Xây theo kiến trúc Ấn Độ với tháp cao vàng, Bửu Long được xếp vào một trong những ngôi chùa phái Nam tông đẹp nhất miền Nam.
Chùa Bửu Long, ngôi chùa đẹp như tranh ở ngoại ô Sài Gòn
Chùa Bửu Long được xây dựng từ năm 1942. Đất xây chùa được một cư sĩ mua, sau đó dâng lại cho các đời sau làm tịnh thất và nơi hành thiền. Chùa nằm trên khuôn viên rộng hơn 8 ha, vị trí là ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai, thuộc Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, phường Long Bình, quận 9, TP HCM.
Trải qua nhiều năm tháng, chùa Bửu Long ngày càng có thêm nhiều hạng mục công trình. Từ năm 1982, hòa thượng Viên Minh được bổ nhiệm thừa kế chức vụ Viện chủ thiền viện Bửu Long. Trong thời gian này, ông đã liên tục cho trùng tu tôn tạo chùa Tổ thành một ngôi danh lam tiêu biểu cho văn hóa Phật giáo nguyên thủy Việt Nam.
Năm 2007, đại bảo tháp Gotama Cetiya, nơi tôn thờ xá lợi Phật và chư đại thánh tăng được xây trên 2.000 m2, cao khoảng 70 m so với mặt biển. Tháp được xây dựng theo nét của văn hóa Phù Nam. Đến năm 2010 thì hoàn tất. Đây cũng công trình gây tiếng vang sau khi khánh thành.
Trong hệ Phật giáo Nam tông, Bửu Long hiện là ngôi chùa có các hạng mục công trình hiện đại và đẹp nhất tại miền Nam. Chánh điện của chùa Bửu Long cũng nhiều lần được tu sửa.
Là thành viên trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, chùa không chỉ mang tính tôn giáo, chùa còn như một công trình nghệ thuật để người dân đến chiêm bái và tham quan.
Tháp 5 tầng mở cửa đón khách ngày 2 buổi. Sáng từ 8h đến 10h, chiều từ 14h đến 16h tại địa chỉ chùa số 81/1 Nguyễn Xiển, khách chỉ cần nhìn xa xa đã thấy tòa tháp cao.
Trong tháp có xá lợi được tôn thờ dưới mái vòm được trang trí như khu rừng đậm chất thiền.
Trên tầng, du khách và Phật tử có thể ngắm khung cảnh Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận.
Kiến trúc Ấn Độ đậm nét trong cách chạm trổ các khung cửa sổ của các tầng tháp.
Vị trí của cây bồ đề nổi tiếng của ngôi chùa là nơi các Phật tử thường xuyên đến chiêm bái thưởng ngoạn.
Diện tích rộng cho phép các hành lang được xây thông thoáng bên cạnh những tán cây xanh.
Phòng phát hành các ấn phẩm Phật giáo rộng rãi.
Ngôi chùa đẹp như tranh ở ngoại ô Sài Gòn Theo hệ Phật giáo nguyên thủy Nam tông nên trong chùa, dễ thấy chỉ có tượng Phật Thích Ca, chùa cũng không nghi ngút nhang khói như các chùa Bắc phái.
Đỉnh tháp sơn vàng và cấu trúc của tòa tháp giống với một số ngôi chùa ở Thái Lan nên nhiều người quen gọi chùa Bửu Long là chùa Thái Lan mà không biết ngôi chùa là của người Việt. Không chỉ Phật tử có tuổi, vẻ đẹp của ngôi chùa còn thu hút các bạn trẻ đến tham quan.
Chư tăng Nam tông thường sáng ăn cháo, trưa dùng ngọ (bữa cơm chính trong ngày). Truyền thống Phật giáo không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông, mà đuợc phép dùng mặn, nhưng phải hợp thời, không thấy, không nghi và không nghe (thấy) sinh vật bị giết vì mình.
Do tên trùng nên chùa Bửu Long quận 9 hay bị nhầm với một khu du lịch tên Bửu Long ở Biên Hòa, nơi cũng có ngôi chùa nhưng mang tên Bửu Đức. Chùa Bửu Long cách trung tâm TP HCM khoảng 23 km. Nếu từ hầm Thủ Thiêm, khách đi thẳng đường Mai Chí Thọ, rẽ phải vào đường Nguyễn Thị Định, vừa xuống cầu Giồng Ông Tố thì quẹo ngay bên trái vào đường Nguyễn Duy Trinh, chạy mãi thì Nguyễn Duy Trinh thành đường Nguyễn Xiển, cuối đường Nguyễn Xiển quẹo phải chạy khoảng 4 km (cũng là đường Nguyễn Xiển) thì thấy chùa bên tay trái.
Du khách hướng Nhà Bè, quận 7, các tỉnh miền Tây nên đi đường Nguyễn Văn Linh, lên cầu Phú Mỹ, đến ngã tư đường Nguyễn Duy Trinh thì quẹo phải chạy thẳng, chừng vài cây số thì đường Nguyễn Duy Trinh thành đường Nguyễn Xiển, cuối đường quẹo phải chạy 4 km thì đến. Người ở các tỉnh miền Đông, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, nên tìm cách đến đường Nguyễn Văn Việt, chạy đến hết đường về phía quận 9 thì quẹo phải vào đường Nguyễn Văn Tăng, chạy khoảng hơn 1 km thì Nguyễn Văn Tăng thành Nguyễn Xiển và đi thêm 4 km nữa là đến. Lưu ý nên đi buổi sáng để ngắm chùa đẹp hơn.