Thói quen đi chùa cầu may đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong mỗi dịp Tết đến. Chùa không chỉ là nơi tịnh tâm hòa mình vào thế giới cõi Phật, mà còn là nơi gửi gắm ước nguyện về một năm may mắn, sự nghiệp thăng tiến, học hành đỗ đạt… hay chỉ đơn giản mong gia đình luôn khỏe mạnh, bình an.
Sau đây là một số ngôi chùa được nhiều người dân đến viếng trong những ngày đầu năm mới.
Hà Nội
Chùa Quán Sứ được người dân Hà Thành thường hay lui tới vào mỗi dịp đầu năm để đi lễ, cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn. Chùa tọa lạc tại số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội rất dễ nhận ra với lối kiến trúc tam quan có 3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông, qua tam quan là một sân rộng lát gạch, bước lên 11 bậc thềm là tới chánh điện.
Tại chùa có thờ các chư vị Bồ Tát như: Tam Thế Phật, Phật A-di-dà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Phật Thích Ca,… Điều độc đáo của chùa Quán sứ là trưng bày pho tượng hòa thượng Thích Thanh Tứ tại gian Quan Âm. Người dân và du khách khi tới viếng chùa sẽ rất ngạc nhiên vì bức tượng rất giống với người thật.
Hải Phòng
Đền Nghè nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng (thuộc phường An Biên, Quận Lê Chân) là một quần thể di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 20, nơi đây có thờ vị nữ tướng Lê Chân – vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Vào đêm giao thừa, đền Nghè đón một lượng lớn người dân và du khách đến viếng để cầu mong được ban điềm lành và mọi điều may mắn cho năm mới. Ngoài hoạt động viếng đền, họ còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khác độc đáo như khánh đá, sập đá với nhiều hình thù khác nhau.
Đà Nẵng
Tọa lạc tại 72 đường Lê Đình Lý, quận Thanh Kê, TP Đà Nẵng, những ngày Tết chùa Kỳ Viên được người dân Đà Nẵng chọn làm nơi gửi gắm tâm nguyện chốn cửa Phật.
Trong đêm giao thừa, người dân Đà Nẵng đến viếng cầu may bằng cách hái những bao lộc được treo trên giàn trước sân chùa. Bên trong bao lộc được nhà chùa đưa vào những lời chúc phúc thật ý nghĩa như: bình an, an khang, phúc, thọ… nhằm gửi tặng quý phật tử ngày đầu năm mới.
TP. Hồ Chí Minh
Ở TP. Hồ Chí Minh, đầu năm bạn có thể xin lộc ngựa thần tại đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo tọa lạc tại đường Võ Thị Sáu, quận 1 hay đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Bắt đầu từ ngày mùng 1 đền đón rất nhiều người dân cũng như du khách đến bái lễ.
Ngoài thờ Trần Hưng Đạo Vương và các vị tướng là những người lập công đánh giặt mở cõi cho đất nước, ngựa cũng được thờ trong đền và được người dân thường gọi “Ông Ngựa”, “Ngựa Thần”, “Thần Mã”. Sau khi bái lạy Đức Thành Trần và các vị danh tướng, người dân thường xoa tay vào mình của ngựa thần, cầu mong được khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.
Chùa Bà Mariamman nằm ngay tại trung tâm thành phố, gần chợ Bến Thành cũng là một điểm đến của người dân sau khi kết thúc giao thừa và những ngày đầu năm mới. Trong chùa thờ thần mưa Mariamman, vị nữ thần linh thiêng của người Ấn Độ theo đạo Hindu.
Bình Dương
Chùa Bà Thiên Hậu hay chùa Bà Bình Dương, miếu Bà Thiên Hậu được xem như một địa điểm cầu may trong dịp năm mới của khách thập phương. Không chỉ có người dân tại Bình Dương mà còn có người dân từ TPHCM, Long An, Bình Phước, Biên Hòa, Tây Ninh… cũng đến để viếng Bà mỗi năm. Chùa do các ban người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Thông thường sau khi viếng Bà, mọi người sẽ xin lộc bà giữ trong mình để cầu mong bình an, khỏe mạnh, may mắn. Đến rằm tháng giêng, chùa tổ chức lễ hội vía Bà kèm theo nhiều hoạt động như thỉnh lộc bà, rước kiệu bà, múa hẩu…
Cần Thơ
Chùa Ông được cộng đồng người Hoa gốc Quảng Châu và Triều Châu di dân đến Cần Thơ xây dựng để sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Chùa thờ tượng Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phật Quan Thế Âm là những vị thần người Hoa lẫn người Việt thường hay kính trọng và tôn thờ.
Vào những ngày đầu năm mới chùa Ông được nhiều người dân Cần Thơ lui tới dâng hương, cúng bái với ước vọng một năm an lành, bình an trong cuộc sống.