Lạc vào xứ sở của mây Y Tý

Được biết đến là “vùng đất sương mù” ở Lào Cai nhưng vào những ngày trời xanh, Y Tý như biển mây trắng, còn vào những ngày mùa lại trông giống một biển lúa vàng.

Được biết đến là “vùng đất sương mù” ở Lào Cai nhưng vào những ngày trời xanh, Y Tý như biển mây trắng, còn vào những ngày mùa lại trông giống một biển lúa vàng.

Y Tý nằm ở độ cao trên 2000m quanh năm sường mù bao phủ, được mệnh danh là “xứ sở của mây”. Vùng thung lũng bình yên Y Tý đẹp bởi mây, bởi núi, bởi màu sắc của rừng già, của những thửa ruộng bậc thang mùa vàng hay những ngôi nhà trình tường đẹp nhất Lào Cai của bà con dân tộc Hà Nhì tại hai bản Lao Chải 1 và Lao Chải 2.

Xã Y Tý có 15 thôn bản, chủ yếu gồm các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Cứ đến tháng 9, những nương lúa ở đây chín đượm màu vàng ngút ngàn như muốn mời gọi khách du lịch. Ngoài săn lúa, Y Tý cũng là điểm lý tưởng để săn mây. Khung cảnh mây trắng, trời xanh cùng lúa vàng khiến bạn ngây ngất, mê hoặc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Một trong những điểm nổi bật rất thu hút dân phượt và các tay máy ở Y Tý là vẻ đẹp hoang sơ của những ngôi nhà trình tường mái cỏ của người Hà Nhì. Ẩn hiện dưới sắc đỏ hoa đào, những mái nhà trình tường càng trở nên cuốn hút.

Bắt đầu từ Lũng Pô vào A Mú Sung, con đường đất đỏ chạy vắt ngang qua toàn bộ những bản làng trong khu vực Bát Xát. Đường xuyên trong những cánh rừng già, chạy qua những cánh rừng thảo quả thưa vắng người, những bản làng nép mình bên sườn núi, những lớp học tuềnh toàng trống huếch trống hoác trong gió, biển trường lớp cắm trên những chiếc cọc xiêu vẹo.

Đến Y Tý, sẽ rất thú vị khi gặp chợ phiên ngày thứ bảy, nơi sặc sỡ sắc màu bởi các chị các mẹ người Hà Nhì với cặp ba lá trên mái tóc giả tết bằng len quanh đỉnh đầu, người H’ Mông mang trang phục váy xòe và những chiếc khăn chim công sặc sỡ trên đầu các mẹ các chị dân tộc Dao. Các sản vật mang theo trên gùi xuống chợ là những nông sản của nhà trồng được cùng những mảnh thổ cẩm được làm bằng tay.

Đêm se lạnh, bên chén rượu ấm và nồi thắng cố sôi lục bục, câu chuyện rôm rả quanh bếp lửa. Hẹn gặp lại Y Tý vào một ngày khác, trong một mùa khác với thời gian dài hơn, để cảm nhận và hiểu rõ hơn về mảnh đất xa xôi vẫn còn nhiều khó khăn này.

Mốc 92 – Ngã 3 Lũng Pô

Đây là ngã 3 nơi sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng Lũng Pô trên đất Việt Nam, hòa mình vào nhau và chảy vào đất Việt với tên gọi Sông Hồng. Đây cũng là nơi có mốc 92 (gồm 3 mốc là 92(1), 92(2) và 92(3) biên giới Việt Nam Trung Quốc. Mốc đặt phía Việt Nam là mốc 92(1), 2 mốc còn lại đặt trên bờ sông phía Trung Quốc.

Cầu Thiên Sinh

Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này.

Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân qua đây phải bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ.

Đường A Lù –  Ngải Thầu và Y Tý -Mường Hum

Dọc tuyến đường từ Bát Xát đến Y Tý bạn có thể gặp khá nhiều mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam Trung Quốc (đoạn qua tỉnh Lào Cai). Nếu là một người ưa thích mốc, các bạn có thể xem thông tin về tọa độ các cột mốc trong bài viết Mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc ở Lào Cai để có thêm thông tin cho hành trình phượt Y Tý của mình.


Thời gian

Y Tý có 3 khoảng thời gian khá được các bạn trẻ yêu thích đó là mùa lúa chín từ khoảng tuần thứ 3 của tháng 8 cho đến giữa tháng 9 ,mùa săn mây vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm và mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Ngoài ra, vào những năm thời tiết lạnh, Y Tý cũng là một điểm có khả năng có tuyết rơi cùng với Sa Pa và Mẫu Sơn.

Di chuyển

Từ Hà Nội bạn có thể mua vé tàu lên Lào Cai hoặc bắt xe khách giường nằm lên Lào Cai (hoặc Sa Pa). Từ Lào Cai (Sa Pa) để di chuyển vào Y Tý phải sử dụng phương tiện xe máy. Bạn có thể lựa chọn mang xe máy theo từ Hà Nội hoặc thuê xe máy tại Sa Pa. Đường vào Y Tý hiện nay cơ bản đã khá đẹp và thuận tiện đi khi trời khô, nếu trời mưa thì đoạn Ngải Thầu – Y Tý hơi khó đi.

Một vài lưu ý khi đi Y Tý

Do Y Tý là một xã biên giới nên dọc đường đi sẽ có một số đồn và trạm biên phòng, dừng lại ở khu vực nào có đồn hay trạm các bạn cũng nên qua nói với các anh biên phòng một câu để các anh biết.

Khi thuê xe ở Sa Pa bên dịch vụ thường yêu cầu bạn để lại CMND, nếu bạn có 1 bản pho to công chứng hoặc hộ chiếu thì nên mang đi đặt ở đó còn CMND nên giữ trong người để vào còn trình báo với biên phòng.

Một vài vị trí đẹp để chụp ảnh : Từ Y Tý chạy ngược về phía Ngãi Thầu chừng 4km có đường chạy lên bản cao trên núi. Từ đây trở đi ngắm mây rất đẹp. Khi lên hết dốc thì để xe leo tiếp lên đồi gần đó, sẽ thấy biển mây mặt bên kia của núi. Nếu định vị GPS có tọa độ là: E 103 60147 N 22 68763. Cao độ: 1805m (Chia sẻ của anh Quỷ Cốc Tử).



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social