Cách thủ đô Bangkok khoảng gần 3 tiếng lái xe, Prasae là một thị trấn nhỏ ven biển nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản từ biển và khu rừng ngập mặn trong thị trấn.
Đến với Prasae, du khách sẽ có cơ hội được tham gia hành trình khám phá rừng ngập mặn được tổ chức bởi LocalAlike, tận mắt chứng kiến quá trình đánh bắt tôm của ngư dân địa phương hay cách người dân nơi đây chế biến các loại sốt và đồ ăn nhanh từ hải sản. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm ở homestay trong các ngôi làng chài, thăm đền chùa, đi bắt ốc sò biển hay chèo thuyền qua rừng ngập mặn và tìm hiểu cách chế biến chè Indian Marsh.
Hơn thế, điều gây ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đến Prasae là sự nồng hậu của những người dân nơi đây. Du khách khi mới đến nơi có thể sẽ được mời uống trà lạnh Roselle hay Chrysanthemum, và thưởng thức các món địa phương được làm từ gạo nếp, dừa và đường mía.
Khi đến Prasae, khu vực rừng ngập mặn chính là điểm đến du khách không nên bỏ lỡ. Bạn có thể đăng ký tham gia tour tham quan 30 phút qua đầm lầy ngập mặn. Hiện nay, không còn nhiều khu vực rừng ngập mặn ven biển ở Thái Lan do quá trình đô thị hóa khiến nhiều nơi bị phá bỏ. Nhiều cơ quan, tổ chức đã tiến hành các chiến dịch xanh nhằm bảo tồn và tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng ngập mặn xong vẫn chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn.
Để bảo tồn được rừng nơi đây cần trồng nhiều loài cây ngập mặn để duy trì đủ lượng oxy và tạo môi trường sống cho các sinh vật biển như cua, tôm, hàu, cá và sinh vật phù du. Sự thiếu hụt về lượng cây ngập mặn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sinh vật biển từ đó dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái.
Rừng ngập mặn vốn là nơi sinh sống của một loài cua đặc biệt tên “Poo Sam Meh”, đây là loài cua nhỏ chuyên sống trong bùn lầy. Khi thủy chiều xuống cũng là lúc các ngư dân đi bắt Poo Sam Meh. Cua Poo Sam Meh có thể dùng để chế biến thành món som tum (salad cua với đu đủ non) – một món ăn truyền thống của người Thái. Dọc rừng ngập mặn, du khách có thể bắt gặp nhiều loài cá như cá bống biển hay còn gọi là Baramundi, và tôm biển kích thước lớn.
Trong khi đi tham quan rừng ngập mặn, du khách sẽ được tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của các loài cây ở đây. Một số cây được dùng làm thực phẩm và là nguồn nguyên liệu sản xuất trà thảo mộc như Marsh Ấn Độ, đây là loại trà rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường và huyết áp cao.
Đa số cây rừng ngập mặn có rễ dài xum xuê đâm sâu vào đất để lấy nước và oxy. Hiện vẫn còn nhiều khu rừng ngập mặn nhỏ đang được phát triển trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên vùng Rayong.
Khi đi dạo trong rừng, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp các bảng thông tin về các loại sinh vật biển và các loại cây sinh trưởng trong khu vực tại các điểm dừng chân.
Đến với Prasae, bạn có thể tìm được rất nhiều hướng dẫn viên dày dặn kinh nghiệm, người có thể cung cấp đầy đủ thông tin về rừng ngập mặn cùng tầm quan trọng của nó đối với thị trấn và hệ sinh thái. Có hai lối đi vào rừng ngập mặn, một chuyến đi bộ ngắn 30 phút vời quãng đường dài 3km. Đi vào tầm gần trưa, bạn có thể không phải lo lắng việc bị muỗi đốt nhưng vào buổi tối, tốt nhất nên thoa kem chống muỗi trước khi đi tham quan rừng.
Prasae sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị và chắc chắn du khách đến đây không nên bỏ lỡ chuyến tham quan rừng ngập mặn và tìm hiểu về tầm quan trọng của khu vực này đối với hệ sinh thái biển địa phương.