Là thành phố thủ phủ của đất tổ Phú Thọ, nằm cách Hà Nội khoảng 70 đến 90 km (tùy tuyến đường), Việt Trì, Phú Thọ là một trong những địa điểm tuyệt vời cho một chuyến du lịch vào cuối tuần từ Hà Nội.
Ghé thăm cội nguồn dân tộc - quần thể di tích Đền Hùng
Về với đất Tổ - Ảnh minh họa: Tuấn Phạm
Có thể nói, sẽ thật thiếu sót khi du lịch đến Việt Trì mà lại quên ghé thăm quần thể di tích đền Hùng – biểu tượng cội nguồn của dân tộc và đây cũng chính là câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi “Đến Việt Trì có gì chơi?” đấy! Quần thể di tích đền Hùng là một khu di tích lịch sử thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Ngoài là nơi thờ tự, ghi nhớ công ơn của các bậc Hùng Vương đã có công dựng nước, vùng đất linh thiêng này còn được xem là kinh đô, trung tâm của nước Văn Lang xưa kia – nơi các vua Hùng đã đóng đô, đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt trên dải đất hình chữ S này.
“Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” - Ảnh minh họa: sưu tầm
Quần thể di tích đền Hùng gồm 4 điểm tham quan chính nằm trên 3 ngọn núi khác nhau thuộc khu quần thể: Trung tâm của quần thể di tích là Núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, núi Hy Cương là nơi đặt đền thờ Vua Hùng và Bảo tàng Hùng Vương cùng với nhiều di tích quan trọng khác. Ngọn núi thứ hai của quần thể di tích đền Hùng là núi Trọc – nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Và ngọn núi thứ ba thuộc hệ thống “Tam sơn cấm địa” đó chính là núi Vặn với đền thờ “mẹ của dân Việt” Âu Cơ. Trong tất cả 3 ngọn núi của Quần thể di tích đền Hùng thì núi Nghĩa Lĩnh hay núi Hùng là địa điểm du khách không thể bỏ qua nhất mỗi khi muốn ghé về cội nguồn dân tộc.
Đền Lạc Long Quân trên núi Trọc - Ảnh: sưu tầm
Là trung tâm của Quần thể di tích đền Hùng, núi Hùng chính là tiêu điểm về những dấu ấn văn hóa, lịch sử của thời đại Văn Lang – Hùng Vương. Ngôi đền đầu tiên trên chuyến hành hương về miền đất tổ Nghĩa Lĩnh là Đền Hạ - nơi được tương truyền là nơi Quốc mẫu Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng – cội nguồn của dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ. Tiếp đến đền Hạ là đền Trung là nơi xưa kia được tương truyền là nơi các vua Hùng và các Lạc Hầu, Lạc Tướng họp bàn quốc sự. Ngôi đền cao nhất trong quần thể ba đền chính của núi Hùng là đền Thượng – nơi mà xưa kia hằng năm các vua Hùng thường đến để thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Đền Thượng - Ảnh: Khoi Tran Duc
Ngoài ba ngôi đền chính Thương – Trung – Hạ thì đến với núi Hùng, du khách cũng không nên bỏ qua đền Giếng – nơi có chiếc giếng mà theo tương truyền là nơi hằng ngày hai nàng công chúa của Hùng Vương thứ 18 đến để soi gương, chải tóc hay Lăng Hùng Vương theo tương truyền là lăng của Hùng Vương thứ 6. Bên cạnh các điểm đến kể trên thì đến với núi Hùng thì du khách cũng nên một lần ghé thăm Bảo tàng Hùng Vương – nơi trưng bày vô số những di vật là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa Việt thời kỳ Văn Lang – Hùng Vương.
Đền Giếng - Ảnh: sưu tầm
Khám phá khu du lịch Bạch Hạc - Bến Cát
Khu du lịch Bạch Hạc – Bến Cát (thuộc địa phận hai phường Bạch Hạc và Bến Gót của thành phố Việt Trì) là một khu du lịch sở hữu cho mình một vị trí khá đặc biệt – nằm tại Ngã Ba Hạc là nơi giao nhau của ba dòng sông lớn: sông Lô, sông Hồng, sông Đà. Không chỉ là nơi giao nhau của ba dòng sông lớn, Ngã ba Hạc từ xưa đã nổi tiếng là một vùng sông nước sơn thủy hữu tình, là nơi tích tụ linh khí của đất Việt thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc. Có lẽ vì vậy khu du lịch Bạch Hạc – Bến Cát đã sở hữu cho mình một vẻ đẹp làm say đắm lòng người với cảnh vật là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và những nét đặc sắc của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
Ngã ba Hạc – thiên nhiên hữu tình - Ảnh: sưu tầm
Một trong những điểm đến thú vị của du khách tại khu du lịch Bạch Hạt – Bến Cát đó chính là Hoa Long Thiền Tự. Theo truyền thuyết được lưu truyền thì nơi đấy chính là nơi tiên ông hiện ra giúp cha Lạc Long Quân đặt tên cho 100 người con nở ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Với vẻ đẹp thiên nhiên sông nước hữu tình cũng những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc mang đậm dấu ấn thời kỳ Hùng Vương, khu du lịch Bạch Hạc – Bến Cát sẽ là một địa điểm hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua trong danh sách “Việt Trì có gì chơi” trong dịp cuối tuần đấy nhé!
Hành trình khám phá món ngon Việt Trì
Bánh tai – đặc sản không thể bỏ lỡ mỗi khi ghé đất Tổ Việt Trì - Ảnh: sưu tầm
“Đến Việt Trì thì có gì chơi?”, nếu bạn hỏi tôi câu hỏi này thì bên cạnh những gợi ý về những điểm đến thú vị thì “Hãy khám phá đặc sản Việt Trì” cũng sẽ là một phần trong câu trả lời của tôi đấy! Tại sao? Bởi lẽ vùng đất Tổ Việt Trì sở hữu cho mình không ít những đặc sản khiến bất kỳ du khách nào ghé thăm cũng phải nếm thử một lần. Bạn hãy theo chân Lonely Việt Nam khám phá ngay bây giờ nhé!
Thịt chua Thanh Sơn, thức quà từ mảnh đất Tổ - Ảnh minh họa: sưu tầm
Đến Việt Trì thì món bánh tai sẽ là thức ngon đầu tiên mà du khách không nên bỏ lỡ sự dân dã của món bánh kết hợp với hương vị thơm béo đặc trưng của các nguyên liệu tạo nên món ăn độc đáo này. Bên cạnh bánh tai, thì thịt cầy Việt Trì nổi danh cũng sẽ là một đặc sản hấp dẫn mà du khách (đối với những ai ăn được) không nên bỏ quả mỗi khi ghé thăm miền đất Tổ. Cái hấp dẫn của thịt cầy Việt Trì đến từ sự mềm thơm, đậm vị và sáng màu của từng miếng thịt, miếng dồi và cả những dư vị khó phai từ món chân tẩm hấp vàng ngậy, thơm lừng. Ngoài ra, những đặc sản khác của vùng Phú Thọ như Bưởi Đoan Hùng, Rau sắn, Cọ ỏm hay Thịt chua Thanh Sơn cũng sẽ là những món ngon mà du khách không nên bỏ qua mỗi lần ghé thăm thành phố Việt Trì đất Tổ.
Trảy hội đền Hùng - Ảnh: sưu tầm
Vãng cảnh Đền Hùng - Phú Thọ
Việt Trì – vùng đất văn vật ngàn năm với vô số những dấu ấn lịch sử, văn hóa từ thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc – thực sự là một địa chỉ tuyệt vời cho mỗi chuyến du lịch ngắn ngày vào cuối tuần. Không chỉ sở hữu cho mình những giá trị văn hiến ngàn năm, Việt Trì còn làm say lòng du khách tứ phương bởi khung cảnh thiên nhiên hữu tình bên cạnh những món ngon đặc sản “mới nghe đã thấy thòm thèm”. Nào, hãy chuẩn bị ngay cho mình một chuyến đi cuối tuần đến đất Tổ Việt Trì ngay bây giờ thôi!