New York: Downtown không ngủ & Yên bình Uptown

Đêm cuối tuần Quảng trường Thời đại Times Square, New York như muốn vỡ tung với sự náo nhiệt, cuồng nhiệt. Có điều lạ là đông đúc chật chội như vậy nhưng chính quyền New York chẳng cấm xe ô tô gì hết, nhỏ như các loại mui trần đến các loại Big Bus vẫn ngạo nghễ và kiên nhẫn vượt qua.

Đêm cuối tuần Quảng trường Thời đại Times Square, New York như muốn vỡ tung với sự náo nhiệt, cuồng nhiệt. Có điều lạ là đông đúc chật chội như vậy nhưng chính quyền New York chẳng cấm xe ô tô gì hết, nhỏ như các loại mui trần đến các loại Big Bus vẫn ngạo nghễ và kiên nhẫn vượt qua.

(Ảnh Internet)

Quảng trường Thời đại đông đúc nhưng có rất nhiều các bàn ghế màu đỏ bày sẵn miễn phí cho những ai muốn ngồi ăn uống hay đơn giản là ngắm người qua lại. Tất nhiên cung không đủ cầu. Tôi lên kế hoạch ngắm thành phố ban đêm qua Night Tour lúc 8.30 tối. Tôi hay có thói quen đúng giờ hoặc sớm hơn vài phút thôi nhưng quả thật ở New York, bạn nên có mặt trước giờ khởi hành từ 20-30 phút vì đi đâu cũng phải xếp hàng, trong khi di chuyển từ con phố này qua phố kia cũng rất khó khăn vì hai dòng người trên vỉa hè cứ quấn quít vào nhau.

Cũng phải 9 tối mới bắt đầu thưởng ngoạn New York về đêm, niềm tự hào của người Mỹ. Phải có camera xịn mới lấy được hết vẻ lung linh về đêm của New York, nhất là khi xe chạy trên cầu Manhattan nhìn sang phía Brooklyn. Đêm New York lạnh, mặc dù mới đầu tháng 8, tôi nghĩ khoảng 20 độC, lại ngồi trên tầng trên của Bus nên tôi co ro mỗi khi cơn gió ào tới, nhất là khi xe qua cầu.

(Ảnh Internet)

Hơn 1h sáng tôi rời mấy cửa hiệu mà dòng người và xe cộ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, mắt ai nấy sáng rực, môi ai nấy rạng rỡ tươi vui như thể toàn bộ cộng đồng dân cư trên quảng trường này bị lệch múi giờ đêm là ngày vậy!

Bước qua con phố Central Park là đã có ngay một cảm giác hoàn toàn khác. Vẫn là những khối nhà chọc trời nhưng sự hối hả đông đúc đã lùi xa nhường chỗ cho sự yên bình. Central Park hình chữ nhật chuẩn luôn, có nghĩa là nó vuông thành sắc cạnh, tất cả thẳng tưng không hề có đường cong nào mềm mại như các công viên khác trên thế giới lựa theo điều kiện tự nhiên của các thể hoại hồ hay đồi. New York đất chật người đông vậy mà thành phố duy trì được công viên lớn đến thế, kéo dài từ đường West 59 cho tới West 110, với hai cạnh chữ nhật là Đại lộ số 5 và Central Park W. Cũng giống như Vancouver của Canada tự hào về Stanley Park thì dân New York cũng rất tự hào về công viên Central Park này. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhìn trên bản đồ tôi thấy Central Park nằm gọn lỏn trong Manhattan. Vậy mà lâu nay tôi mặc định Manhattan là khu náo nhiệt bậc nhất New York đấy.

Tôi dừng lại điểm 20, tham quan Nhà thờ Saint John the Divine. Dạo một vòng bên ngoài rồi vào bên trong trước khu vực soát vé. Đang định bỏ ra $10 để vào bên trong nhưng bỗng nghe tiếng thánh ca trong buổi lễ sáng Chủ Nhật thật du dương và an lành. Vậy tôi đứng đây cũng an nhiên được rồi, trong giây phút ấy, tôi thực sự cảm nhận được lòng mình nhẹ nhàng. Cuộc sống dù sôi động nghiệt ngã đến mấy cũng cần tự tạo hay tự tìm cho mình một chốn hay những khoảnh khắc an bình.

Điểm dừng 21 bên bờ sông Hudson mát như mùa Thu đem cho tôi sự thành kính đối với vị cố tổng thống Ulysess S. Grant, người có công cực lớn trong việc hoà bình và bình đẳng cho mọi người Mỹ, đặc biệt người Mỹ gốc Phi trong thời kỳ nội chiến bùng nổ vào 1861. Thi thể ông và phu nhân được chôn trong Grant’s Tomb này, được phủ lên bằng hai khối gỗ lớn nằm cạnh nhau, giản dị trong tổng thể khu lăng mộ trị giá $600,000 được quyên góp từ 90,000 người dân Mỹ. Thêm một lần tôi trân trọng cách người Mỹ tưởng nhớ tiền nhân, không hoành tráng phô trương, không “tượng đồng phơi những lối mòn”… Ông nằm thảnh thơi bên dòng Hudson hiền hoà như tâm nguyện của ông vậy!

(Ảnh Internet)

Uptown loop này không có nhiều điểm để xem như downtown loop, chủ yếu là các bảo tàng. Tôi xuống điểm 24 không phải vì cái The Solomon Guggenheim Museum mà bởi muốn ghé cái hồ thật lớn nằm giữa Central Park xem nó thế nào. Quả đúng là lá phổi của Manhattan nói riêng và cả New York nói chung. Bà con đạp xe chạy bộ rất nhiều, mặc dù đang là 1h chiều. Dân Mỹ và Canada nói chung rất chịu khó vận động, nhất là những ngày cuối tuần. Hồ có hàng rào sắt an ninh nên không xuống được mép nước, các toà nhà phía upper Manhattan in hình xuống mặt hồ xanh màu tảo thật đẹp, tôi nghĩ chắc buổi đêm còn lung linh nữa. Tận dụng cơ hội này để hít căng lồng ngực trước khi quay về khu downtown ồn ào và náo nhiệt không ngừng nghỉ kia.

(Ảnh Internet)

Ẩm thực New York đa dạng với nhiều lựa chọn Các xe bán đồ ăn đầy đường, khói nướng mù mịt. Rẻ nhất và thông dụng nhất là các loại Hot Dog, $6 một chiếc, ngoài ra còn có các loại kebab bò gà cừu. Pizza thì có vô vàn quán, mua từng miếng mà ăn chứ gọi cả cái ăn cả tuần không hết. Sang trọng thì bạn có thể chọn nhà hàng, có mà đầy những steakhouse hay sushi… Tôi ăn đơn giản, phần vì sau mấy ngày trên du thuyền ăn dư chất nên cũng cần cân bằng, phần thì cũng muốn tiết kiệm nữa. Nhưng bù lại, sữa chua và nước trái cây có pha thêm protein sẽ yên tâm đủ năng lượng.

Broadway Street với 39 nhà hát chuyên nghiệp Sân khấu Broadway hay quen gọi đơn giản là Broadway, là hệ thống bao gồm 39 nhà hát chuyên nghiệp (500 ghế trở lên) nằm trong khu vực Theatre District, Manhattan, New York. Broadway là địa điểm du lịch hấp dẫn của thành phố New York. Theo hiệp hội biểu diễn Broadway (The Broadway League) năm 2007-2008, sân khấu Broadway đã bán được khoảng 973 triệu USD tiền vé. Những vở diễn kinh điển như Lion King, Aladin cho tới những vở kịch nghe tên lần đầu đều có cả, dành cho những người đam mê thưởng thức. Tôi không xem vở nào vì hai lẽ, thứ nhất tôi sẽ không hiểu hết nội dung vở kịch, thứ hai bên ngoài còn bao nhiêu lời mời gọi, tôi như chạy đua với thời gian! Không đêm nào ngủ trước 2h sáng trong khi vẫn phải dậy sớm để mà tối đa hoá việc thăm thú và thưởng lãm!

New York – Thành phố đắt đỏ nhất thế giới

New York là thành phố đắt đỏ nhất mà tôi từng đến, cũng dạng anh em với Tokyo. Đụng cái gì cũng tiền. Lại nhớ tới cậu nhóc người Arab Saudi tên Abdulah 11 tuổi ngồi cạnh trên chuyến bay từ Miami về New York hôm nọ, nó cứ thắc mắc ở Mỹ cái gì cũng phải trả tiền, trên máy bay cần cái gì cũng phải mua, không như nước nó, miễn phí hết. Tôi cười, nước Mỹ là vậy, rất rõ ràng và sòng phẳng.

Giờ ai đó hỏi tôi có yêu New York không? Câu hỏi này không dễ trả lời vì New York là thành phố của người nhập cư, của những xô bồ, gấp gáp và hối hả. Nhưng cũng có một New York yên bình bên dòng sông, nhẹ nhàng dưới những tán cây cổ thụ. Và hàng năm có hàng chục triệu người ghé thăm thành phố này và cũng hàng triệu người mong muốn sống ở đây cũng đủ chứng tỏ sức thu hút của nó. Yêu hay không tuỳ vào mục đích, tuổi tác và tâm trạng nữa, phải không?



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social