Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nhắc đến Đường Lâm, du khách không khỏi liên tưởng đến cổng làng Mông Phụ đã bạc màu sương gió nhưng vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc một ngôi nhà hai mái đốc.
Đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684 là một một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc Bộ. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng.
Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống. Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván.
Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.
Giàn cây tơ hồng phủ kín một khoảng sân quê yên bình, thơ mộng.
Nghề làm tương ở Đường Lâm có từ thời xa xưa và mỗi nhà đều có một vài vại tương phơi ngoài sân.
Chất lượng tương của làng không hề thua kém tương làng Bần (Hưng Yên), Cự Đà (Thanh Oai, Hà Tây...). Người ta dùng tương làm nước chấm cho rau muống luộc, thịt trâu, thịt bò, dùng để kho cá. Còn có cả món cà dầm tương, củ cải ngâm tương,...
Những chiếc giếng cổ là một phần không thể thiếu trong văn hóa di sản của làng Đường Lâm. Giếng không phải kè thành mà miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.
Sau cánh cổng thô mục là cuộc sống bình dị, đơn sơ của các hộ gia đình.
Và những vòng quay xe đạp vẫn lăn đều trên con đường làng ở Đường Lâm.