Du lịch Quy Nhơn 3 ngày: 90 phút để tới ‘thiên đường’

Du lịch Quy Nhơn nổi tiếng với những bãi cát dài và làn nước biển trong xanh như bãi Dài, bãi Xếp, Hòn Khô, bãi Kỳ Co...

Quy Nhơn khiến bất cứ ai đến một lần cũng muốn trở lại, bởi bãi biển xanh ngắt, dải san hô đẹp không kém Cù Lao Chàm và cây cầu vượt sông Thị Nại mê hoặc trong ánh đèn về đêm.

Thành phố Quy Nhơn nổi tiếng với những bãi cát dài và làn nước biển trong xanh như bãi Dài, bãi Xếp, Hòn Khô, bãi Kỳ Co… Kỳ nghỉ kéo dài 3-4 ngày là thời gian đủ cho bạn khám phá những địa danh nổi bật nhất của vùng đất này.

Phương tiện di chuyển

Có nhiều cách để đi từ Hà Nội (hoặc TP.HCM) tới Quy Nhơn: xe ôtô giường nằm, tàu hỏa hoặc đường hàng không. Nhưng với hành trình chỉ kéo dài 3 ngày, bạn nên lựa chọn đi máy bay để tiết kiệm thời gian. Mỗi chuyến bay chỉ kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, máy bay hạ cánh tại sân bay Phù Cát (cách trung tâm thành phố 30 km).

Đến du lịch Quy Nhơn, bạn có thể thuê xe máy để di chuyển với giá khoảng 150.000 đồng một ngày, hoặc di chuyển bằng taxi vì khoảng cách giữa một số điểm du lịch không quá xa nhau.

Lịch trình

Ngày 1: Sân bay Phù Cát – Suối khoáng nóng Hội Vân – Bảo tàng Quang Trung – Khu du lịch Hầm Hô

Hội Vân là suối khoáng nóng có giá trị đối với việc điều dưỡng chữa các bệnh như: thấp khớp, tim mạch, các bệnh ngoài da… Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch Bình Định.

Sau thời gian dài cho các thủ tục bay, ngâm mình trong suối khoáng nóng là lựa chọn lý tưởng cho mọi du khách. Suối khoáng nóng Hội Vân (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 48 km, có mạch nước nóng tự nhiên với nhiệt độ khoảng 70-80 độ C. Tương truyền, đây là suối nước thần tiên ban tặng cho công nương hoàng tộc Chăm Pa để chữa bệnh, nên còn được gọi là suối Tiên.

Bảo tàng Quang Trung (cách suối khoáng nóng Hội Vân chỉ 3 km), là nơi lưu giữ hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung. Đến đây, bạn được tham quan hiện vật và thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo về võ Tây Sơn và trống trận Quang Trung, ca múa nhạc dân tộc…

Ngược quốc lộ 19, đi thêm khoảng 6 km, bạn sẽ đặt chân tới khu du lịch Hầm Hô. Tại đây, có nhiều dịch vụ cho khách du lịch: chèo thuyền trên sông Kút, tắm suối, câu cá, đốt lửa trại… Buổi tối, bạn nên nghỉ lại khách sạn trong khu du lịch và thưởng thức một số món ăn dân dã.

Ngày 2: Tháp Bánh Ít – Hòn Khô – Đầm Thị Nại – Cầu Thị Nại – Surf Bar

Tháp Bánh Ít là khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất của Vương quốc Chăm pa trên mảnh đất Bình Định. Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch Bình Định.

Nhắc đến Bình Định hay Quy Nhơn là nhắc tới văn hóa đền tháp Chăm Pa, mà tháp Bánh Ít nổi tiếng hơn cả. Bạn nên dành thời gian tham quan và tìm hiểu về văn hóa Chăm Pa đến giữa buổi sáng, sau đó di chuyển đến xã Nhơn Hải rồi thuê thuyền ra Hòn Khô.

Hòn Khô là một trong số ít ỏi các bãi tắm đẹp nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc. Biển Hòn Khô có làn nước trong xanh, rất sạch và du lịch không quá đông đúc. Dải san hô ở đây đa dạng, đẹp không kém so với san hô ở Cù Lao Chàm, bạn nên thuê kính lặn và chìm đắm trong không gian “thủy cung” đầy màu sắc.

Đầm Thị Nại (chấm đỏ) và cầu Thị Nại (chấm xám) ở Quy Nhơn.

Khoảng 15h, bạn rời Hòn Khô để đến đầm Thị Nại, nằm gần TP. Quy Nhơn về phía đông bắc. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú. Vào cuối chiều, từng đàn chim bay về tạo nên cảnh sắc thiên nhiên độc đáo khó quên.

Buổi tối nhẹ nhàng bắt đầu bằng việc lái xe trên cầu Thị Nại để cảm nhận vẻ đẹp yên bình của thành phố. Cây cầu có tổng chiều dài gần 2.500 m, là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, cũng là niềm tự hào của người dân đất võ.

Surf Bar sẽ là nơi dừng chân, cho bạn cảm nhận rõ nét nhất về nếp sống của người dân Quy Nhơn. Sự yên bình, lối sống chậm mà vui tươi thể hiện rõ nét trong một quán bar nhẹ nhàng ngay cạnh bờ biển. Vừa thưởng thức bia, nhâm nhi cùng mực nướng, vừa hàn huyên câu chuyện sau một ngày dài, bạn sẽ cảm giác Quy Nhơn giống như quê hương, gia đình.

Lưu ý: Bạn nên đặt phòng khách sạn tại trung tâm thành phố Quy Nhơn hoặc xã Nhơn Lý vào đêm ngày thứ hai để tiện di chuyển cho ngày hôm sau.

Ngày 3: Eo Gió – Biển Kỳ Co

Eo Gió thuộc thôn Lý Hương, xã đảo Nhơn Lý, là một eo biển xanh, hút gió, có rặng núi đá cao uốn hình vòng cung sâu hút hồn. Ảnh: Jery Võ.

Từ lâu, Eo Gió được du khách phong tặng là “nơi đón hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam”. Sau những giây phút mãn nhãn với bình minh Eo Gió, bạn đợi tàu để di chuyển ra bãi Kỳ Co, nơi được mệnh danh là đảo Jeju của Việt Nam, bởi bờ biển đẹp, quyến rũ, yên bình.

Nếu đi theo nhóm, bạn có thể đem theo đồ ăn, lều và cắm trại qua đêm, gối đầu lên cát, nghe sóng biển rì rào coi như lời tạm biệt với miền đất biển thân thương.

Ẩm thực

Nem chợ Huyện có thể ăn với rau thơm, cuốn với bánh tráng hoặc chấm nước mắm pha loãng với đậu phộng giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt. Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch Bình Định.

Quy Nhơn có thể làm hài lòng những tín đồ ẩm thực khó tính nhất, chỉ cần bạn có trong tay 200.000 đồng. Ngoài các món hải sản phổ biến, Quy Nhơn có nhiều đặc sản khác lạ vừa để thưởng thức tại chỗ, vừa có thể mua về làm quà.

Nhắc đến miền đất võ Tây Sơn, không thể không nói tới bánh ít lá gai. Vỏ bánh làm từ bột nếp tươi quết nhuyễn với lá gai và đường cát, nhân bánh là hỗn hợp đậu xanh với cơm dừa. Khi ăn, bánh dẻo nhưng không dính răng, thơm lừng bởi nếp, vị béo của dầu và bùi bởi đậu.

Ngoài ra, bạn có thể tìm và thưởng thức các món: nem Chợ Huyện (vùng tháp Bánh Ít), bún Song Thằn (vùng An Nhơn), bánh tráng nước dừa, bún chả cá Quy Nhơn hay bánh hỏi lòng heo, bánh xèo tôm nhảy,…

Đến du lịch Quy Nhơn, nếu bạn muốn mua đặc sản làm quà, không có gì tuyệt vời và thích hợp hơn mắm nhum Mỹ An, rượu Bàu Đá hay bánh ít lá gai.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social