Tháng Giêng về mang theo hơi ấm của mùa xuân, xua tan đi những lạnh lẽo mùa đông và thổi bừng sức sống trên khắp rẻo cao Tây Bắc.
“Ai về Tây Bắc cùng em
Ghé thăm phong cảnh núi xen mây ngàn
Làn sương trắng nhẹ tỏa lan
Đồi chè hút gió ngập tràn nắng xuân
Hoa mơ nở khắp núi rừng
Đắm say sơn nữ ngập ngừng bước chân
Cảnh xuân tha thiết nồng nàn
Tình xuân ấm áp chứa chan gọi mời
Xuân về nhộn nhịp muôn nơi
Khắp rừng Tây Bắc tiếng cười rộn vang”
Những câu thơ trong bài thơ “Mùa xuân Tây Bắc” (sáng tác 05/01/2016) của thi sĩ Axeng đã phác họa đậm nét vẻ đẹp mùa xuân bình dị, tinh khôi của vùng núi Tây Bắc xa xôi.
Sau những đêm dài lạnh lẽo của mùa Đông, từng tia nắng ấm áp của mùa Xuân ùa về mang đến vẻ đẹp sống động của núi rừng và niềm vui phơi phới trong lòng mỗi con người. Bước qua những ngày đông lạnh giá, hơi thở ấm áp của mùa Xuân khiến muôn hoa hé nụ. Hòa chung cảnh sắc, cuộc sống con người dường như cũng trở nên rộn ràng hơn. Nàng xuân e ấp thổi bay những băng giá và mang đến những cơn gió nhẹ trên từng nhành hoa, từng ngõ xóm, từng chân đồi, ngọn núi.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm của Tây Bắc. Khác với nhiều địa danh khắp mọi miền Tổ Quốc, vùng Tây Bắc (bao gồm các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) đón xuân với những vẻ đẹp khác biệt, những vẻ đẹp thơ mộng đến nao lòng. Đó là vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, đậm chất hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng và con người.
Khác với xuân ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với lấp lánh ánh đèn, xuân Tây Bắc đẹp cuốn hút với khói mờ sương tỏa, với màu trắng tinh khiết của hoa ban, hoa mai, hoa mơ, hoa mận trên khắp các nẻo đường, với từng chồi non lộc biếc nhú lên trên những thân cây xù xì, với rực rỡ sắc áo của trẻ em vùng đồng bào dân tộc, với vẻ đẹp ngây ngất của các cô sơn nữ… Tất cả đều nguyên sơ, mộc mạc nhưng sâu sắc và đi vào tâm can đến lạ. Xuân nơi vùng cao Tây Bắc không ồn ào náo nhiệt kiểu thành thị mà đến lặng lẽ, yên bình.
Nằm lọt thỏm giữa cảnh sắc núi non trùng điệp, giữa những thửa ruộng bậc thang hay những cánh đồng hoa cải cuối mùa vàng óng, xen giữa những rừng mơ, rừng mận, giữa mây sương là những ngôi nhà vách đất hay vách gỗ đơn xơ của đồng bào các dân tộc. Trong nhà, những căn bếp đỏ lửa tỏa ra hơi ấm xua tan giá rét và chào đón mùa mới, hứa hẹn những ấm no. Trên các bản vùng cao, các chàng trai, cô gái gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, qua tiếng đàn môi ngọt lịm, qua tiếng sáo thiết tha và qua giọng ca trong trẻo, thánh thót. Đâu đó trong không gian là tiếng cười khúc khích của các cô thôn nữ, tiếng vui đùa hồn nhiên của lũ trẻ vùng cao xua tan không khí ảm đảm của mùa cũ.
Khi xuân về trên khắp các bản làng cũng là lúc đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc rộn ràng đón Tết. Mỗi dân tộc có một phong tục riêng tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc, đặc trưng, hòa cùng dòng chảy văn hóa đa dạng của các dân tộc trên mọi miền Tổ Quốc. Tết Tây Bắc rộn ràng với tết của dân tộc Mông tại tỉnh Hòa Bình, tết của dân tộc Mường tại Sơn La, tết của dân tộc Hà Nhị tại Điện Biên, tết của dân tộc Thái tại Lai Châu, tết của dân tộc Phù Lá ở Lào Cai, tết của dân tộc Dao ở Yên Bái. Tết của mỗi dân tộc mang những đặc trưng khác nhau nhưng tựu chung lại tết là dịp gia đình sum vầy bên nhau, cùng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu mong một năm mới hạnh phúc, một tương lai tươi sáng. Tết Tây bắc thêm vui tươi, rộn rã với những điệu múa, lời ca như hát ví, mo, múa Lạp Lì Lò Sất Sảy, múa khèn, múa kiếm, múa dạo, múa nhảy rùa… và những trò chơi dân gian đặc sắc như chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, chọi chim, đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ…
Dừng chân giữa chốn Tây Bắc mùa xuân, lòng người dường như ấm lại, thời gian như trở nên sâu lắng hơn. Xuân Tây Bắc đẹp bình dị mà khiến lòng người rạo rực tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Đón xuân, đón tuổi mới, bên hương rượu cần và bếp hồng ấm lửa, lòng người chợt bâng khuâng suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại, và về tương lai với tràn trề những ước mơ và hy vọng.