Một chuyến Sơn Tây ăn bánh tẻ thời thơ ấu

Dọc quốc lộ 32 đoạn qua thị xã Sơn Tây có rất nhiều cửa hàng bán bánh tẻ có chung một mô típ gồm biển hiệu quảng cáo và một thùng hàng xếp đồ giả cạnh bên.

Trong ký ức tôi, bánh tẻ luôn là một thứ quà quê gợi nhớ về thời thơ ấu, những năm tháng khó khăn và niềm hạnh phúc con trẻ khi được thỏa mãn cơn thèm ăn bánh trái…

Bánh tẻ Phú Nhi – Ảnh: Thủy OCG

Em gái từ Đà Nẵng ra Hà Nội chơi, mấy anh chị rủ đi chụp ảnh. Chiều âm u nắng, hai chiếc xe bám theo đê sông Hồng chạy ngược dòng, quanh queo một hồi nhằm hướng Sơn Tây mà đi.

Những cánh đồng xanh mướt hai bên triền đê trong màu khói sương u hoài, bảng lảng. Cô gái miền Trung ríu rít như con chim chích trên mương nước được xây kè cẩn thận, luôn miệng thốt lên đã lâu lắm rồi mới thấy cảm giác được về quê.

Tôi chạy xe dọc theo triền đê, thi thoảng rẽ xuống con đường nhỏ băng ngang qua cánh đồng, đi quanh một hồi lại quay về với bờ sông. Gió lộng, không gian thoáng đãng, những chiếc xe máy, xe đạp, xe cải tiến vội vã trở về nhà trong chiều nhập nhoạng.

Sau khi ghé thăm đình Chu Quyến, một trong những ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài, còn có tên gọi khác là Đình Chàng, chúng tôi lại theo cảm giác đường để tìm ra quốc lộ 32 xuôi về Hà Nội.

Dọc quốc lộ 32 đoạn qua địa phận thị xã Sơn Tây có rất nhiều cửa hàng bán bánh tẻ có chung một mô típ kiểu gồm một biển hiệu quảng cáo và một thùng hàng xếp đồ giả cạnh bên. Hàng thật được ủ nóng trong thùng xốp để sâu phía trong.

Cánh đồng xã Cẩm Đình trong chiều đông u hoài, bảng lảng – Ảnh: Thủy OCG

Bánh tẻ Sơn Tây nổi tiếng không chỉ Hà Nội mà còn nổi tiếng cả nước. Sơn Tây có hẳn làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, trong vòng chưa tới chục năm trở lại đây, món quà vặt nhà quê đã trở thành đặc sản xứ Đoài nức tiếng xa gần.

Ở Hà Nội, dân phố thị muốn tìm lại những ký ức xóm làng thơ ấu, rất dễ dàng mua được chút lạc luộc, dong dền, khoai lang nướng hay bánh giò, bánh tẻ, bánh nếp, dù ở chợ cóc, hàng rong, hay bất kỳ ngóc ngách phố phường nào cũng không khó tìm mua.

Thoảng có dịp chạy qua Sơn Tây, cũng hay tiện đường dừng ghé mua bánh tẻ Phú Nhi về làm quà. Làng nghề còn xuất bánh bán tận Sài Gòn, huống hồ mình đang dừng chân ngay mảnh đất này.

Tất nhiên không phải trăm hàng đều ngon và chất lượng như nhau, nhưng xem ra, dân Sơn Tây cũng có ý thức giữ gìn thương hiệu, cửa hàng kinh doanh nào cũng muốn khách đến mua không chỉ một lần.

Chưa đến giờ cơm tối, nhưng để cái dạ dày bớt ý kiến, chúng tôi ghé vào một cửa hàng nhỏ gần Văn Miếu Sơn Tây châm ấm trà nóng và bóc dăm chiếc bánh tẻ ăn ngay để thẩm định chất lượng bánh tẻ Phú Nhi liệu có đúng như lời đồn.

Tất bật bán hàng cho du khách – Ảnh: CTV

Quy trình làm bánh tẻ về cơ bản là giống nhau, như xưa mẹ tôi vẫn hay ngâm gạo tẻ một ngày đêm rồi vớt ra cho ráo trước khi đem xay bằng cối đá, gọi là xay bột nước. Bột nước để lắng, gạn bỏ nước trong, rồi lại cho nước sạch vào ngâm, rồi lại gạn trước khi cho vào nồi nấu.

Công đoạn này gọi là giáo bột, kỹ năng và kinh nghiệm giáo bột của người làm bánh sẽ quyết định sự thành bại của bánh tẻ.

Hồi đó mẹ tôi hay gói bánh tẻ hình chóp nón, trông chả khác gì bánh giò ngày nay. Bánh tẻ Phú Nhi lại được gói theo hình dạng chiếc răng bừa. Nhiều nơi ở miền Bắc gọi bánh tẻ là bánh răng bừa, bánh dài chừng một gang tay, ở giữa hơi gồ lên, hai đầu thuôn dẹt.

Bánh tẻ được gói bằng lá dong, bên ngoài quấn nhiều vòng dây. Nhân bánh gồm thịt lợn băm, phần thịt có dính ít mỡ như thịt nạc vai hay thịt nách, mộc nhĩ thái chỉ hay băm nhỏ, hành củ đập dập được ướp qua mắm tiêu vừa đủ.

Phần nhân được rải đều dọc theo khuôn thuyền của bột bánh, không bao giờ cho nhiều nhân theo kiểu “ăn cho ngập miệng” mà chỉ cho chút chút vừa đủ để ăn cùng vỏ bánh mà thôi. Bánh gói xong cho lên hấp cách thủy độ 40 phút là chín.

Món ăn gợi nhớ ký ức thời thơ ấu – Ảnh: Thủy OCG

Bánh tẻ để nguội, bóc ra thơm mùi lá dong, vỏ bánh có màu trắng trong hoặc hơi ngả xanh nhạt. Chấm với tương ớt cay cay hoặc mắm ngon tùy sở thích. Cũng có người thích ăn bánh nóng, nhất là khi trời bắc chuyển tiết đông.

Ngày nay, nhiều dân làng nghề còn áp dụng công nghệ mới khi làm bánh để tiết kiệm sức người, sức của, đảm bảo chất lượng và cả số lượng với chi phí hợp lý để bán cho hàng trăm, hàng ngàn khách xa gần mỗi ngày nhưng vẫn mang hương vị quê nhà.

Tôi nhấp một ngụm trà mạn nóng, mắt nhìn theo những ánh đèn xe quét loang loáng trên quốc lộ 32, tự hỏi, mỗi ngày có bao nhiêu chiếc bánh tẻ Phú Nhi được mang đi đến những ngôi nhà mới và những miền đất mới?

Bao nhiêu người khách sẽ như tôi khi cầm chiếc bánh tẻ thơm mùi lá dong và nhớ về những ngày xưa thơ ấu?



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social