Hội An có gì mà níu lòng du khách?

Nếu ai hỏi yêu gì nhất ở Hội An, phải thú nhận yêu nó nhất vào buổi sáng, khi phố Nguyễn Thái Học và Trần Phú thiếp ngủ, lúc bước chân du khách chưa bắt đầu

Nếu ai hỏi yêu gì nhất ở Hội An, phải thú nhận yêu nó nhất vào buổi sáng, khi hai con phố cổ Nguyễn Thái Học và Trần Phú thiếp ngủ, lúc bước chân du khách chưa bắt đầu, lúc vài tay máy lững thững săn ảnh phố trong một ngày mù sương lúc bình minh, lúc có thể thấy rêu non như vươn lên đón nắng sớm. Và trễ hơn một chút, lúc mặt trời ló dạng, lố nhố những người thức dậy đón xe rau từ Trà Quế vào.

Buổi sáng là một Hội An lành, lành như cái bánh ít nhân mặn – ngon thế mà bán trên phố có hai nghìn đồng, lành như bịch chè đậu ván có ba nghìn đồng mà từng được nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự đưa vào bài diễn văn nổi tiếng khi ông nhận Giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2013, coi như tinh túy của văn hóa Hội An. Lúc này ánh sáng đèn lồng đã tắt hết. Dòng sông tinh khôi chưa tấp nập những người bán đèn hoa đăng. Những gánh hàng rong giả chưa ra đường. Một Hội An không chút đổi thay lúc tinh sương – cái lối sống lành và sạch của người phố cổ vẫn giữ khi đã trải qua 17 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, mở cánh cửa đón du khách bốn phương.

Nếu ai hỏi thích nơi nào nhất ở Hội An, không thể giấu thích nhất phố cổ Nguyễn Thái Học. Đường Nguyễn Thái Học bắt đầu từ bên hông chợ Hội An, khởi đầu với nhà số 4 đang thành nơi trình diễn “Không gian Văn hóa Xứ Đàng Trong”. Tiếp theo là những cửa hàng lưu niệm, quán ăn, vài tiệm cà phê với món ăn và thức uống kiểu Ý.

Nếu chọn một con đường để đi, nhất định chọn đường Nguyễn Thái Học, với vài điểm dừng. Tại sao ở đây, số nhà 30, một người Hoa có thể không kinh doanh, chỉ trưng bày hàng nghìn món đồ gốm cổ có từ thời ông bà họ để lại, và ít cổ vật gốm trục vớt gần Cù Lao Chàm. Ngôi nhà rất đẹp, chỉ để làm có vậy. Ai thích lắm, hiểu lắm, thì dừng chân vào chơi. Chỉ cần ở giữa những món đồ cổ đó cũng đã như chạm vào một Hội An thời ở tâm điểm con đường mậu dịch trên biển.

Ở con đường này, các nghệ sĩ hay chọn để từ đó mọc lên một điểm dừng của cà phê đi chung với nghệ thuật. Số nhà 60, một họa sĩ Pháp, vốn lập gia đình với một đạo diễn phim Việt kiều khá nổi tiếng, ông hiểu nghệ thuật truyền thống của Hội An nên đã tạo ra một điểm bày mặt nạ tuồng. Chỗ khác là phòng tranh. Cà phê ở phố Nguyễn Thái Học cũng khác, thường là quán lớn, yên tĩnh. Nhà hàng cũng khác, thường bán món ăn Tây. Thợ may cũng khác, thường là của nhãn hiệu Hội An đã thành đạt gần 20 năm. Hàng rong né con đường này, kiểu như bán mua cái gì bé bé và ồn ào nó không hợp. Nhờ thế đường Nguyễn Thái Học không rầm rập như đường khác. Phố cổ Nguyễn Thái Học là biểu tượng thành công của “công nghệ” quản lý di sản kiến trúc – giữ các không gian kiến trúc cũ, giãn lượng người trong phố và tạo lợi nhuận tốt nhờ di sản.

Một tối, ra phố Nguyễn Thái Học, thấy anh chàng Ấn Độ tuần trước khai trương một cửa hàng bán khăn cashmere sang trọng nay cũng bắc cái ghế nhựa ra cửa ngồi chờ khách ghé thăm như bất cứ người Hội An nào. Quả thật phố cổ Hội An có sức mạnh ngầm. Nó đã “Hội An hóa” bao nhiêu người nước ngoài đến đây, dù là đầu bếp, nghệ sĩ hay doanh nhân, tất cả đều nhỏ bé lại để cho Hội An lớn lên, sâu sắc, như vốn có…



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social