Công viên sinh thái đầm lầy Mataian là nơi sinh sống lâu đời của người Ami, bộ tộc lớn nhất trong 16 bộ tộc chính thức được công nhận tại Đài Loan.
Du lịch Đài Loan tham quan đầm lầy Mataian nổi tiếng của thổ dân Ami
Công viên sinh thái đầm lầy Mataian rộng 12 ha nằm ở chân núi Masi thuộc thị trấn Guangfu của huyện Hoa Liên, Đài Loan.
Cái tên “Mataian” bắt nguồn từ cái tên “Vataan”, có nghĩa là “đậu triều” trong ngôn ngữ Ami. Do trong quá khứ, nơi đây có nhiều đậu triều, nên người Ami gọi khu vực này là “Vataan”. Người Ami thường mang theo hạt đậu triều và trồng chúng ở bất cứ nơi nào họ đến, bởi họ tin rằng nó mang lại may mắn.
Trong công viên có các suối nước bắt nguồn từ đỉnh núi Masi. Đỉnh núi là nơi hội tụ các mạch nước ngầm, hình thành con sông Fudeng vắt dọc từ hướng nam qua Mataian, là nguồn dinh dưỡng chính nuôi sống cả công viên.
Sự thay đổi về dòng chảy, độ sâu của nước sông cũng tạo nên hệ sinh thái hết sức phong phú cho công viên Mataian với gần 100 loại cây nước. Mức độ đa dạng của các loài chim, ếch, côn trùng và động vật nước cũng rất đáng kể.
Tại bất cứ rãnh thoát nước nào của công viên sinh thái đầm lầy Mataian, bạn có thể tìm thấy dấu tích của cá, tôm, vỏ sò và vỏ ốc xoắn. Có thể nói sự sống tràn ngập khắp nơi ở đây.
Ngày nay, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân bản địa, khu sinh thái đầm lầy này đã trở thành một địa danh du lịch lý tưởng thu hút nhiều khách du lịch Đài Loan khi đến Hoa Liên.
Thời điểm tốt nhất đến tham quan Công viên sinh thái đầm lầy Mataian là từ tháng 5 đến tháng 8, mùa sen nở. Hầu hết du khách đều tới đây để ngắm hoa sen.
Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm phương pháp đánh cá sinh thái Palakaw độc đáo của bộ tộc Ami.
Cùng với cách đánh, bắt cá thông minh, người Ami đã sáng chế ra một cách nấu ăn bằng những viên đá được nung nóng. Khi các viên đá được nung nóng thả vào nồi nước có rau quả và cá, bạn sẽ được một nồi súp nóng bốc hơi.
Ngoài ra, du khách còn được nếm nhiều loại thảo mộc hoang dã, độc đáo, ngon miệng, bao gồm đậu triều, cần tây nước, lá trầu, gạo gesian… Thông qua các phương pháp nấu nướng khéo léo của phụ nữ Ami, mỗi loại thảo mộc hoang dã này được biến đổi thành những món ăn độc đáo và ngon miệng.