Từng tự hào ngay cả Mỹ cũng không có hệ thống tàu điện ngầm như London, Will Martin đã phải thay đổi suy nghĩ này khi đến Hong Kong.
Khách Anh khen Hong Kong có tàu điện ngầm xịn hơn trời Tây
Will Martin, cây bút của Business Insider, cảm thấy khá tự hào với hệ thống tàu điện ngầm tại London (tàu điện ngầm có tên gọi tắt là MTR) khi xem bài viết của đồng nghiệp đến từ New York, Mỹ về MTR của thành phố sương mù. Hồi tháng 11 năm ngoái, Will đã tới New York và có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp như trễ giờ, tàu dừng vô cớ giữa đường hay nhìn thấy chất thải trên ga… Will cảm thấy hệ thống MTR tại New York cần học hỏi thêm từ London, song niềm tin này hoàn toàn thay đổi khi Will đến Hong Kong đầu năm 2018. Anh sử dụng MTR thường xuyên trong thời gian ở Hong Kong để thăm thú thành phố hay thậm chí đi xa hơn. Ảnh: Shutter.
Với Will, hệ thống MTR của Hong Kong giúp hành khách dễ dàng sử dụng và đem đến cảm giác dễ chịu nhất anh từng trải qua khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Dù sáng, trưa, tối, thậm chí vào giờ cao điểm hay sau đêm giao thừa, Will không bao giờ thấy một vết bẩn nhỏ trên tàu. Điều này khiến niềm tự hào về MTR London trong Will như tan biến.
MTR tại Hong Kong có hệ thống tay vịn cầu thang và thang máy tráng lớp kháng khuẩn đặc biệt để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Chính quyền Hong Kong đặc biệt lưu tâm đến vấn đề vệ sinh nơi công cộng từ khi dịch SARS cướp đi sinh mạng của gần 200 người đầu những năm 2000.
Will cũng đánh giá cao thiết kế an toàn của hệ thống cửa tự động tại nhà ga, với thông tin rõ ràng để hành khách biết lên cửa nào.
An toàn là mối quan tâm lớn đối với ban quản lý hệ thống MTR tại Hong Kong. Họ dán biển báo hay những lời nhắc nhở ở khắp nơi, để cảnh báo hành khách luôn cẩn trọng. Will cho rằng tàu điện ngầm tại Mỹ cũng có những bảng hiệu cho hành khách, song không đủ và dễ gây nhầm lẫn.
Will cũng để ý đến những chi tiết nhỏ như các mũi tên chỉ dẫn hướng xếp hàng cho hành khách lên và xuống tàu. Anh cho rằng đội ngũ thiết kế đã rất tinh ý khi xếp mũi tên xanh ở chính giữa cho khách xuống tàu, và những mũi tên trắng hướng lên tàu cho khách đợi ở ga. Chỉ dẫn này sẽ hữu ích vào giờ cao điểm, để khách lên xuống nhịp nhàng mà không tốn thời gian.
Một điều đơn giản nữa thu hút sự chú ý của Will chính là những chấm đèn nhỏ đánh dấu vị trí các nhà ga. Đèn đỏ đánh dấu những nhà ga tàu sắp dừng, để tránh trường hợp khách không biết tàu đang đi theo hướng nào. Khi tàu dừng, đèn màu cam sẽ hiển thị những nơi bạn có thể đi đến từ nhà ga. Trong khi đó, đa phần bản đồ trên tàu điện ngầm tại các thành phố khác chỉ là bảng nhựa in chữ thông thường, hành khách phải tập trung lắng nghe loa phát thanh báo và kiểm tra lịch trình liên tục.
Nhờ hệ thống chỉ dẫn khoa học của MTR, Will chưa bao giờ đi lạc khi anh ở Hong Kong.
Nếu như những nhà ga tại London có lối đi dốc dành cho người khuyết tật, hệ thống tại Hong Kong lắp đặt thang máy riêng để họ có thể di chuyển từ trên phố xuống thẳng nhà ga, giúp họ xác định phương hướng nhanh chóng và dễ dàng hơn. 90% nhà ga của hệ thống MTR tại Hong Kong có ít nhất một lối đi dành cho người khuyết tật.
Will cho rằng hành khách đi MTR tại London thường gặp khó khăn khi phải tìm chỗ bám lúc đi tàu vào giờ cao điểm. Tại Hong Kong, anh không phải lo lắng điều này.
Dù chỉ đi hai chuyến mỗi ngày trong kỳ nghỉ 4 ngày tại Hong Kong, Will có thể tự tin nói rằng anh khá hiểu hệ thống MTR của thành phố này. Ấn tượng trong anh là “thân thiện, sạch sẽ, thiết kế thông minh và đúng giờ”. Will cho rằng đây là hình mẫu nhiều thành phố khác trên thế giới cần tham khảo khi xây dựng hay nâng cấp hệ thống MTR. “Hệ thống tàu điện ngầm London dù tốt nhưng cũng đã hơn 100 tuổi. Nó thật phức tạp, thường xuyên trong tình trạng bẩn thỉu và không còn phù hợp với cuộc sống ở thế kỷ 21. Tôi hy vọng dự án đầu tư mới vào hệ thống MTR tại thành phố sương mù sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hiện tại, nhưng cho tới lúc đó tôi vẫn thích đi MTR ở Hong Kong hơn”.