vách ngăn an toàn lên tàu ở các ga ngầm), ghế chờ cho hành khách…

Mỗi đoàn tàu ở tuyến metro tự động có 64 chỗ ngồi ghế và một khoảng trống có thể chở được 350 hành khách khác vào giờ cao điểm.

Toa xe của hệ thống tầu điện ngầm đều được thiết kế có điều hòa nhiệt độ, vỏ toa được làm bằng aluminium và trang bị các mô-tơ điện cảm ứng hai chiều, giảm được độ ồn tới mức tối thiểu. Camera giám sát được lắp đặt khắp các nhà ga và trên từng toa tàu.

Tốc độ chạy tàu trung bình vào khoảng 38 km/h, do độ dốc dọc mạng metro là không đáng kể, tối đa chỉ 5% (1-in-20) nên tàu vận hành khá êm ái, thậm chí có thể ru ngủ được hành khách ngồi trên toa.

Hàng rào an toàn của hệ thống khá kiên cố với tường thép cao 3 m kết hợp dây thép gai phủ kín bên trên. Mỗi sân ga đều có các nút báo hiệu cấp cứu, điện thoại hai chiều phục vụ hành khách kết nối với trạm kiểm soát trung tâm.

Các cột trụ của hệ thống đường sắt trên cao chạy bên trong thành phố được thiết kế nhỏ gọn, vững chắc. 3 hệ thống tàu điện tại KL có hơn 100 nhà ga, điểm dừng thuận tiện cho hành khách. Một số ga còn xây dựng riêng lối đi tắt dành cho học sinh sinh viên các trường nằm sát nhà ga.

Không chỉ thuận tiện đi lại trong thành phố, Metro KL còn kết nối với sân bay quốc tế, đưa khách du lịch sang các bang lân cận và thậm chí còn có tuyến chạy thẳng tới Singapore.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social