Ghé thăm Công viên địa chất toàn cầu Non Nước ở Cao Bằng

Với lợi thế về cảnh quan và văn hoá, lịch sử, công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng có 3 tuyến tham quan chính với những trải nghiệm riêng.

Vào ngày 12/4, UNESCO thông qua nghị quyết để chính thức công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu. Với lợi thế về cảnh quan và văn hoá, lịch sử, công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng có nhiều tuyến tham quan với những trải nghiệm độc đáo riêng.

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế như hang Pác Bó, suối Lê Nin, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít. Ngoài ra còn nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cùng hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác. Dưới đây là một trong những di sản nổi bật nằm trong quần thể công viên địa chất toàn cầu.

THÁC BẢN GIỐC

Thác Bản Giốc ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, được mệnh danh là thác lớn và đẹp thứ tư thế giới, trong số các thác nước ở biên giới giữa các quốc gia. Cảnh quan quanh thác là địa hình karst dạng cụm đỉnh – lũng trên bề mặt san bằng 400-600m với thảm phủ thực vật dày. Thác Bản Giốc được chia thành 2 nhánh. Nhánh lớn với độ cao thấp, chảy qua từng bậc đá vôi thấp. Nhánh còn lại nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, chảy hiền hòa giống như mái tóc của thiếu nữ.

Cao Bằng lúc nào cũng vậy, sự dữ dội, hùng vĩ luôn đan xen với nét thơ mộng, hiền hòa. Đối với những người ưa mạo hiểm, thích ngắm nhìn những cảnh hùng vĩ, oai hùng của thiên nhiên thì mùa mưa, mùa nước đổ tại thác Bản Giốc là một trải nghiệm nên có trong cuộc đời. Theo nhiều người, khoảng thời gian đẹp nhất để đến Cao Bằng là tháng 9 đến tháng 12, khi thác Bản Giốc đầy nước trong xanh. Đầu tháng 12 còn là thời điểm hoa tam giác mạch, hoa dã quỳ nở khắp núi rừng

VƯỜN QUỐC GIA PHIA OẮC – PHIA ĐÉN

Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, thung lũng nhỏ hẹp, độ dốc lớn hơn 38om, nhiều nơi dốc đứng. Có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m đến gần 2.000m so với mực nước biển, như Phia Oắc cao 1.935m, là đỉnh núi cao thứ hai ở Cao Bằng, Phia Đén cao 1.391m.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, dãy núi này đã lọt vào “mắt xanh” của người Pháp. Họ đã chọn Phia Oắc – Phia Đén làm nơi nghỉ mát, hưởng thụ các tài nguyên khí hậu và tài nguyên sinh vật độc đáo. Nơi đây hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp.

KHU BẢO TỒN LOÀI SINH VẬT CẢNH VƯỢN CAO VÍT TRÙNG KHÁNH

Theo ông Lã Quang Trung, đại diện Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Vượn Cao Vít là một trong những loài linh trưởng hiếm nhất và cực kỳ nguy cấp trên thế giới. Loài nằm trong danh sách của 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và đứng thứ 9 khu vực châu Á, và là một trong 5 loài nguy cấp tại Việt Nam. Vượn Cao Vít được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1884 và năm 1965 thu được 3 tiêu bản ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ đó cho đến năm 2000, loài vượn này được coi là tuyệt chủng do không có bất cứ ghi nhận nào về sự tồn tại của loài.

Mãi đến năm 2002, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể với khoảng 26 cá thể còn tồn tại trong khu rừng nhỏ, thuộc 2 xã Phong Nậm và Ngọc Khê thuộc huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) giáp biên giới Trung Quốc. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 2536 ngày 15/11/2006 thành lập Khu Bảo tồn và sinh vật cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh, với diện tích gần 1.700ha trên phạm vi các xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và Phong Nậm của huyện Trùng Khánh. Vượn Cao Vít không đuôi, tay dài, con trưởng thành nặng khoảng 7-8kg. Con đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu; con cái trưởng thành lông vàng, có mảng lông đen và không có chỏm; con non lông màu vàng.

HỒ THANG HEN

Hồ Thang Hen được công nhận là danh thắng quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2001 của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, nói đến hồ Thang Hen thì cần nói đến cả quần thể hồ-hang-sông và hang ngầm ở khu vực này. Quần thể hồ Thang Hen đã ghi nhận đến nay gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông ngầm, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét. Tất cả đều nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (huyện Hòa An).

Tên của Hồ Thang Hen còn được hiểu là “đuôi ong”, bởi vì nếu đứng từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống bạn sẽ liên tưởng ngay đến hình dáng của đuôi con ong. Hồ có chiều rộng chừng từ 100m – 300m, chiều dài từ 500m – 1.000m tùy theo mực nước lên xuống vào mùa mưa hay mùa khô trong một năm.

HANG KỲ RẰNG

Hang Kỳ Rằng thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, cách hồ Thang Hen khoảng 1,5km về phía Tây Bắc, trong lòng núi Kỳ Rằng, cạnh hồ Kỳ Rằng. Đây là hang hóa thạch, cách cơ sở xâm thực địa phương khoảng 30m. Hang dài 417m, sâu khoảng 34m, rộng nhất 30m, hẹp nhất 0,7m, trần hang cao nhất 42m, thấp nhất 1m, thoải dần từ cửa vào đến cửa ra, chủ yếu gồm 2 phòng lớn ngăn cách nhau qua các cửa hẹp và dốc. Hang rất sạch, thoáng, hệ thống nhũ phát triển rất đồ sộ, đẹp và còn đang được bảo tồn tốt.

Không chỉ địa hình đẹp mà khí hậu trong hang cũng rất thuận tiện, nền hang tương đối khô ráo nên rất thuận lợi cho du khách đến tham quan và khám phá. So với các hang động được phát hiện, khám phá trước đây của Cao Bằng, hang Kỳ Rằng là tác phẩm điêu khắc kỳ diệu, độc đáo mà tạo hóa đã ban tặng cho con người nơi đây. Hang động này nằm trong lòng núi đá vôi cùng tên, được bao bọc bởi thảm thực vật phong phú.

KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT PÁC BÓ

Di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách TP. Cao Bằng 55km về phía Bắc. Pác Bó là di tích cách mạng nổi tiếng, trong đó hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (8/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tên Pác Bó còn có nghĩa đen là “miệng nguồn”.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Sau khi Bác mất năm 1969, để tỏ lòng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tháng 2 /1971, Nhà bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ngày 21/02/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social