Bị chia sẻ một nửa bắc đảo thuộc về Phú Yên, một nửa nam đảo lại thuộc về Khánh Hòa, “bên nhún, bên nhường” làm cho Hòn Nưa như bị quên lãng. Nhưng có lẽ cũng nhờ thế, nơi đây lại mang vẻ đẹp vẫn còn hoang sơ dù cách bờ biển chỉ vài km. Đứng từ trên cung đèo Cả hùng vĩ nhìn ra, Hòn Nưa như chú khủng long nhỏ khoác lớp da xanh mướt đang ngoan ngoãn nằm ngủ hướng đầu về phía bắc.
Đó là một ngày hè trời xanh ngắt. Dừng xe ở chân cầu Đại Lãnh, chúng tôi bắt đầu hỏi thăm người dân để thuê thuyền ra đảo. Chiếc thuyền con rẽ sóng phăng phăng lướt tới, gió mát rượi lướt trên da thịt, thổi bạt những muộn phiền thường nhật lại sau lưng. Chỉ chừng 30 phút sau chúng tôi đặt chân lên đảo, một khung cảnh thanh bình tuyệt diệu hiện ra trước mắt. Một bờ cát dài trắng tinh mịn màng uốn lượn, làn nước xanh trong vắt soi tận đáy. Nối tiếp bờ cát chạy dài ra biển Đông là những ghềnh đá cao dần.
Leo lên một ghềnh đá cao, rồi một ghềnh cao nữa, chúng tôi ngơ ngẩn với cảnh tượng hiện ra trước mắt. Một hồ nước ngọt nằm sâu bên dưới vây quanh là ghềnh đá hùng vĩ. Mặt nước hồ phẳng lặng như gương phản chiếu mây trời đang lững lờ trôi, dòng nước lan tỏa tràn vào các khe đá. Thật tuyệt khi giữa biển khơi, trên một hòn đảo nhỏ vây quanh nước mặn lại có một chiếc hồ con.
Đứng trên ghềnh đá cao nhìn thẳng ra biển Đông, ghềnh đá lại thuôn nhọn như mũi con thuyền đang dong buồm thẳng tiến biển khơi, ảo mờ phía xa là cực Đông thiêng liêng của tổ quốc. Chúng tôi lại tiếp tục lang thang trên đảo và khám phá thêm một điều thú vị khác, đó chính là những “dấu chân người khổng lồ”. Qua hàng nghìn triệu năm nằm vỗ về cùng những con sóng bạc đầu, theo sự bào mòn của thời gian, những phiến đá đã biến đổi nên hình những dấu chân khổng lồ rải rác khắp nơi khiến cho chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào vùng đất của những người khổng lồ.
Ai cũng thử ướm chân mình vào dấu chân xưa cổ ngàn năm ấy để cho những câu chuyện cổ tích từ thơ bé như hóa thành sự thật. Cô bạn tôi bật cười thích thú khi liên tưởng đến cậu bé Thánh Gióng sinh ra khi người mẹ ướm dấu chân khổng lồ trên ruộng.
Trời chiều mát dịu, chúng tôi cùng nhào ra biển thỏa thuê lặn ngụp trong dòng nước mát. Hòn Nưa thật hào phóng khi bên cạnh bãi cát dài trắng mịn là một thế giới san hô muôn vạn sắc màu rực rỡ. Dưới cái nắng vàng của chiều hè, “vương quốc” san hô càng lung linh quyến rũ hơn cùng hàng chục loài cá. Những thảm san hô sừng nai đỏ quý hiếm xen lẫn san hô nhung hươu vàng óng, san hô hình não trắng lấm tấm nâu chen cùng những thảm san hô thân mềm. Những đàn cá ông tiên, các hoàng hậu, cá bò hỏa tiễn nối nhau uốn lượn. Tất cả cùng chung sống hòa bình làm nên một thế giới biển đa dạng quyến rũ.
Bơi lặn thỏa thuê, chúng tôi về lại bãi cát để hạ trại chuẩn bị cho một đêm trăng đầy thi vị.
Ngoài khơi xa, hoàng hôn tuôn đổ suối vàng trên mặt biển, một quầng đỏ thắm nhẹ buông mình chìm sâu nhường cho cho ánh lửa hồng bùng sáng. Những miếng mực nướng thơm phức từ những chú mực tươi rói mua ngày tại chân cầu Đại Lãnh làm cho ai cũng thấy cồn cào. Bữa ăn chúng tôi toàn “sơn hào hải vị” của vùng biển còn có ghẹ xanh, tôm tít, và cả nối cháo cá bò ngọt lịm…
Đêm dần về khuya, chúng tôi kéo nhau ra ghềnh đá cao ngồi ngắm biển. Cả một vùng biển mênh mông mơ màng trong ánh trăng vằng vặc, muôn tinh tú trên bầu trời đều sa xuống cả mà hóa thành những ngọn đèn đêm treo trên muôn chiếc thuyền đậu ngoài khơi xa. Gió vẫn lồng lộng mơn man da thịt, những câu hát sôi nổi một thời tuổi trẻ, tiếng đàn ghita thúc giục rộn ràng, những trái tim rạo rực tràn đầy sức sống, tất cả hòa quyện cùng nhau rồi theo gió vang xa.
Ra ghềnh đá cao ngồi ngắm biển, cả một vùng biển mênh mông mơ màng trong ánh trăng vằng vặc, muôn tinh tú trên bầu trời đều sa xuống cả mà hóa thành những ngọn đèn đêm treo trên muôn chiếc thuyền đậu ngoài khơi xa.
Sớm hôm sau, chúng tôi dậy sớm ngắm bình minh rồi nhanh chóng dọn trại để làm một chuyến “hải trình” khám phá đảo. Khác với khung cảnh quyến rũ say lòng của mặt nam đảo, mặt bắc lại là những vách đá cao dựng dứng từ sát mặt biển rồi chống lên chất ngất. Những vách đá khổng lồ với bề mặt chằng chịt vết cắt ngang dọc cho một cảm giác hết sức huyền bí và ma quái. Qua một mũi đá nhô ra biển, hiện ra trước mắt chúng tôi là hang đá sâu. Hàng vạn chim yến bay liệng kín miệng hang. Loài chim yến thường làm tổ trên các vách đá cheo leo hiểm trở hoặc trong các hang đá sâu nên địa hình nơi này rất phù hợp. Càng đi sâu về phía bắc những vách đá càng cao hơn, càng hùng vĩ hơn; có những vách đá cao dến hơn 80m từ mặt biển. Nếu những ai yêu thích chinh phục leo núi, trèo vách đá cao thì hẳn nơi đây là một chọn lựa rất phù hợp.
Khi chiếc thuyền con chạy sát, chúng tôi có cảm giác như chúng chỉ chực đổ ầm xuống để đe dọa những kẻ lạ mặt đột nhập. Những con sóng càng lúc càng mạnh, chúng tôi phải chạy ra xa để tránh thuyền vỡ nếu xô vào đá. Thuyền mở máy hết tốc lực hướng vào bờ, Hòn Nưa xa dần, song tôi vẫn cố ngoái nhìn để ghi lại những cảm xúc thật ngắn ngủi những đầy đủ các cung bậc thú vị tuyệt vời.
Khi đặt chân lên bờ, tôi đã tự nhủ với lòng, một ngày không xa tôi sẽ trở lại nơi này, để in vào dấu chân ngàn năm, để đắm mình trong nước mát và để nghe sóng đêm lao xao dưới trăng vàng và thấy lòng muôn trùng khoáng đạt.
Thông tin thêm:
+ Hành trình: Từ Nha Trang chạy xe máy ra Đại Lãnh khoảng 85km. Ngay chân cầu Đại Lãnh dưới chân đèo Cả, gửi xe máy và thuê thuyền ra Hòn Nưa. Tốt nhất là ở đêm cắm trại trên đảo. Trên đảo có hải đăng Hòn Nưa và trạm gác công ty yến sào Khánh Hòa (khu vực Phú Yên quản lý), du khách không cần phải xin phép. Cắm trại ngay bãi biển cạnh trạm gác yến sào.
+ Các điểm nên khám phá: bãi biển trước trạm gác, hải đăng Hòn Nưa, bãi đá khổng lồ có cột mốc phân chia ranh giới hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, hang dơi mặt sau của đảo. Pương tiện đi lại bằng thuyền. Thuê thuyền, gửi xe máy, liên hệ anh Hiệp: 01658244450. Giá thuê: 400.000đ cho 4 - 7 người.
+ Hải sản: Gần cầu Đại Lãnh có chợ cùng tên mua đồ ăn, mực cá giá rẻ của người dân vừa đánh lên. Hải sản luôn tươi, nên cực ngon.