Đồng Tháp nổi tiếng với vườn quýt hồng Lai Vung, vườn hoa Sa Đéc, Tràm Chim, khu du lịch (KDL) sinh thái Xẻo Quýt, cùng những món ngon từ cá lóc, chuột đồng…
Đó là những lý do để Đồng Tháp xứng đáng thành điểm khám phá tuyệt vời cuối tuần hay các dịp nghỉ lễ. Dưới đây là lịch trình gợi ý khám phá nơi này trong 36 giờ.
TP Cao Lãnh (chấm đỏ) là một trong hai thành phố của Đồng Tháp.
Ngày 1: TP.HCM – KDL sinh thái Xẻo Quýt – Kiến An Cung – nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Cao Lãnh
Bản đồ lịch trình: TP.HCM (A), KDL sinh tháo Xẻo Quýt (B), Kiến An Cung (C), nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (D) – 2 điểm cách nhau khoảng 73 m, trùng nhau trên bản đồ, khu di tích mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (E), TP. Cao Lãnh (F). Hai điểm E và F cách nhau khoảng 1,3 km, trùng khi hiển thị trên bản đồ. Ảnh: Chụp màn hình.
5h: Khởi hành từ TP.HCM.
Đồng Tháp cách TP.HCM 170 km. Nếu đi xe máy hay ôtô cá nhân, bạn có thể di chuyển theo hướng từ trung tâm TP.HCM – vòng xoay An Lạc (quận 6)/ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) – cao tốc Trung Lương – QL 1A – QL 30 – tỉnh lộ 850 – KDL sinh thái Xẻo Quýt.
Nếu đi xe khách, bạn có thể mua vé TP.HCM – Cao Lãnh tại bến xe miền Tây, hay mua vé của các hãng xe uy tín trên đường Lê Hồng Phong. Giá vé từ 120.000-150.000 đồng một người một chiều. Thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng. Nếu di chuyển bằng xe khách, bạn nên xuất phát vào ban đêm để có nhiều thời gian khám phá hơn.
Hoạ tiết sống động trên nóc chùa cổ Kiến An Cung. Ảnh: An Huỳnh.
7h: Ăn sáng với các món hủ tiếu, bún, bánh canh… tại TP Mỹ Tho.
7h:30 Tiếp tục từ TP Mỹ Tho – KDL sinh tháo Xẻo Quýt.
9h30: Khám phá KDL sinh thái Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. KDL rộng khoảng 50 ha, trong đó 20 ha là rừng tràm. Từ năm 1960-1975, đây là căn cứ của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Các trải nghiệm nên có tại đây gồm tìm hiểu hầm tránh bom chữ A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z, đi bộ khám phá rừng tràm hay chèo thuyền len lỏi trong các con lạch nhỏ.
11h: Ăn trưa với các món như chuột nướng lu, ốc bươu nướng tiêu xanh, cá lóc nướng trui, lẩu lươn, cơm gạo lứt hạt sen. Mỗi phần ăn dao dộng từ 50.000-100.000 đồng một người.
Những đường nét tinh tế trong kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê. Ảnh: An Huỳnh.
12h30: Rời Xẻo Quýt đến chùa Kiến An Cung. Khoảng cách 13,3 km. Thời gian di chuyển khoảng 10 phút. Đây là ngôi chùa cổ do người Hoa (Phúc Kiến) di cư đến đây xây dựng. Chùa mang kiến trúc chùa cổ của người Hoa, từ pho tượng, trưng bày đến hoạ tiết trang trí trên tường, trên cột. Hàng năm chùa có hai ngày lễ tế là ngày 22/2 và 22/8 Âm lịch.
13h30: Rời Kiến An Cung, đi bộ đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Khoảng cách: 73 m. Thời gian di chuyển khoảng 5 phút đi bộ.
13h40: Tìm hiểu kiến trúc và lịch sử của ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1895 do ông Huỳnh Cẩm Thủy (cha của Huỳnh Thủy Lê) làm chủ. Ngôi nhà không chỉ đẹp sự hòa hợp của kiến trúc Đông – Tây mà còn liên quan đến cuộc tình không biên giới của cô gái Pháp với Huỳnh Thủy Lê. Cô gái sau này trở thành nữ văn hào Marguerite Duras, và đã kể lại mối tình xuyên biên giới qua tác phẩm Người tình. Tác phẩm được chuyển thể thành phim và quay tại Việt Nam năm 1990.
14h30: Đến khu di tích và khu thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoảng cách từ nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tới đây là 25,5 km. Thời gian di chuyển khoảng 20 phút.
Bức tranh tái hiện việc đông đảo người dân đưa tang cụ Nguyễn Sinh Sắc trong nhà trưng bày thuộc khu di tích. Ảnh: An Huỳnh.
Khu di tích rộng 9 ha. Các điểm tham quan tại đây gồm nhà trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc; nhà làm việc; hoa viên; phục dựng lại một góc của làng Hòa An xưa – nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt chân tới sống và làm nghề bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân…
16h20: Di chuyển đến TP Cao Lãnh. Khoảng cách 1,3 km. Thời gian di chuyển khoảng 5 phút.
16h25: Viếng miếu thờ ông bà Đỗ Công Tường – người đầu tiên thành lập chợ Vườn Quýt (chợ Cao Lãnh hiện nay). Năm 1820, khi bệnh dịch hoành hành tại đây, thương người dân chết vì nạn dịch, ông bà đã lập đàn, cầu xin chết thay cho dân chúng. Khi ông bà chết, dịch tả cũng hết. Để tưởng nhớ, người dân đã lập miếu tưởng niệm và thờ cúng.
17h30: Khám phá chợ Cao Lãnh. Thưởng thức các món ngon tại đây như bánh hẹ chiên, bánh tằm bì, nước cỏ lau, nem nướng. Các món ăn có giá từ 20.000 đồng.
19h30: Thưởng thức món chè bưởi nổi tiếng của TP Cao Lãnh tại quán chè An Giang. Quán rộng, thoáng mát. Các món chè tại đây có giá từ 10.000-15.000 đồng.
20h: Chạy xe ngắm TP Cao Lãnh về đêm.
Ngày 2: TP Cao Lãnh – hoa Sa Đéc – làng chiếu Định Yên – quýt Lai Vung – làng hoa Tân Quý Đông – TP.HCM
Bản đồ khám phá Đồng Tháp ngày 2 với các điểm: TP Cao Lãnh (A), làng chiếu Định Yên (B), thủ phủ quýt hồng Lai Vung (C), vườn hoa Tân Quý Đông (D), TP.HCM (E). Ảnh: Chụp màn hình.
6h: Khám phá chợ Cao Lãnh buổi sáng.
7h: Trả phòng. Xuất phát đi làng chiếu Định Yên, cách 27,2 km. Thời gian di chuyển: 30 phút.
7h30: Đến xã Định Yên, thuộc huyện Lấp Vò, tham quan nghề làm chiếu truyền thống.
8h30: Các vườn quýt không thu phí vào cửa, bạn có thể vào tham quan, chụp hình, thưởng thức quýt thoải mái tại vườn.
Vườn hoa Tân Quy Đông, vựa hoa lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Ảnh: An Huỳnh.
10h: Đến vườn hoa Tân Quy Đông. Đây là một trong những vựa hoa lớn nhất miền Tây Nam Bộ, trồng và cung cấp nhiều giống hoa cho các vùng lân cận. Đến đây, bạn như lạc vào thế giới của muôn sắc hoa. Các trải nghiệm nên có tham quan vườn hoa, chụp hình. Lưu ý không nên làm gãy hoa khi tham quan. Bạn mua một vài chậu hoa nhỏ, chủ vườn sẽ vui vẻ cho bạn tham quan và chụp hình.
11h30: Ăn trưa với các món bún, bánh canh, cơm tấm…
13h: Khởi hành từ Cao Lãnh về TP.HCM.
15h: Ghé trạm dừng chân trên đường đi. Nghỉ ngơi, mua quà.
18h: Đến TP.HCM, kết thúc lịch trình khám phá Đồng Tháp trong 36 tiếng.
Bánh hẹ chiên trứng trong chợ Cao Lãnh. Ảnh: An Huỳnh.
Chi phí dự tính
Xăng: 200.000 đồng.
Ăn: 30.000 x 5 = 150.000 đồng.
Khách sạn: 250.000 đồng.