Chuyện xảy ra cách đây hơn 30 năm, trong một lần nấu nướng, đầu bếp quán ăn gia đình Mây Bốn Phương trong con hẻm nhỏ trên đường Vườn Chuối quận 3 vô tình rưới nước cốt chanh vào những miếng cá chẽm vốn để chế biến món khác.
Thay vì bỏ đi phần cá bị dính chanh, đầu bếp cũng là chủ quán đã nếm thử và vô tình phát hiện thấy miếng cá vừa tái, ăn ngọt vị, không tanh. Ý tưởng làm món gỏi cá từ cá chẽm để phục vụ khách được nhen nhóm.
Để món ăn hoàn thiện, ngoài việc làm chín cá bằng nước cốt chanh, miếng cá còn được trộn thêm dầu mè để tăng mùi thơm.
Gừng cắt sợi cũng được trộn thêm vào để tăng độ nồng ấm cho miếng cá tươi.
Sau gần một tháng thử nghiệm với đủ loại nguyên liệu và gia vị, cuối cùng món gỏi cá cũng hoàn tất để mời khách dùng thử. Hành lá bào và hành tây xắt mỏng là hai thứ nguyên liệu chính ăn kèm với cá. Ngoài cá chẽm, cá bớp cũng được dùng để làm gỏi.
Dù đã được nếm cân vị, gỏi cá trộn hành vẫn phải cần nước chấm để tròn vị. Để tạo sự khác biệt, mù tạc bông cải xay và tương ớt là hai nguyên liệu chính được đầu bếp phối cùng nhau.
Không phù hợp với người kiêng hành và vị chua của chanh, song món gỏi cá của quán ăn lại khiến tín đồ gỏi và hải sản tươi sống mê mệt bởi vị ngọt của cá tươi, vị chua chua của chanh, mùi thơm nồng của hành lá.
Không cuốn trong bánh tráng như gỏi cá mai ở Phú Quốc, gỏi cá tại đây chỉ cần đưa đũa gắp miếng cá kèm ít hành lá rồi chấm vào chén sốt mù tạc tương ớt, cho vào miệng là đã đủ để cảm nhận được đủ đầy hương vị.