Đường sắt Thanh – Tạng là tuyến đường sắt dài nhất và chạy nhanh nhất trên vùng đất có băng vĩnh cửu, cùng với khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử xây dựng đường sắt Trung Quốc. Đường sắt Thanh – Tạng là một kỳ tích vĩ đại về công nghệ khoa học tiên tiến nhất của con người, một địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.
Chính thức vận hành từ ngày 1/7/2006, đến nay đã tròn 10 năm hoạt động, tuyến đường sắt Thanh – Tạng (Qingzang Railway) trở thành tuyến đường sắt duy nhất và cực kỳ quan trọng nối liền Tây Ninh (Xining) – thủ phủ tỉnh Thanh Hải (Qinghai) với Lhasa – thủ phủ Tây Tạng. Dài tổng cộng 1.956km và vượt qua 675 cây cầu, đường sắt Thanh – Tạng chia thành 2 phần chính: Phần 1 từ ga Tây Ninh đến ga Golmud dài 815km. Phần 2 từ ga Golmud đến ga Lhasa dài 1.142km.
Những kỷ lục mà tuyến đường sắt Thanh – Tạng đạt được:
Là tuyến đường sắt cao nhất thế giới: trung bình trên 3.000m so với mặt nước biển, hơn 960km đường ray nằm ở độ cao trên 4.000m.Có ga tàu cao nhất thế giới: ga Tanggula cao 5.068m.Có đường hầm cao nhất thế giới chạy qua vùng băng tuyết: ngắm Phong Hỏa Sơn (Mt. Fenghuo Tunnel) dài 1.338m trên độ cao 4.905m.Có đường hầm dài nhất thế giới chạy trên cao nguyên: hầm Côn Lôn Sơn (Mt. Kunlun Tunnel) dài 1.686m.Là đường sắt dài nhất và chạy nhanh nhất trên vùng đất có băng vĩnh cửu: 550km trên tổng số 1.956km chiều dài của đường sắt Thanh – Tạng chạy qua vùng đất có băng vĩnh cửu.Cầu Qingshuihe là cây cầu cho tàu hỏa dài nhất thế giới với độ dài 11,7km.Tốc độ đoàn tàu nhanh nhất so với tàu cùng loại, vận tốc 100km/giờ ở những vùng tuyết phủ và 120km/giờ ở những vùng bình thường.
Nhờ sự ra đời của đường sắt Thanh – Tạng mà ngày nay, du khách có thể đi tàu suốt từ Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai), Tây An (Xian), Quảng Châu (Guangzhou), Trùng Khánh (Chongqing), Thành Đô (Chengdu) và Lan Châu (Lanzhou) đến Tây Ninh (Xining) để từ đó đi tiếp vào Lhasa. Tuyến đường sắt Thanh – Tạng đã vượt qua kỉ lục cũ của tuyến đường sắt chạy trên dãy núi Andes ở Peru hơn 200m.
Đường sắt Thanh – Tạng là một công trình xây dựng mang công nghệ phức tạp, với đường ray đặc biệt có khả năng tự điều chỉnh ổn định trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Để đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu, các kĩ sư đã thiết kế các ống dẫn khí lạnh để khiến nền đường đóng băng một cách ổn định hay đóng các cọc sâu xuống tầng đất phía dưới để giữ chắc đường ray. Các toa tàu cũng không khác gì các khoang máy bay để giúp hành khách không bị ảnh hưởng bởi độ cao và nhiệt độ. Dưỡng khí cũng được cung cấp tự động khi tàu đi qua các vùng không khí quá loãng.
Trước khi có đường sắt này, chỉ có hai cách đến được với thủ phủ Lhasa. Đó là đáp một chuyến bay khá tốn kém để rồi “dựng tóc gáy” mỗi khi nó hạ cánh xuống Tây Tạng. Cách thứ hai là đi trên những chuyến xe buýt nêm chặt người và mất 3 ngày 3 đêm ròng rã trên những con đường núi nguy hiểm và tổn sức. Đáng tiếc hơn nữa, rất nhiều chiếc xe như vậy cùng hành khách của nó đã kết thúc cuộc hành trình dưới một khe núi sâu nào đó có vô số trên đường.
Để hoàn tất tuyến đường sắt này, người ta phải chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đoạn từ Tây Ninh đến Cách Nhĩ Mộc được khởi công từ năm 1984. Giai đoạn 2 được khởi công từ ngày 29/6/2001, đoạn từ Cách Nhĩ Mộc đến Lhasa với tổng chi phí 33,09 tỷ NDT, cùng chiều dài 1.142km. Riêng tiền đầu tư cho bảo vệ môi trường lên đến trên 1,1 tỷ NDT. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử xây dựng đường sắt ở Trung Quốc.
Mùa hè là thời gian thích hợp nhất cho du khách tham quan Tây Tạng, bởi mùa đông nhiệt độ của miền đất này có thể xuống âm vài chục độ. Thời gian này cũng là mùa du lịch của Tây Tạng, người hành hương từ khắp nơi tề tựu về đây, trong bầu không khí nhộn nhịp và đầy màu sắc. Khung cảnh tuyệt đẹp cùng không khí trong lành ở Tây Tạng sẽ giúp tẩy sạch mỏi ưu phiền và đem lại sự thanh tịnh, an nhàn trong tâm trí mỗi du khách. Đó là một đặc ân mà du khách có thể nhận thấy được từ vương quốc Phật giáo này.