Tôi trốn chạy những cơn mưa đông lạnh lùng cùng những đợt tuyết rơi dày đặc ở Istanbul bằng cách xuôi về phương nam xứ Thổ để lắng nghe bản trường ca thành Troy của đại thi hào Homer.
Tôi bắt chuyến xe buýt với giá 6 lira để đến thành Troy nằm cách Canakkale khoảng 40 km. Trên những con đồi cao, trong ánh nắng vàng, thành phố Canakkale được tuyết phủ trắng có hình vòng cung xinh xinh nằm đúng ngay doi đất Dardanelles nhô ra biển xanh. Trong thời cổ đại, một thương cảng sầm uất ra đời tại doi đất vốn là nơi giao nhau giữa Địa Trung Hải và biển Đen.
Troy không đẹp như nhiều thành phố La Mã mà tôi đã đi qua. Nơi đó chỉ còn lại những đống gạch đổ nát đang cố nhoi ra khỏi lớp tuyết mỏng để phơi mình sưởi ấm. Tôi phải đọc thật kỹ từng chữ một trên bảng chú thích để có thể mường tượng về sự sầm uất của một thành phố có từ năm 5.000 trước Công nguyên. Quá nhiều cuộc chiến đã đi qua trong thời cổ đại khi Thổ Nhĩ Kỳ là chiếc cầu nối liền hai lục địa Á – Âu nên chẳng một ai còn nhớ đến nơi Troy bị chôn vùi trên vùng đất lịch sử Anatolia. Cuộc chiến Trojar là có thật bởi những nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nét điêu khắc trên đá có từ năm 670 trước Công nguyên mô tả trận đấu kéo dài 10 năm với đoạn kết là hình ảnh chú ngựa gỗ cao to trên các ngôi đền ở Hy Lạp rồi được nói đến trong bản trường ca Iliad của thi hào Homer đến từ vùng đất Izmir. Nhưng điều khiến ai cũng tò mò là thành Troy nằm ở đâu.
Năm 1871, chỉ vì yêu thích bản trường ca Iliad, thương gia giàu có người Đức Heinrich Schliemann lặn lội tìm đến Canakkale để tìm lại vết tích của Troy. Ông tin rằng ngọn đồi Hisarlik là nơi đã diễn ra cuộc chiến thành Troy với hai lý do: Homer sinh ra ở vùng đất Izmir khá gần với Canakkale nên ông biết tường tận cuộc chiến ấy để đưa vào hai bản trường ca Iliad và Odyssey. Ngọn đồi Hisarlik được khai quật với kết quả khiến các chuyên gia khảo cổ bất ngờ không thể xác định được có phải là thành Troy hay không bởi nhiều công trình nằm ở tầng trên như đền thờ nữ thần Athena, nhà hát, nhà tắm… đều là vết tích của người La Mã được xây dựng từ thế kỷ 1 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng thành Troy từng hiện diện ở đây bởi ẩn sâu dưới đất là những đồng tiền được đúc bằng đồng và in hình hoàng tử Hector, những mảnh sứ vẽ hình hoàng tử Paris gặp nàng Helen ở thành Sparta hay trên chiếc cốc bạc vẽ hình vua Piram phải hạ mình trước Achilles để xin nhận xác hoàng tử Hector về an táng, hoặc những chiếc bình rượu vẽ lại những cảnh hỗn loạn bên trong khi thành Troy bị càn quét… được tìm thấy. Tất cả nội dung đúng như những gì từng được điêu khắc trên đá trong các ngôi đền cổ ở Hy Lạp và không khác chi nội dung bộ phim được dựng lại sau này. Troy sụp đổ và được xây dựng lại 9 lần trong thời cổ đại trước khi tắt lịm bóng hào quang vào thế kỷ 1 trước Công nguyên.
Dù sự thật về thành Troy có thế nào đi nữa, tôi khi đứng ở đây vẫn cảm nhận về một cuộc chiến đầy xương máu kéo dài 9 năm chỉ vì quyền lực, địa vị và tình yêu, mà những thứ đó luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người hiện đại. Cuộc chiến ấy được khép lại bằng một chú ngựa gỗ vào năm thứ 10. Người ta lại nói rằng, đến Troy vào những ngày mùa đông, bạn không sợ phải tranh giành với bất cứ một ai trên những bậc thang cao trong lòng chú ngựa gỗ sừng sững nằm phía trước khuôn viên. Bước trên những bậc thang ấy, tôi lại nghe lại những âm thanh ngân dài của vùng đất Macedonia khi cuộc chiến bước vào lúc giao tranh khốc liệt trong bộ phim cùng tên.
Người Hy Lạp có quyền ngẩng cao đầu và tự hào trong quyển sách lịch sử của mình cho cuộc chiến ấy dù không biết bao nhiêu người đã từng nằm xuống trên doi đất giao thoa giữa hai dòng biển. Tôi lại nhớ đến hình ảnh người hùng Achilles chỉ vì tình yêu mà gục ngã sau khi Troy thất thủ bởi mũi tên oan nghiệt của hoàng tử Paris bắn vào gót chân. Con người mãi mãi không bao giờ “hoàn hảo” cho dù có được các vị thần linh bảo vệ thân thể. Cũng chẳng mấy ai thoát được cửa ải mỹ nhân từ Paris cho đến Achilles…