Sơn Đoòng là một hang động nằm trong một hệ thống các hang động đá vôi gần biên giới Việt – Lào thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với khoảng 150 hang lớn nhỏ khác nhau. Với kích thước khổng lồ - chiều rộng hang lên đến 150 mét, chiều cao khoảng 200 mét và chiều dài hang lên đến khoảng 9km – hang Sơn Đoòng hiện đang là hang động tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Hãy cũng Lonely Việt Nam bắt đầu chuyến hành trình khám phá các bí mật của hang động được mệnh danh là Vạn lý trường thành của Việt Nam thôi nào!
NHỮNG BÍ ẨN ĐẰNG SAU SỰ KHÁM PHÁ RA HANG SƠN ĐOÒNG
Ngày 22 tháng 4 năm 2009 được xem là ngày những thông tin về sự tồn tại của hang Sơn Đoòng được chính thức công bố trước báo giới. Nhưng bạn có biết rằng, thời điểm mà hang Sơn Đoòng được phát hiện lần đầu tiên lại chính là khoảng thời gian cách thời điểm hang Sơn Đoòng được công chúng biết tới đến gần 20 năm, chính xác ở đây là 18 năm. Sự phát hiện ra hang Sơn Đoòng cũng là một điều khá bất ngờ và tình cờ bởi chính người phát hiện ra hang động kỳ vĩ này cũng không biết rằng mình đã phát hiện ra một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của tạo hóa.
Hang Sơn Đoòng là một hang động thuộc hệ thống gồm hơn 150 hang động nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng - Ảnh: Khoa Bảo Nguyễn
Vào những năm 1990 – 1991, anh Hồ Khanh – người đã khám phá ra hang Sơn Đoòng – cũng như bao thanh niên khác trong làng khác vào rừng tìm trầm hương với mong muốn sẽ được đổi đời, có một cuộc sống sung túc hơn. Trong một chuyến vào rừng tìm trầm, anh đã bất ngờ gặp phải một cơn giông và trong lúc đang tìm chỗ trú mưa thì anh đã phát hiện ra một vòm đá – đó chính là cửa hang Sơn Đoòng. Đang định chui vào hang đá để tránh mưa thì anh bỗng bắt gặp một luồn gió mạnh thổi liên tục từ trong cửa hang ra, không biết đó là một hiện tượng tự nhiên và cứ tưởng đó là hơi thở của những con thuồng luồng khổng lồ sống trong hang theo truyền thuyết, anh đã thật sự rất sợ hãi trước hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này.
Những con gió mạnh thổi từ trong hang khiến ta liên tưởng đến truyền thuyết về những con thuồng luồng bên trong các hang động - Ảnh: Ryan Deboodt
Không dám bước vào hang và anh chỉ dám đứng nép mình bên vách đá đợi mưa tạnh rồi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Những cuộc hành trình tìm trầm của anh Hồ Khanh sau đó vẫn được tiếp tục nhưng hình ảnh về cái hang kỳ lạ hôm trời mưa đã dần trôi khỏi trí nhớ của anh, đặc biệt là sau khi những chuyến đi rừng của anh kết thúc trong hoàn cảnh Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên và sau đó là Di sản thiên nhiên thế giới. Và phải đến năm 2006 khi đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến Phong Nha – Kẻ Bàng để tìm kiếm hang động mới thì câu chuyện về cái hang năm nào của anh Hồ Khanh mới được nhắc lại.
Vách đá bên ngoài cửa hang Sơn Đoòng - Ảnh:Patrick Murray
Khi đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến Phong Nha – Kẻ Bàng để tìm kiếm hang động mới, anh Hồ Khanh đã kể lại cho đoàn thám hiểm câu chuyện kỳ lạ về cái hang năm xưa anh đã từng vào trú mưa. Và từ đây chuyến hành trình đi tìm lại cái hang kỳ lạ năm xưa của anh Hồ Khanh đã bắt đầu. Sau nhiều chuyến đi rừng, có khi là đi với đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, có khi là anh lặn lội vào rừng một mình, cuối cùng vào năm 2008 anh đã tìm lại được cái hang kì lạ năm xưa mà anh đã trú mưa.
Hang Én – hang động lớn thứ 3 thế giới – kế nối trực tiếp với hang Sơn Đoòng - Ảnh: Tuan Nguyen
Đầu năm 2009, khi đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh quay lại Phong Nha – Kẻ Bàng, anh Hồ Khanh đã dẫn đoàn thám hiểm đến với cái hang anh đã tìm thấy. Hang động này được lấy tên là Sơn Đoòng và sau đó những thông tin về sự tồn tại của hang Sơn Đoòng mới được công bố một cách chính thức. Bên cạnh sự phát hiện ra hang Sơn Đoòng, anh Hồ Khanh còn là người khám phá ra rất nhiều hang động kỳ vĩ khác ẩn sâu trong những thảm thực vật xum xuê của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Rất nhiều hang động ở đây đã được đặt theo tên anh, tên vợ con anh và cả tên của những người bạn chí cốt của anh, và thật xứng đang khi được gọi anh với biệt danh là “Vua hang động”.
Những bí mật về hang Sơn Đoòng đang dần được vén mở - Ảnh: John Spies
GIẢI THÍCH VỀ CÁI TÊN KHÁ LẠ CỦA HANG SƠN ĐOÒNG
Vì là người phát hiện ra hang động nên anh Hồ Khanh là người được quyền đặt tên cho anh theo thông lệ quốc tế và cái tên anh dự định đặt cho hang chính là tên anh – Hồ Khanh. Tuy nhiên, sau một đêm suy nghĩ đoàn thám hiểm đã đề nghị đặt tên lại cho hang là Sơn Đoòng và anh Hồ Khanh đã đồng ý. Cái tên “Sơn Đoòng” được ghép từ hai thành tố: “Sơn” có nghĩa là núi theo nghĩa Hán – Việt còn “Đoòng” ở đây chính là tên gọi của một bản của người Bru – Vân Kiều. Cái tên “Sơn Đoòng” chính là sự ám chỉ về địa danh nơi hang được phát hiện – hang Sơn Đoòng nằm ở vùng hạ Đoòng, thuộc xứ Đoòng.
NHỮNG ĐIỀU KÌ LẠ BÊN TRONG HANG SƠN ĐOÒNG
Một góc của hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt
Hang Sơn Đoòng có một kích thước khổng lồ - các nhà thám hiểm đã đo đạc và ước lượng thể tích của hang vào khoảng 38,5 triệu mét khối – với kích thước của mình hang Sơn Đoòng có thể chứa được khoảng gần 70 chiêc máy bay cỡ lớn Boeing 777 hoặc một khu phố ở trung tâm New York với những tòa nhà 40 tầng. Nói đến hang Sơn Đoòng ta phải kể đến bức tường đã khổng lồ bên trong hang – bức tường đươc mệnh danh là Great Wall of Viet Nam – Vạn lý Trường thành của Việt Nam – với chiều dài hàng trăm mét và chiều cao của bức tường lên đến 60 mét, trong đó nơi cao nhất là 80 mét.
Bí ẩn bức tường khổng lồ bên trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt
Để giải thích cho sự khổng lồ của hang Sơn Đoòng các nhà khoa học đã chỉ ra sự hình thành của hang Sơn Đoòng. Hang Sơn Đoòng được hình thành từ một vết đứt gãy của dãy Trường Sơn và trong hàng triệu năm vết đứt gãy này đã bị dòng nước của Sông Rào Thương bào mòn liên tục. Sự xói món liên tục của dòng nước cùng với thời gian đã tạo nên một “lỗ hổng khổng lồ” ngay bên dưới mặt đất.
Những dòng chảy ngầm đã tạo nên Sơn Đoòng – một kỳ quan vĩ đại - Ảnh: Ryan Deboodt
Ngoài ra bên trong hang còn chứa những cột măng đá khổng lồ có chiều cao lên đến 80 mét, đây là những cột thạch nhũ được đánh giá là cao nhất thế giới. Không chỉ vậy lòng hang còn chứa rất nhiều “ngọc trai” hang động khổng lồ với kích thước mỗi viên tương đương một quả bóng chày – đây là kết quả của quá trình nước khoáng nhỏ xuống từ trần hang quá nhanh trong quá trình tạo thành các cột măng đá.
Những cột măng đá khổng lồ bên trong lòng Sơn Đoòng - Ảnh: John Spies
Những viên “ngọc trai” khổng lồ bên trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt
Bên cạnh đó, các nhà thám hiểm còn khám phá ra một khu rừng tuyệt đẹp ngay bên dưới lòng đất – ngay bên trong lòng hang Sơn Đoòng. Đây là một cánh rừng nguyên sinh với một thảm thực vật rất phong phú và khác lạ - các loài thực vật ở đây có thân hình khá mỏng manh dù đó là một cây thân gỗ, và vươn rất cao. Vẻ đẹp nguyên sơ của khu rừng trong lòng đất này tuyệt vời đến nỗi các nhà thám hiểm đã phải đặt cho nó một cái tên khá mỹ miều – Vườn Địa đàng – Edam Garden. Sự xuất hiện của một thảm thực vật phong phú ngay bên trong lòng hang Sơn Đoòng chính là do các vết nứt trên trần hang bị sụt lún tạo thành một hố sụt lớn, và từ đó ánh sáng đã có điều kiện len lỏi vào bên trong hang.
Sự kết nối giữa lòng đất và bầu trời đã tạo điều kiện cho sự sống ở trong lòng hang - Ảnh: Ryan Deboodt
Cùng với các loài thực vật, hang Sơn Đoòng còn đã từng là nơi trú ngụ của khá nhiều các loại động vật bởi vì trong quá trình khám phá hang Sơn Đoòng các nhà thám hiểm đã phát hiện ra rất nhiều bộ hóa thạch xương động vật và hóa thạch của các loại nhện đã từng sinh sống bên trong “thế giới dưới lòng đất” này.
Cuộc sống diệu kỳ dưới lòng đất - Ảnh: Ryan Deboodt
Chiêm ngưỡng cảnh đẹp hang Sơn Đoòng
Hang Sơn Đoòng vẫn còn rất nhiều điều bí mật cần được khám phá. Nếu bạn là người muốn thám hiểm và rất tò mò về hang động lớn nhất thế giới này thì bạn nên chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình khám phá hang Sơn Đoòng ngay bây giờ thôi nào!. Dù hành trình đến với hang Sơn Đoòng sẽ khá khó khăn nhưng bù lại bạn sẽ có được những khoảnh khắc vô cùng tuyệt diệu đấy! Hãy bắt đầu ngay bây giờ thôi nào!