Đặt chân đến Myanmar trong chiều mưa, lòng khát khao trải nghiệm vùng đất này một cách tự nhiên nhất. Chúng tôi để Myanmar dẫn lối mình, bằng cách không ép mình vào lịch trình cụ thể hay đặt phòng khách sạn trước khi đến đất nước này.
Myanmar vang danh thế giới với những ngôi chùa vàng nguy nga, tráng lệ – Ảnh: Bông Mai
Bên cạnh những đền đài cổ kính, những ngôi chùa dát vàng rực rỡ, Myanmar còn có gì? – Ảnh: Thanh Thùy
Trong khi loay hoay với mớ suy nghĩ đi đâu làm gì. Một chàng trai người bản xứ đến bắt chuyện và ngỏ lời mời chúng tôi tới nhà anh chơi.
Không nghĩ quá nhiều, chúng tôi cho phép mình tin rằng trên đời này còn rất nhiều người tốt và bước lên chiếc xe về quê anh bạn mới quen cùng với gia đình anh. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp thì như vậy là liều!
Với cái “liều” tin người, quyết định đi theo đôi chân thạo đường cùng trái tim hiếu khách của những người bản xứ, chúng tôi được dẫn đến một Myanmar của bao người Myanmar hằng sống, một Myanmar bình dị, mộc mạc, hồn hậu, sống đời hiền lành bên những biểu tượng dát vàng.
Tới quê nhà Twante, Pegu, Myanmar của chàng trai người bản xứ, chúng tôi ghé qua ngôi chùa rắn nổi tiếng ở đây. Trước cổng chùa, hai cô bé ngồi chờ bán thức ăn cho cá cho các tín đồ viếng thăm – Ảnh: Bông Mai
Dẫu lẫn mình trong cuộc mưu sinh, nhưng trẻ con vẫn mãi là trẻ con. Cô bé bán thức ăn cho cá chạy tới vui chơi bên sạp hàng đặt cạnh cổng chùa – Ảnh: Bông Mai
Đêm về, sau khi được mẹ người bạn mới quen đưa sarong quấn người để đi tắm và quây quần bên những món ăn tối của người Myanmar, chúng tôi ngủ thiếp đi trong niềm vui vì lòng tin người và được người tin mình.
Rời Twante, Pegu, chúng tôi đến với những cùng đất khác trên quê hương Phật giáo để tiếp tục đắm chìm trong cuộc sống chân thật, không tô vẽ của người Myanmar.
Một góc Bagan chìm trong nốt trầm của những đền đài xưa cũ – Ảnh:Bông Mai
Những đền đài nhuốm màu thời gian vốn gắn liền với một Bagan huyền thoại, đằng sau đó là cuộc sống mưu sinh thường nhật vẫn diễn ra. Thấp thoáng hình ảnh người đàn ông nằm thư thả trên chiếc xe ngựa chờ chở khách hành hương – Ảnh: Bông Mai
Tại Mandalay, trên cầu làm gỗ tếch dài và lâu đời nhất thế giới bắc qua sông Taungthaman, một cậu bé chăm chú ngắm nhìn phía dưới cầu – Ảnh: Bông Mai
Dưới cầu gỗ tếch, một đứa trẻ mãi miết kéo đồ chơi làm bằng sợi dây nhựa và những mảnh gỗ không dùng nữa – Ảnh: Bông Mai
Một người đàn ông ngủ say bên chân cầu gỗ tếch, Myanmar – Ảnh: Bông Mai
Bậc thang xuống sông trở thành nơi chứng kiến tuổi thơ của những đứa trẻ vùng Mandalay, Myanmar – Ảnh: Bông Mai
Có bao giờ bạn đứng sau kho báu tuổi thơ? Bánh kẹo đôi khi là cả một kho báu của tuổi thơ – Ảnh: Bông Mai
Tạm rời cuộc sống xung quanh cầu gỗ tếch, đến thưởng thức hoa quả của tiệm trái cây di động bên đường – Ảnh: Bông Mai
Trước cổng chùa, những người phụ nữ Myanmar chăm chút từng cánh hoa để bán cho khách viếng chùa, trên má ửng màu của nắng, điểm xuyến họa tiết của bột dưỡng da Thanaka – Ảnh: Bông Mai
Về bên dòng Inle (Shan, Myanmar) để tận hưởng sự kỳ vĩ của thiên nhiên – Ảnh: bông Mai
Giữa dòng Inle, chàng trai chèo thuyền một chân trở thành nét độc đáo. Nhưng đâu đó còn có hình ảnh cô gái Myanmar vững tay chèo phía trước – Ảnh: Bông Mai
Hồ Inle là nơi giới thiệu các nghề truyền thống của Myanmar như: dệt lụa từ tơ sen, làm thuốc lá, chế tác bạc…
Thiếu nữ Myanmar quay những sợi tơ được làm bằng sen – Ảnh: Bông Mai
Các sản phẩm bạc tinh xảo được tạo nên từ bàn tay của những “nghệ nhân” nhỏ tuổi, trong đó có cả các cô gái – Ảnh: Bông Mai
Dưới chân nhà được đặt sẵn các thuyền nhỏ để người dân tiện di chuyển và mưu sinh quanh hồ Inle, Shan, Myanmar- Ảnh: Bông Mai
Buổi trưa trên đồi ở vùng đất Shan, Myanmar, người phụ nữ Myanmar đốt điếu thuốc lá do chính mình làm ra trên ngọn lửa đang sử dụng để hong khô lá cây thuốc lá – Ảnh: Bông Mai
Vào ban đêm ở Shan, Myanmar, những đứa trẻ sống gần hồ Inle nhặt nhạnh que củi rồi đốt sáng – Ảnh: Bông Mai
Trên những chuyến xa di chuyển đến địa điểm khác, chúng tôi dừng chân ở trạm nghỉ và bắt gặp hình ảnh một người đàn ông tỉnh dậy sau giấc ngủ dưới gầm xe – Ảnh: Bông Mai
Tới biển Ngwe Saung bằng đường tắt, chúng tôi phải vượt qua ba chuyến đò. Những người Myanmar ngồi trên đò, thong dong như ngồi trên quán nước – Ảnh: Bông Mai
Những đứa trẻ trên hành trình vượt sông quen thuộc – Ảnh: Bông Mai
Cuộc sống hoang sơ của người dân Myanmar trên con đường tắt đến biển Ngwe Saung – Ảnh: Bông Mai
Biển Ngwe Saung hiện ra với trời xanh rọi xuống dòng biển trong. Không gian, thời gian như tĩnh lặng bên chồng đá cuội được ai đó xếp từ lâu – Ảnh: Bông Mai
Ở một vùng biển khác, buổi sáng miền biển, những người Myanmar trò chuyện với nhau bên quán ăn – Ảnh: Bông Mai
Bên bến sông, người phụ nữ Myanmar mãi miết đan vách bằng tre – Ảnh: Bông Mai
Kế bên người phụ nữ đan vách tre là hai cô bé chơi thảy đá khéo léo – Ảnh: Bông Mai
Về lại Yangon, lọt thỏm ở một góc đường, bên bờ kênh người phụ nữ nở nụ cười rạng rỡ cùng mâm trái cây tươi mát của mình – Ảnh: Bông Mai
Quay về Yangon, chợ đầu mối nông sản về khuya tấp nập những cuộc trao đổi, kì kèo ngã giá. Trong lúc đó, một cậu bé giơ tay làm dáng khi thấy có người chụp – Ảnh: Bông Mai
Yangon về đêm, tàu chở cá cập bến ngay chợ đầu mối hải sản. Những trai khỏe mạnh nhanh chóng vận chuyển cá vào chợ – Ảnh: Bông Mai
Cá được chuyển từ tàu thuyền vào từng sạp hàng đêm ở chợ đầu mối hải sản Yangon, Myanmar – Ảnh: Bông Mai
Những con hàng cá tươi rói được xếp đẹp mắt để khách mua sỉ – Ảnh: Bông Mai
Sáng thức dậy giữa thành phố Yangon, cảm nhận lòng tốt của người Myanmar thể hiện khắp mọi nơi. Ở thành phố này, người dân đựng nước trong những bình gốm và có ca uống. Bất cứ ai dừng chân cũng được uống ngụm nước mát trong không tốn bất cứ đồng nào. Bỗng nhiên lòng ấm áp và nhớ về những bình nước nghĩa tình ở quê nhà Việt Nam.
Những bình gốm đựng nước xuất hiện khắp các con đường ở Myanmar, dù ở phố thị hay ven đường lên núi – Ảnh: Bông Mai
Có một Myanmar bình dị với cuộc sống đời thường – Ảnh: Bông Mai
Trở về Việt Nam, vẫn nhớ những bữa cơm ăn cùng người dân Myanmar, các địa điểm được chàng trai Myanmar dẫn đi với lòng hiếu khách, những câu dặn dò “chăm sóc con bé nha” bằng tiếng Myanmar mà người bạn dịch lại khi mọi người biết chúng tôi là người Việt yêu Myanmar, nhớ cả những hôm xin ngủ đêm trong chùa và được tiếp đón nồng hậu.
Chúng tôi nhận ra không chỉ chùa vàng và những vật dát vàng làm nên biểu tượng của Myanmar, mà chính mỗi người dân hiền hòa, chân chất, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp, sống tốt đạo, sống đẹp đời cũng làm nên “thương hiệu Myanmar” đầy chân thực và sống động.