Là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa trên thế giới nên các công trình kiến trúc và ẩm thực ở đây rất đa dạng.
Tashkent từng là một mắt xích quan trọng trong “Con đường tơ lụa” nối liền phương Đông và phương Tây. Nơi đây được giới thương nhân thời xưa gọi là “Thành phố đá” hay “Thành phố ngọc lam” bởi mặt hàng nổi tiếng nhất ở đây là đá quý – Ảnh: yandex
Kênh Ankhor chia Tashkent làm hai, một bên là thành phố hiện đại, bên còn lại là khu phố cổ với hàng cây soi bóng xuống nước trông như cảnh ở trời Âu. Sau trận động đất nặng năm 1966, phần lớn di tích cổ ở Tashkent bị phá hủy, chỉ còn một vài công trình, trong đó có thư viện chứa nhiều tư liệu quý của phương Đông, đặc biệt là 353 tờ văn bản gốc của kinh Koran làm bằng da kích cỡ lớn – Ảnh: advantour
Hệ thống tàu điện ở Tashkent bắt đầu hoạt động từ năm 1977, đến nay cũng chỉ có 29 trạm nhưng lại là hệ thống tàu điện đẹp nhất thế giới vì được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây. Đến một số trạm, bạn sẽ cảm giác như đang bước vào cung điện vì tường lót đá sáng choang, trụ và trần nhà điêu khắc tinh xảo hay những chùm đèn pha lê cầu kỳ thay vì bóng điện thông thường như các trạm tàu ở nước khác – Ảnh: orientsecrets
Bảo tàng Amir Timur với phần mái trông như một chiếc lều yurt của dân du mục, nơi trưng bày những hiện vật Hồi giáo của triều đại Timur và Tổng thống Islam Karimov là điểm đến không thể bỏ qua đối với những người đam mê văn hóa – lịch sử. Muốn hiểu rõ hơn, bạn nên thuê một hướng dẫn viên đi theo và đừng quên đưa thẻ sinh viên (nếu có) để được giảm giá vé vào cổng – Ảnh: wikipedia
Hầu hết người Uzbekistan theo đạo Hồi nên các nhà thờ ở đất nước này rất được chú trọng đầu tư xây dựng. Nhà thờ Hồi giáo Assumption gần trạm tàu điện Tashkent là một trong những trung tâm văn hóa tín ngưỡng trọng điểm của người dân Tashkent, thu hút sự chú ý của du khách nhờ lớp sơn xanh vừa thanh vừa bắt mắt. Tuy nhiên bạn không được chụp ảnh bên trong các nhà thờ, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định riêng nếu có ý định viếng thăm – Ảnh: Frans Sellies
Lễ Eid al-Adha (Lễ tế sinh) đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramanda là dịp lễ quan trọng nhất của đạo Hồi. Đến Tashkent vào những ngày này, bạn sẽ gặp cảnh hàng nghìn người Hồi giáo nhịn ăn theo luật, hành hương về các nhà thờ để làm lễ, cầu nguyện – Ảnh: prokerala.
Ngoài ra, Uzbekistan cũng được thiên nhiên ưu ái. Hồ Charvak ở Bostanliq, bắc Tashkent bao bọc bởi núi Ugam (phía bắc), Pskem (phía đông) và Chatkal (phía nam) hình thành sau khi xây dựng đập đá cao 168 m của Thủy điện Charvak trên sông Chirchiq. Mỗi mùa nơi đây mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùa hè nắng đẹp, nước hồ xanh biếc màu ngọc bích, mùa đông thì trở nên hấp dẫn nhờ dãy núi tuyết làm nền. Nhiều khách sạn trong 6 ngôi làng gần hồ gồm: Yusufhona, Burchmulla, Nanay, Chorvoq, Sidjak, Bogustan đón khách du lịch quanh năm. Ngoài ra, đây cũng là một trong những nơi lý tưởng để trải nghiệm môn thể thao dù lượn – Ảnh: Ashraf_DICE
Còn nếu bạn yêu trekking hoặc cắm trại thì hồ Urungach là địa điểm không thể chê. Mùa hè cây cối xanh mát, dần chuyển sang đỏ lãng mạn vào mùa thu. Quang cảnh ban ngày hữu tình, về đêm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cả bầu trời đầy sao hay ngắm bình minh sau những dãy núi hùng vĩ – Ảnh: Ferooz Ibadullaev
Nằm gần trạm tàu điện Chorsu, chợ Chorsu Bazaar vẫn còn giữ kiểu buôn bán truyền thống hàng trăm năm nay. Đây là khu chợ lớn và lâu đời nhất vùng Trung Á, trao đổi buôn bán chủ yếu là gia vị, các sản phẩm thủ công địa phương… Đây được đánh giá là một trong những nơi nên ghé thăm nếu bạn muốn tìm hiểu văn hóa giao thương trên Con đường tơ lụa – Ảnh: dookinternational
Ẩm thực ở Tashkent rất đa dạng từ Tây, Trung Đông, Tây Á, Trung Quốc… cho khách lựa chọn. Trong đó, các món Tây và Trung Quốc là dễ ăn nhất đối với người Việt Nam. Đến đây, bạn không nên bỏ qua đặc sản Plov nấu từ thịt cừu, cơm, hành và cà rốt trong chảo khổng lồ. Theo truyền thuyết, món này do đầu bếp của Alexander Đại đế sáng tạo ra – Ảnh: Ekrem Canli