Hành hương về chùa Bái Đính - Chốn thanh yên đất Ninh Bình

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất.

Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam và gần đây nhất là Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2014 - Vesak 2014 do Việt Nam đăng cai đã diễn ra tại chùa Bái Đính vào tháng 5/2014.

Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 hécta bao gồm 27 hécta khu chùa Bái Đính cổ, 80 hécta khu chùa Bái Đính mới, gồm các hạng mục như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa rộng lớn. - Ảnh: Toan Ho

Chùa Bái Đính là chùa lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. - Ảnh: Tung Vnat

Hàng năm vào các dịp Tết Nguyên Đán thường có các lễ hội được tổ chức ở chùa Bái Đính bắt đầu từ chiều ngày mùng 1 Tết, chính thức khai mạc vào ngày mùng 6 Tết và tiếp tục kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Thu hút hàng vạn du khách thập phương đến đây bái lễ hành hương ở vùng đất cố đô Hoa Lư.

Hàng vạn du khách hành hương đến bái lễ ở chùa Bái Đính hàng năm. - Ảnh: Khoi Tran Duc

Chùa Bái Đính được báo giới ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực Đông Nam Á như tượng Phật bằng đồng dát vàng nặng 100 tấn trong điện Pháp Chủ, tượng Phật Quan Âm bằng đồng nặng 90 tấn, tượng Phật Di Lặc bằng đồng nặng 100 tấn lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam nặng 36 tấn trong tháp chuông, khu chùa có hành lang tượng La Hán nhiều nhất và dài nhất Châu Á khoảng 500 tượng cao 2 mét kéo dài 3 Km,...

Điện thờ Phật Quan Thế Âm bằng đồng nặng 90 tấn. - Ảnh: Panorama

Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, nơi diễn ra các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, là nơi diễn ra lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Chùa Bái Đính cổ được phát hiện bởi đức thánh Nguyễn Minh Không, ông là người đã biến các hang động thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông

Chùa Bái Đính uy nghiêm cổ kính giữa mênh mông nước non và núi đá. - Ảnh: Khoi Tran Duc

Du khách hành hương đến chùa Bái Đính trong 1 ngày khó mà đi tham quan được hết các địa điểm trong quần thể chùa Bái Đính bởi sự rộng lớn ở đây, tuy nhiên du khách không nên bỏ qua khu Chùa Bái Đính cổ, chùa Bái Đính mới, khám phá Hang sáng - động tối, thắp hương ở Đền thờ thánh Nguyễn và Đền thờ thần Cao Sơn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nước xanh ngắt của Giếng ngọc.

Hang sáng thờ Phật và Thần. - Ảnh: Wikimedia

Tiếp đến du khách sẽ tham quan động Tối, động lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống. Các vị Tiên được thờ ở nhiều ngách trong động.

Những khối thạch nhũ trong hang tối. - Ảnh: Brianmca

Động Tối thờ bà Chúa Thượng Ngàn và các vị Tiên. - Ảnh: Brianmca

MỘT VÀI LƯU Ý KHI HÀNH HƯƠNG ĐẾN CHÙA BÁI ĐÍNH

Để có một chuyến hành hương bái lễ và tham quan chùa hoàn hảo, du khách nên chú ý một số điều dưới đây:

- Vào các ngày Tết Nguyên Đán thời tiết miền Bắc hay có mưa phùn bất chợt nên đến chùa Bái Đính vào dịp này bạn nên chuẩn bị theo dù che mưa

- Khách viếng thăm chù Bái Đính hầu như khá đông đúc quanh năm, nhất là vào các ngày cuối tuần và lễ tết, vì vậy bạn nên lưu ý giữ gìn tư trang và giày dép khi bỏ dép ở ngoài vì có thể bị thất lạc.

- Chùa Bái Đính có khuôn viên rất rộng và nhiều địa điểm tham quan để thuận tiện đi lại hoặc leo núi du khách không nên đi guốc, dép trơn mà nên đi giầy hoặc có thể mua dép lê có bán sẵn ở trước cổng chùa.

- Bạn nên mang theo nhiều tiền mệnh giá nhỏ để đặt lễ, góp công đức mà còn có nhiều dịch vụ hữu ích cần dùng đến. Nếu bạn không mang thì có thể đổi mệnh giá lớn thành mệnh giá nhỏ của những người chuyên thu đổi ở trước cửa chùa với phí đổi khoảng 20%.

- Đặc biệt nên mang theo hành lý gọn nhẹ để dễ dàng đi lại và tham quan được nhiều nơi.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐẸP CỦA QUẦN THỂ CHÙA BÁI ĐÍNH

Chùa Bái Đính hùng vĩ nhìn từ máy bay trước ngày khai mạc đại lễ Vesak. - Ảnh: Zdn

Chùa Bái Đính có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam. - Ảnh: Binh Phoenix

Hành lang nhiều tượng La Hán đạt kỷ lục dài nhất Châu Á khoảng 3 Km. - Ảnh: Panorama

Mỗi vị La Hán có biểu cảm và dáng ngồi khác nhau. - Ảnh: Marco

Chánh điện Tam Thế Phật. - Ảnh: Ngộ Dũng

Tháp chuông ở chùa Bái Đính có kiến trúc gồm 3 tầng mái, mỗi tầng mái có 8 mái nhỏ ghép lại, tổng cộng là 24 mái với 24 đầu đao uốn lượn cong vút lên, bên trong treo một quả chuông nặng 36 tấn được xác nhận kỷ lục: " Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam". Tiếng chuông của chùa Bái Đính vang xa đến đâu thể hiện sử phổ độ rộng khắp của Phật lên chúng sinh đến đó.

Tháp chuông với quả chuông nặng 36 tấn lớn nhất Việt Nam. - Ảnh: Khoi Tran Duc

Nếu du khách là Phật tử có lẽ sẽ rất muốn một lần đến đây trong cuộc đời. Chùa Bái Đính không chỉ là quần thể chùa rộng lớn mà còn là khu du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh thu hút rất đông lữ khách thập phương đến đây hành hương và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ chùa Bái Đính nhất là vào các dịp lễ hội.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social