Căn nhà cổ ở Sa Đéc, Đồng Tháp là nơi diễn ra một câu chuyện tình đi vào tiểu thuyết “Người tình” nổi tiếng trên toàn thế giới.
Căn phòng cho khách thuê nghỉ lại trong nhà cổ ‘Người tình’
Nằm bên bờ sông Tiền, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ngày nay tọa lạc tại địa chỉ số 255A đường Nguyễn Huệ, ngay sát chợ trung tâm Sa Đéc. Ngoài giá trị về kiến trúc và lịch sử, ngôi nhà còn nổi tiếng bởi liên quan đến cuộc tình buồn của cô gái Pháp Marguerite Duras và chàng công tử người Việt gốc Hoa, Huỳnh Thủy Lê, vào những năm đầu thế kỷ XX. Sau đó, bà Marguerite Duras đã đem câu chuyện của mình viết nên cuốn tiểu thuyết L’Amant, tiếng Việt là Người tình. Tác phẩm được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới, và được chuyển thể thành phim cùng tên với diễn xuất của tài tử Hong Kong, Lương Gia Huy.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1895 với kiến trúc ban đầu là một ngôi nhà gỗ ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ. Đến đợt trùng tu năm 1917, nhà Huỳnh Thủy Lê được xây dựng lại với sự kết hợp hài hòa kiến trúc của 2 nền văn hóa Đông – Tây, cụ thể là ba phong cách kiến trúc Việt – Pháp – Hoa. Hình dáng là biệt thự kiểu Pháp, mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, cổng vòm là kiến trúc La Mã cùng hệ thống cột có hoa văn và phù điêu hoa lá.
Nội thất căn nhà cổ mang đậm màu sắc Trung Hoa với cánh cửa, cột nhà, bàn thờ… sơn son thếp vàng, chạm trổ loan phượng rất sắc sảo và tinh tế. Chính giữa là ban thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc.
Ở cửa chính có một khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại, thường được sử dụng với mục đích nghỉ trưa, gia chủ không muốn đóng cửa chính, chỉ cần kéo khung cửa này là người ngoài sẽ không làm phiền.
Ảnh gia đình ông Huỳnh Thủy Lê – chủ nhân cũng là nhân vật chính của ngôi nhà “Người tình” Sa Đéc – được treo khung kính trang trọng hai bên hông nhà.
Hướng dẫn viên kiêm thuyết minh tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, đang kể về lịch sử, xuất xứ cũng như ý nghĩa của câu chuyện tình Việt – Pháp. Trên tường là những tấm ảnh về nữ nhà văn Marguerite Duras cùng những hình ảnh bối cảnh bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết.
Dấu ấn thời gian luôn hiện hữu ở bất kỳ góc nhỏ nào trong căn nhà hơn 100 năm tuổi, nhuốm màu hoài cổ và lãng mạn.
Góc gian sau của ngôi nhà là nơi có chiếc giường cổ cũng được sơn son thếp vàng. Hàng năm nhà Huỳnh Thủy Lê đón hàng chục nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan, đặc biệt cộng đồng Pháp ngữ chiếm số lượng rất lớn.
Một gian phòng của ngôi nhà đã được sử dụng phục vụ du khách có ý muốn nghỉ lại. Không gian này giúp du khách có cơ hội lắng nghe thời gian, tưởng tượng không gian về một câu chuyện tình cũ nổi tiếng thế giới. Đặc biệt căn phòng này từng đón con trai Jean Mascolo của bà Marguerite Duras (bà đã kết hôn với người chồng khác sau khi trở về cố hương), và tìm hiểu những bí ẩn trong căn nhà của Huỳnh Thủy Lê – người tình của mẹ ông. Trên trang đặt phòng trực tuyến quốc tế, giá một đêm ở đây là 22 USD.
Mai vàng nở trước sân ngôi nhà “Người tình”, biểu tượng của thành phố Sa Đéc. Đầu năm nếu có dịp du xuân phương Nam, bạn hãy nhớ đến thăm Sa Đéc, thăm ngôi nhà cổ gắn liền với thiên tình sử nổi tiếng thế giới này nhé.