Nếu đến Nga xem World Cup, bạn nên dành ra một ngày để chiêm ngưỡng những kiệt tác ngầm xứ bạch dương.
Được mệnh danh là một trong những hệ thống tàu điện đẹp nhất thế giới, các trạm tàu điện ngầm ở Thủ đô Nga là điểm du lịch bạn không thể bỏ lỡ nếu có dịp đến đây. Tính đến năm 2017, Moskva Metro có 247 trạm, tổng chiều dài 346 km phục vụ hơn 12.000 người mỗi năm, chưa kể du khách. Mỗi trạm thiết kế theo một kiểu khác nhau, nếu muốn đi hết thì bạn phải mất một buổi, có khi cả ngày mới xong. Hoạt động từ năm 1952 đến nay, trạm Komsomolskaya gây ấn tượng với phong cách nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, trụ ốp đá sáng choang, trần nhà mái vòm màu vàng ốp hoa văn tinh xảo, có cái mạ vàng. Những dàn đèn chùm cầu kỳ khiến nơi đây trông như phòng khiêu vũ hơn là ga tàu điện ngầm. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Trạm Mayakovskaya từng là hầm trú bom, bệnh viện, thậm chí là trụ sở chỉ huy cấp cao trong suốt thời chiến tranh ở Nga. Năm 1941, Stalin tổ chức một bữa tiệc kỷ niệm cuộc cách mạng Tháng Mười Nga ngay tại ga tàu điện này. Phần trần nhà như sảnh tiệc của các khách sạn 5 sao vẫn được giữ nguyên và bảo trì hàng năm. Ảnh: Thegrimfandango
Elektrozavodskaya đặt theo tên nhà máy bóng đèn gần đó, trần nhà lắp 6 hàng bóng đèn hình tròn dọc lối đi, tổng cộng 318 cái chiếu sáng cả ngày. Vị kiến trúc sư đầu tiên thiệt mạng khi chiến tranh bùng nổ, khiến quá trình xây dựng bị gián đoạn một thời gian. Năm 1944, chiến tranh thế giới lần thứ II đang diễn ra thì nó được một kiến trúc sư khác hoàn thành với những bức phù điêu gắn trên tường, kể về cuộc chiếc ác liệt này. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Đặt chân vào ga Ploshchad Revolyutsii gần quảng trường Đỏ, bạn có cảm giác như bước vào một bảo tàng với 76 bức tượng đồng mô phỏng người dân Liên Xô dựng dưới chân các mái vòm bằng đá cẩm thạch đỏ. Tương truyền, bạn sẽ gặp may mắn nếu sờ vào mũi tượng chú chó bằng đồng ở đây, vì thế hầu hết du khách lẫn người địa phương đều tranh thủ “thử vận” nếu có dịp ghé trạm tàu này. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Ở Nga, không hiếm thấy những chùm đèn pha lê tinh xảo chiếu sáng trong ga tàu, và Prospekt Mira cũng vậy, hầu hết du khách khi đến đây đều thích thú với kiểu đèn hoàng gia này. Các trụ được ốp hoa văn cầu kỳ, không gian xa hoa. Nếu không nói, có lẽ ít người nghĩ rằng đây đơn thuần chỉ là một ga tàu điện ngầm. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Novoslobodskaya là một trong những trạm tàu điện được người dân Nga yêu mến nhất. 32 ô cửa kính nhiều màu sắc, viền đồng tinh xảo như những ô cửa ở các nhà thờ lớn bên dưới lòng đất, tạo cảm giác bí ẩn. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Ga Arbatskaya có mái vòm hình bán elip được xây không lâu trước làn sóng phản đối các công trình kiến trúc xa hoa ở nước Nga. Trần nhà trang trí hoa văn bằng gốm tinh tế, hai bên treo các chùm đèn thiết kế công phu, từng bị phá hủy do cuộc tấn công của Đức vào năm 1941, sau đó được xây lại ở độ sâu hơn ban đầu. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Nhà ga Sokol khai trương vào năm 1938 hút mắt bởi hàng cột thiết kế kiểu hình vòm tròn, bay bổng từ nhiều vật liệu như đá cẩm thạch trắng và xám, đá granite, gạch men trắng. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Thiết kế của Kievskaya được chọn từ một cuộc thi tổ chức ở Ukraine, từ nhiều họa sĩ, kiến trúc sư khác nhau. Đây là một trong những nhà ga nổi tiếng nhất, trông như một phòng triển lãm tranh với những bức hình cỡ lớn khảm lên tường, cuối ga là bức chân dung lãnh tụ Lenin. Nhân viên nhà ga phải lau chùi thường xuyên các bức vẽ để bảo trì. Ảnh: Joao Eduardo Figueiredo
Những năm gần đây, hệ thống metro của Nga càng phát triển nhanh để phục vụ cho World Cup 2018, xây thêm 39 trạm trong thời gian 2 năm (2015 – 2017). Các kiến trúc này vẫn chú trọng vào thiết kế nội thất, đèn thắp sáng cầu kỳ, tinh tế thay vì những bóng đèn trắng nhàm chán ở trạm tàu điện của các quốc gia khác, khiến du khách thích thú.