Được nhiều người biết đến là chợ phiên vùng cao lớn nhất ở Mai Châu, thu hút nhiều đồng bào các dân tộc xa gần về trao đổi, buôn bán, nhưng chợ phiên Pà Cò còn nức tiếng hơn bởi vẻ nguyên sơ, đậm chất dân dã.
Khám phá chợ phiên Pà Cò điểm đến hấp dẫn ít người biết ở Mai Châu
Chợ phiên Pà Cò cách thị trấn Mai Châu gần 40km về phía Bắc, nằm giữa trung tâm 3 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La). Chợ phiên Pà Cò chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, khi sương mù còn mịt mùng khắp rừng, khắp núi, bà con người H’Mông vùng cao Mai Châu đã hăm hở xuống chợ. Chợ phiên vùng cao nơi đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con vùng cao.
Chợ phiên Pà Cò mặc dù diễn ra mỗi tuần một lần, nhưng rộn rã và tấp nập như ngày hội, ngày chợ Tết dưới xuôi. Chợ bày bán đủ thứ, tới đây du khách sẽ bị “choáng ngợp” bởi hàng loạt các sản phẩm từ nông sản, vật nuôi, vải vóc, đồ thổ cẩm, nông cụ cho đến cả đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm…
Các gian hàng ở đây khá đơn giản, chỉ là cái bàn gỗ, ít dây hay thanh gỗ dài vắt ngang vắt dọc treo sản phẩm, thậm chí là mảnh vải ni lông trải giữa nền gạch nhưng khách mua vẫn cứ kéo tới nườm nượp, chật cứng vòng trong vòng ngoài. Tiếng người trả giá pha lẫn trong tiếng cười nói giòn tan, ồn ào khiến không gian chợ bừng lên sức sống mãnh liệt giữa núi rừng yên bình.
Chợ không biết được hình thành từ khi nào. Chỉ biết rằng, giống như bao chợ vùng cao khác, chợ Pà Cò là hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc miền núi. Đơn sơ mộc mạc nhưng đó là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn và thiên nhiên khắc nghiệt.
Tại đây, du khách có thể tùy ý lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm, hoa mắt với những sắc màu rực rỡ của váy áo các thiếu nữ dân tộc. Khách du lịch thường sẽ trầm trồ trước những món hàng được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc hài hòa và đẹp mắt.
Tại chợ phiên Pà Cò, du khách có thể tìm thấy bất kỳ vật dụng nào cần thiết cho cuộc sống của người dân tộc từ nông sản, cuốc, xẻng tới đồ thổ cẩm hay thậm chí là gia súc, vật nuôi, được phân chia khá rõ ràng thành các khu chợ nhỏ hơn để dễ tìm kiếm.
Nói là chợ phiên vùng cao nhưng trong đám đông người buôn bán là dân bản địa thì vẫn có người Kinh. Ở đây, người mua kẻ bán cũng có ít giao kèo ngã giá nên các cuộc mua bán đều diễn ra nhanh gọn và ai nấy đều hài lòng.
Trong xu hướng bị thương mại hóa các chợ vùng cao hiện nay thì chợ phiên Pà Cò là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa.