Từng là kinh đô của Việt Nam dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, bởi vậy mà xứ Huế vẫn giữ được rất nhiều di sản văn hóa và kiến trúc cổ xưa. Đến thăm xứ Huế, ngoài thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên yên bình mộng mơ, du khách còn có dịp thăm các lăng tẩm, chùa chiền, tìm hiểu về một thời lịch sử vàng son tại đây.
Đại Nội Huế
Đại Nội Huế là điểm thăm quan mà du khách nên ghé thăm đầu tiên. Ðại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, ngày nay thuộc địa phận Phường Thuận Thành, thành phố Huế.
Ðại Nội với kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hào độc đáo đã được khởi công xây dựng vào khoảng hơn hai thế kỷ trước. Hoàng gia nhà Nguyễn bắt đầu bởi vua Gia Long qua 13 đời vua đã sinh hoạt tại Ðại Nội liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại trong cuộc Cách mạng tháng 08 năm 1945.
Sau khi hoà bình lập lại, Đại Nội đã được mở cửa cho công chúng và trở thành một điểm sáng bậc nhất, hấp dấn hàng triệu khách du lịch trong ngoài nước tới thăm quan.
Lăng Gia Long
Lăng Gia Long (hay Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 – 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long có chu vi hơn 11 nghìn mét, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiện Cao Hoàng hậu.
Lăng nằm xuôi theo dòng sông Hương, quanh năm trong không khí mát lành. Lăng Gia Long thực sự là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên kiến trúc.
Lăng Minh Mạng
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, lăng Minh Mạng (hay Hiếu Lăng), Lăng Minh Mạng có diện tích lớn, kiến trúc hài hòa và đẹp mắt. Bên trong lăng là sự phối hợp của không gian của hội họa, thi ca và triết học. Sự uy nghiêm, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ dường như thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua.
Được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, lăng rộng 26 ha, là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ nằm trên một khu đồi núi, sông, hồ thoáng mát. Trước lăng có 3 cửa, chính giữa là Đại Hồng Môn (chỉ mở một lần duy nhất khi rước di thể của vua Minh Mạng nhập lăng), hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bên trong Đại Hồng Môn có sân chầu, hai bên có hai dãy tượng đá tạc hình bá quan văn võ và voi, ngựa đứng chầu.
Lăng Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế chừng 8 km. Đây là lăng có thời gian xây dựng ngắn nhất (hoàn tất cả chỉ trong 10 tháng).
Lăng không có La thành (tường bảo vệ quanh lăng) bao bọc. Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, người con trai kế vị là Tự Đức đã chọn đất xây. Kiến trúc của lăng Thiệu Trị (hay Xương lăng) là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng trong khung cảnh thanh bình của đồng quê với những cánh đồng, ruộng lúa và vườn cây ăn trái quây quanh.
Lăng Tự Đức
Toạ lạc trong một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, lăng Tự Đức (hay Khiêm Lăng) được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475 ha. Gần 50 công trình trong lăng ở hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lăng mang yếu tố khoáng đạt, đường nét mềm mại phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.
Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là nơi vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn với hồ nước thơ mộng, hàng thông xanh ngát. Đặc biệt phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn bảo lưu.
Lăng Dục Đức
Lăng Dục Đức (hay An Lăng) tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Khu lăng mộ có hình chữ nhật, diện tích 3.445 m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Lăng lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.
Lăng Đồng Khánh
Lăng Ðồng Khánh (hay Tư lăng) là nơi an táng vua Đồng Khánh thuộc thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, nằm giữa khu lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức. Lăng được xây dựng qua 4 đời vua, kéo dài từ năm 1888 đến năm 1923, mang lối kiến trúc phong kiến truyền thống và chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.
Điện Ngưng Hy được coi là nơi bảo lưu bật nhất nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Việt Nam hài hòa cùng hệ thống cửa kính nhiều màu. Kiến trúc lăng mộ hầu như Âu hoá hoàn toàn, từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật kiệu xây dựng nhưng vẫn hoà hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng.
Lăng Khải Định
Là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn, lăng Khải Định (hay Ứng lăng) tọa lạc trên núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía tây nam. Đây là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây vô cùng độc đáo.
Lăng được xây trong 10 năm, từ 1920 đến 1930, có kiến trúc vô cùng tỉ mỉ, kỳ công nên kinh phí xây dựng cũng cao hơn các lăng khác. Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định, được coi là hoành tráng và có giá trị nhất tại Việt Nam.
Chùa Thiên Mụ
Có lẽ bất cứ du khách nào tới Huế đều không quên ghé chùa Thiên Mụ thắp nén nhang cầu bình yên. Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Chùa Huyền Không
Từ bờ Nam sông Hương, bạn vòng qua cầu Tràng Tiền, dọc theo con đường rợp bóng phượng vĩ ngược lên vùng ngoại ô Kim Long, đi ngang chùa Thiên Mụ, men theo con đường đất đẹp như tranh vẽ sẽ tới được núi Chằm, nơi toạ lạc của chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Đến với chùa Huyền Không, du khách sẽ được vãn cảnh chùa thanh tịnh, ngắm nhìn thiên nhiên xanh tươi, tâm hồn thư thái nhẹ nhàng.
Chùa Từ Đàm
Chùa Từ Ðàm có ba bộ phận quan trọng là tam quan, chùa chính và nhà hội, cấu trúc chung của chùa được gọi là “kiểu chùa Hội” phối hợp giữa đường nét nghệ thuật kiến trúc mới và cũ, với yêu cầu rộng rãi, cao ráo, cổ kính nhưng đơn giản. Chùa tọa lạc ở phường Trường An, cách thành phố Huế khoảng 2 km về hướng Nam.
Chùa Thiền Lâm
Chùa Thiền Lâm (hay còn gọi chùa “Phật đứng – Phật nằm”) được sư Hộ Nhẫn xây dựng năm 1960 với hình hài ban đầu chỉ là một Cốc nhỏ. Đến hiện tại, chùa là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc như tượng, tháp mộ, tháp Phật, nhà tăng chúng… ở nhiều vị trí khác nhau, đây cũng là một điểm du lịch Huế được nhiều du khách ghé tới hàng năm.