Không bị lạc, làm sao thấy những cung đường tuyệt diệu

Tôi luôn tự thấy mình là một kẻ may mắn. Được đặt chân đến đủ năm châu trước tuổi 33, những hành trình đó giúp tôi “gặt” về vô số trải nghiệm quý giá.

Tôi luôn tự thấy mình là một kẻ may mắn. Được đặt chân đến đủ năm châu trước tuổi 33, những hành trình không dễ có đó giúp tôi “gặt” về vô số trải nghiệm quý giá.

Mùa thu ở châu Âu

Nhưng năm 2018 là đặc biệt nhất, thời điểm tôi nhận ra rất rõ rằng nhờ những chuyến đi, tôi soi rọi được chính mình…

Làm quen với nỗi sợ

Quay lại những đêm mùa hè năm 2005, ký túc xá Đại học Salford (Manchester, Anh), đèn phòng tôi luôn sáng rực cả đêm. Một số bạn bè lẫn bảo vệ đều tò mò xen lẫn trầm trồ mỗi khi đi ngang, họ nghĩ rằng tôi chong đèn học nhưng nào biết thực chất tôi… sợ ma, phải bật đèn và trùm mền để giấc ngủ được no tròn.

Không chỉ sợ ma, tôi còn từng sợ độ cao, sợ cô đơn, sợ thất bại… Có thể nói thế giới của tôi trước đây co rúm trước muôn vàn nỗi sợ lớn nhỏ. Chỉ đến khi Oliver – một anh bạn người Mỹ cá tính mạnh – tạt “gáo nước lạnh” khiến tôi nhìn lại: “Sao cái gì bạn cũng sợ vậy? Cứ quẩn quanh trong “comfort zone” (tạm hiểu: vòng tròn an toàn, thoải mái vì không có thử thách nào phát sinh) mà bạn không thấy tuổi trẻ nhàm chán à?”.

Với tôi, mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm đều để lại một bài học hay. Trong ảnh: Một góc tuyệt đẹp ở lâu đài Heidelberg (Đức).-Ảnh: Công Nhật

“Toa thuốc” của Oliver khiến tôi suy nghĩ rồi quyết định đương đầu với những nỗi sợ… bằng các chuyến đi một mình. Sợ độ cao, tôi chọn leo đỉnh Phanxipăng hay đứng từ trên tháp Eiffel (Pháp) nhìn thẳng xuống mặt đất dù chân run bần bật, nhủ thầm “các bạn nữ còn làm được, mình sẽ làm được”.

Tôi mạnh dạn tắt đèn (điều vốn dĩ rất bình thường với nhiều người khác, trừ tôi) và thấy dần chìm vào giấc ngủ dù không dễ dàng ở giai đoạn đầu.

Những chuyến đi một mình hóa ra chẳng quá cô đơn, đâu đó luôn có một người sẵn sàng trò chuyện, dành tặng sự quan tâm… nếu tôi thật sự mở lòng, nở nụ cười.

Góc rêu phong ở Heidelberg (Đức). Ảnh: Công Nhật

Cảm giác chinh phục được một nỗi sợ – từng là “nhiệm vụ bất khả thi” – thật khó tả, nó khiến bạn tủm tỉm ngay khi đã chìm sâu vào giấc ngủ. Thế mới thấm thía câu nói: “Whether you think you can or you think you can’t, you are right!” (Dù bạn nghĩ bản thân có thể hay không thể, bạn đều đúng) của Henry Ford.

Cũng cần nói trước đây tôi có nhiều định kiến về người Đức cũng như dân châu Âu bởi ở họ có sự khó gần, nếu không muốn nói là lạnh lùng. Tôi thậm chí từng nghĩ họ khá kiêu căng cho đến khi được rất nhiều người bản địa nhiệt tình giúp tìm lại chiếc balô tôi để quên ở trạm xe lửa thành phố Frankfurt (Đức), hay những nhà khoa học tiếng tăm hóa ra rất ấm áp, cầu thị khi thảo luận ở hội thảo về nước lớn nhất thế giới năm 2017 tại Stockholm (Thụy Điển)…

Và tôi chợt nhận ra bản thân vẫn có thể sống tốt khi không có điện thoại, mạng xã hội… dù cuộc sống có xáo trộn đôi chút các ngày đầu. Nhưng nhờ không dùng thiết bị số, muốn dò đường phải mở miệng hỏi mà tôi phát hiện người dân Paris (Pháp) luôn rất sẵn lòng giúp tôi tìm địa chỉ cần đến, khác với những gì tôi được nghe trước đó.

Kỳ thực, dường như càng ít dùng công nghệ và tiền thì cơ hội để chúng ta cảm nhận các nền văn hóa, con người càng rõ rệt và sâu sắc. Dĩ nhiên, việc chuẩn bị kỹ càng mọi thứ là cần thiết trong khía cạnh nào đó.

Nhà khoa học danh tiếng Erol Ozan có một quan điểm sống được nhiều người tán đồng và tôi thấy tâm đắc: “Some beautiful paths can’t be discovered without getting lost” (Có những con đường rực rỡ khó thể biết được nếu chúng ta không đi lạc).

Và thú thực, hành trình bước ra khỏi “vòng tròn an toàn”, tiêu diệt các nỗi sợ cũng là một nét chấm phá mạnh mẽ, giúp các chuyến đi trở nên thú vị, ý nghĩa hơn…

Một góc phố Stockholm (Thụy Điển) – Ảnh: Công Nhật

Bí mật ở những Cái đẹp không nhìn thấy

Thời đại 4.0, con người đa phần có khuynh hướng gắn chặt mình với công nghệ, mạng xã hội hơn hết thảy. Từ đó, nhiều bạn trẻ thừa nhận họ dễ dàng rơi vào trạng thái cô đơn, mệt mỏi vì ganh tị và mức độ hoài nghi cuộc sống cũng tăng cao… như nhận định từ “nhà thơ của những nỗi buồn” Nguyễn Phong Việt với người viết gần đây.

Từ những “tin giả”, những hình ảnh lung linh của thế giới mạng, từ sự thay đổi chóng mặt của công nghệ dẫn đến kết quả tích cực lẫn tiêu cực (như chức năng chat Secret trên Facebook chỉ lưu trữ nội dung trong vài chục giây theo cài đặt, một trong các công nghệ được cho là khiến việc ngoại tình trở nên dễ dàng hơn)…, giới trẻ dễ bị chao đảo, hoang mang. Và những chuyến đi có lẽ sẽ cho họ câu trả lời trung thực, cân bằng nhất.

Đơn cử, một số người vẫn dành nhiều mỹ từ tôn vinh xã hội Mỹ, Nhật, Hàn, Pháp… và phán “ở nước ngoài sẽ không bao giờ bị chuyện này, chuyện nọ”. Điều đó có là sự thật? Những chuyến đi sẽ giúp bạn nhận ra không có xã hội nào là hoàn hảo cả, đầy rẫy hỉ nộ ái ố.

Giáo dục bậc đại học Mỹ bị chính người dân nước họ ta thán “chất lượng thượng vàng hạ cám”; cuộc sống tại Nhật và Hàn quá áp lực khiến tỉ lệ tự tử ở giới trẻ luôn ở mức cao hàng đầu thế giới; nạn móc túi, làm việc quan liêu ở Pháp đang mỗi lúc một trầm trọng…

Tôi nhận ra rằng đi nhiều, bạn sẽ quan sát được bức tranh toàn cảnh của thế giới hôm nay, sẽ giúp người ta bớt bức bối, thêm tin yêu cuộc sống, quê hương là vì vậy.

Một kiểu xin tiền ở Heidelberg.-Ảnh: Công Nhật

Hay như câu chuyện của anh bạn người Đức Daniel, anh qua Việt Nam đã ba lần mà vẫn luôn muốn quay lại Tây Bắc, Nha Trang… với lời trầm trồ: “Ẩm thực Việt xuất sắc, cảnh vật Việt tuyệt vời, đẹp hơn cả khung cảnh quê hương tôi.

Do vậy, các bạn không cần đi đâu xa để thấy được cái đẹp của đất trời”. Đó là câu nói của một 8X đến từ Dresden, một trong các thành phố đẹp hàng đầu nước Đức và từng đặt chân đến gần 20 quốc gia. Nhiều bạn bè quốc tế khác của tôi cũng có cảm nhận tương tự.

Dĩ nhiên, nếu có dịp may mắn đến nước Đức, bạn sẽ học và cảm nhận được cái đẹp không chỉ từ phong cảnh mà còn từ những trang sách được lần giở khắp nơi, từ ga tàu điện ngầm đến công viên, quán cà phê…

Hướng dẫn viên thường là người truyền cảm hứng tài tình cho du khách.-Ảnh: Công Nhật

Tôi cũng thấy một “cái đẹp” khác ở giới trẻ phương Tây là văn hóa rạch ròi tranh luận chứ không cãi vã, với họ quan điểm nào đúng quan trọng hơn là chứng minh ai đúng.

Bức tranh này hiển thị rất rõ trong dịp tôi ở Heidelberg (Đức) vào tháng 9-2017, thời điểm quốc gia này bầu chọn thủ tướng, dù khá vững kiến thức chính trị và lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ phiếu bầu cho đảng của mình nhưng các bạn trẻ luôn lắng nghe, ghi nhận các lập luận từ phe “đối thủ”.

Vâng, “đi một ngày đàng học một sàng khôn” là vậy.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social