Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” sẽ chính thức khai màn vào dịp Tết Nguyên đán 2018.
Biểu diễn thực cảnh là loại hình kết hợp nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao với công nghệ kỹ thuật, kỹ xảo hàng đầu. Sân khấu chính là bối cảnh sông nước, núi non thực tế với nội dung tái hiện văn hóa – lịch sử của một dân tộc, một vùng đất. Là một trong những chương trình biểu diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam, “Ký ức Hội An” sẽ tái hiện cảng thị sầm uất trên con đường tơ lụa huyền thoại, qua dòng thời gian 400 năm thăng trầm của lịch sử. Dưới đây là những con số “biết nói” thể hiện quy mô hoành tráng của chương trình.
Sân khấu rộng 25.000 m²
25.000 m² sân khấu ngoài trời với bối cảnh bao gồm cả một phần đảo lớn, đảo nhỏ và mặt nước sông Hoài. Sân khấu rộng lớn này sẽ là nơi tái hiện đời sống người Hội An từ buổi sơ khai đến một thương cảng Hội An sầm uất thời hưng thịnh. Phố Hội là một điểm đến trên con đường gốm sứ, con đường gia vị trứ danh trong sử sách, đồng thời là nơi chứng kiến những chuyện tình lãng mạn còn lưu truyền mãi trong dân gian.
Con đường biểu diễn dài 1.000m
Lần đầu tiên có một chương trình biểu diễn nghệ thuật sử dụng áo dài truyền thống Việt Nam làm ngôn ngữ kể chuyện. Trong “Ký ức Hội An”, 100 cô gái mặc áo dài bước đi thướt tha trên sân khấu với chiều dài hơn 1000m. Đây là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho dòng thời gian. Dưới kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại, ánh sáng biến hóa và hiệu ứng âm thanh tinh tế, tà áo dài Việt Nam sẽ kể cho khán giả những câu chuyện thú vị về Hội An trong suốt 400 năm qua.
500 diễn viên chuyên nghiệp
“Ký ức Hội An” quy tụ đội ngũ hùng hậu gồm 500 diễn viên chuyên nghiệp và hàng trăm người tham gia phục vụ và vận hành. Trong suốt nhiều tháng qua, tất cả đã và đang luyện tập cật lực cho buổi diễn khai màn trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
Đội ngũ cố vấn là những chuyên gia gạo cội
2 năm là thời gian mà các cá nhân, tập thể đội ngũ tổ chức chương trình đã đi dọc chiều dài đất nước Việt Nam góp nhặt tư liệu cho phần ý tưởng.
Show diễn thực cảnh Ký ức Hội An còn nhận được sự đồng hành của ban cố vấn bao gồm những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gạo cội của Việt Nam. Những cái tên nổi bật được kể đến như nhà Hội An học Hoàng Đạo Kính, đạo diễn Việt Thanh, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, nhà sử học Dương Trung Quốc trong vai trò cố vấn kịch bản; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – phó chủ tịch thường trực hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách phần âm nhạc; giảng viên Thanh Hằng – trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phụ trách biên đạo múa; trang phục được cố vấn bởi họa sĩ – nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ.
Trong khi đó, phần hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và kỹ xảo sân khấu được “biến hoá” dưới bàn tay của các chuyên gia hàng đầu thế giới từ công ty Sơn Thủy Thịnh Điền Hong Kong.
Khán đài có sức chứa 3.300 khán giả
Mỗi đêm, câu chuyện “Ký ức Hội An” sẽ là “chiếc thuyền khổng lồ” đưa hơn 3.300 khán giả “xuyên không” về Hội An thế kỷ 16-17. Người xem sẽ liên tục đi qua từng trường đoạn trong bất ngờ, với cảm xúc sâu lắng và mãnh liệt.
Với sự đầu tư bài bản và tâm huyết, show diễn thực cảnh Ký ức Hội An chính là bản giao hưởng lịch sử – văn hóa được tấu khúc bằng hình thức nghệ thuật đương đại. Đây là món quà ý nghĩa với sứ mệnh quảng bá văn hóa – lịch sử và vẻ đẹp phố Hội đến du khách trong và ngoài nước.