Đồng Tháp là một trong những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng cây ăn trái lớn, có nhiều loại trái cây nức tiếng như bưởi da xanh, quýt, xoài, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quýt hồng, đặc sản của huyện Lai Vung.
Nằm ven sông Hậu, được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ cộng với khí hậu mưa thuận gió hoà, Lai Vung là vùng đất thích hợp để chuyên canh quýt đường, quýt hồng, đặc biệt là giống quýt hồng trái vàng cam láng lẩy, mọng nước, thơm ngon. Quýt đường ra trái, thu hoạch quanh năm, riêng “công chúa” quýt hồng chỉ cho thu hoạch một mùa trong năm, mùa Tết. Quýt hồng được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu. Với diện tích canh tác gần 2000ha, mỗi năm Lai Vung cung cấp cho thị trường Tết từ 35-40.000 tấn quýt. Trái quýt hồng Lai Vung có mặt ở nhiều tỉnh, thành, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ, nhưng công việc chăm sóc quýt hồng diễn ra gần trọn năm, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, sau thu hoạch. Cách huyện lộ không xa, con đường nhỏ ngoằn ngoèo bắc qua kinh rạch ấp Long Thuận là những vườn quýt rộng lớn liền kề. Canh tác diện tích lớn hơn, dày công chăm sóc và có bí quyết riêng thì hoàn toàn có thể làm giàu bằng nghề trồng quýt, như gia đình ông Trần Văn Nhỏ, một trong những “đại gia quýt hồng” có tiếng ở Lai Vung. Với 30 năm trong nghề làm vườn, trải qua bao mùa cây trái, nay gia đình ông Nhỏ chỉ chuyên canh giống quýt đường và quýt hồng trên diện tích 7 công đất. Hai loại trái đặc sản này mỗi năm đem lại cho gia đình ông doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Theo ông Nhỏ, trồng quýt đường 2 năm cho thu hoạch, quýt hồng phải mất 3 năm. Cứ 10 năm một đời cây. Người nông dân Lai Vung không đợi cây già, cây chết hay chặt bỏ đồng loạt để gầy vườn quýt mới mà thường trồng giặm cây mới xen cây cũ, dần thay thế cây già yếu, cho trái kém chất lượng. Nhà vườn thường chiết cành, làm bầu trên cây 2 tháng, sau đó cắt cành giâm xuống đất đắp mô từ trước, một tháng rưỡi sau mới bứng trồng riêng. Quýt đường cho trái quanh năm, trồng xen kẽ quýt hồng, lấy huê lợi trái ngắn hạn trang trải đời sống, chi tiêu cho giống, phân bón, công thợ…chăm bẵm, đợi chờ mùa quýt hồng dịp Tết. Thường, trước khi thu hoạch một hai tháng, các thương lái đi coi, ngã giá mua mão cả vườn quýt, đặt cọc và hẹn ngày thu hoạch. 30 năm trong nghề làm vườn, trên 15 năm chuyên trồng quýt hồng, ông Nhỏ thương đất, quý nghề. Tình yêu đất và sự cần cù đã cho gia đình ông no ấm, con cái ăn học thành tài.
Giá quýt hồng dao động từ 20.000đ đến 25.000đ/kg, có năm giá tăng đến 30.000đ/kg vẫn hút hàng. Điều kỳ lạ, cũng giống quýt hồng Lai Vung được đưa về trồng ở vùng khác với cùng kỹ thuật canh tác nhưng cho năng suất không cao, trái quýt cũng không ngon ngọt, đẹp, năng suất cao như quýt trồng ở “đất tổ”. Mới thấy giá trị, tầm quan trọng của khí hậu, thổ nhưỡng, sông nước ngọt lành, một sương hai nắng truyền đời của người làm vườn, có ý nghĩa quyết định thế nào đến sản vật nói chung, hoa trái nói riêng.
Tháng 12, khi quýt đường trái xanh lúc lỉu oằn cành thì quýt hồng bắt đầu ửng vỏ. Hai, ba tuần trước Tết nguyên đán, nhiều vườn quýt ở Lai Vung rạng rỡ sắc vàng cam quyến rũ. Đi một vòng các xã Long Hậu, Long Thành, Tân Phước…đã thấy không khí khẩn trương vào vụ. Hai bên đường liên xã là các vườn quýt hồng ửng sắc, cũng là dịp các nhà vườn bắt đầu đón thương lái coi, đặt hàng và du khách đến tham quan. Không gì thú vị hơn được dạo vườn quýt, đi giữa tàng cây trái rợp mát, chụp ảnh kỷ niệm, hái trái và thưởng thức tại vườn. Nhiều bạn trẻ còn biến vườn quýt hồng thành ảnh trường để chụp album thời trang hay ảnh cưới với váy áo xúng xính trong không gian, sắc màu đẹp lạ.
Trên bàn thờ của người Việt nói chung, của các gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, mâm cúng trái cây ngày Tết luôn có quýt, nhất là quýt hồng Lai Vung, để cầu may mắn, hạnh phúc. Trái quýt hồng vàng cam no tròn mọng nước, tươi sắc giữa các loại trái cây đủ màu, thêm sự ấm áp cho bàn thờ gia tiên, không gian nhà ngày Xuân.
Hãy về Lai Vung vào mùa Tết, để thưởng thức cảnh sắc miệt vườn, hương vị quýt hồng đặc sản của vùng đất ngọt lành bên bờ sông Hậu.