Thành cổ Jerusalem linh thiêng

Lần đầu tôi đi thăm một địa chỉ nổi tiếng thánh thiêng không phải chỉ của một mà của ba tôn giáo lớn. Đó là thành cổ Jerusalem.

Chiếc xe thùng Mercedes màu đen chở 6 khách rời khỏi bãi đậu của Sân bay quốc tế Ben Gurion và lao nhanh trong màn đêm, hướng về phía ngoại ô Tel Aviv. Lòng chúng tôi rộn ràng, Đất hứa của người Do Thái là đây! Kiên nhẫn thêm vài tiếng đồng hồ thì sẽ được toại nguyện: lần đầu thăm một địa chỉ nổi tiếng thánh thiêng không phải chỉ của một mà của ba tôn giáo lớn. Đó là thành cổ Jerusalem.

Những chiếc xe thùng, xe buýt to đùng không ngừng đổ khách xuống bãi đậu ven sườn đồi, vài người dân địa phương dắt lạc đà đến gần mời chào du khách chụp ảnh kỷ niệm. Nhưng tất cả du khách còn vội vã tỏa đi tìm điểm tốt nhất để nhìn toàn cảnh thành cổ Jerusalem trong ánh nắng chan hòa lúc bình minh, ở triền đồi phía bên kia của thung lũng Hedron. Họ là du khách hiếu kỳ hòa mình vào dòng khách hành hương đến từ rất nhiều nước trên thế giới.

“Tường thành dày bao quanh Jerusalem cổ kia kìa. Mái vòm vàng nổi bật là một trong những địa chỉ thánh thiêng của người Hồi giáo; gần đó, một mái vòm khác với cây thập giá trên chóp cũng là một địa chỉ thánh thiêng của người Thiên Chúa giáo; còn chỗ kia là Bức tường phía Tây (tức Bức tường than khóc), một nơi phải đến đọc kinh, cầu nguyện của người Do Thái giáo” – nữ hướng dẫn viên địa phương giải thích. “Và trong thành cổ Jerusalem, có nhiều khu vực sinh sống của những cộng đồng khác nhau về nguồn gốc và tôn giáo. Cùng một di tích nhưng bạn có thể được nghe kể đến 4, 5 sự tích, truyền thuyết khác nhau. Tin hay không là tùy ở bạn”.

Phiến đá tẩm liệm xác Chúa Giêsu

Bạn tin không nhé: Jerusalem là nơi chôn cất xương sọ của Adam, ông tổ loài người. Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật, muôn loài từ núi Sion, ngay tại Jerusalem.

Mấy ngàn năm về trước, khi Chúa Giêsu Kytô chưa xuất hiện, rao giảng Tin mừng, cũng đã có vô vàn khách hành hương tìm về Jerusalem. Họ là những tín hữu Do Thái giáo từ khắp vùng Trung Đông, Địa Trung Hải, bắc châu Phi về thăm miền Đất hứa với đền thờ Solomon nguy nga.

Jerusalem đã là thành phố thánh của tổ tiên họ từ cách nay hơn 3.000 năm. Không ngại đường xa, nắng mưa, bệnh tật, cướp bóc, họ đi bộ, đi bằng xe ngựa kéo, ngồi trên lưng lừa và cả trên lưng lạc đà để có thể một lần trong đời được viếng mộ David, vị vua đầu tiên của nước Do Thái hình thành năm 1005 trước Công nguyên.

Thả bộ xuống con đường dốc, chúng tôi ghé vào khu vườn có những gốc ô-liu cằn cỗi đã sống qua mấy ngàn năm. Đó là vườn Ghetsemani, nơi Chúa Giêsu đã trải qua đêm trăn trở đầy lo sợ trước ngày bị đóng đinh trên cây thập giá cách nay hơn 2.000 năm. Nghe đồn rằng, nếu lấy được nhánh cây ô-liu trong vườn này về bứt lá nấu nước uống sẽ rất tốt cho sức khỏe Đi ngang qua nghĩa trang của người Do Thái, trông thấy những cục đá bày quanh nắp các nấm mộ, tôi sực nhớ đến đoạn cuối phim Schindlers list (Danh sách của Schindler) của Steven Spielberg. Phải rồi, người Do Thái thường lấy viên đá đặt lên mộ ai đó để tỏ lòng kính trọng người quá cố đã từng sống đúng chuẩn mực “người công chính”.

Phiến đá tẩm liệm xác Chúa Giêsu

Ngày nay cũng như khi xưa, khách phương xa tiến vào thành cổ Jerusalem qua 8 cái cổng xuyên tường thành, mỗi cổng có tên riêng, gồm cổng David, cổng Damas, cổng Herod, cổng Jaffa, cổng Mới, cổng Đông và cổng Sư tử. Trong thành cổ Jerusalem, bạn có cảm giác bị lạc lõng, khó nhận biết ai là người Do Thái, ai là người Palestine, ai là người Ả Rập. Người ngoài Hồi giáo không được phép bước vào đền Al Aqsa. Qua một góc đường, bạn thấy mình đã chuyển sang phần Đông Jerusalem, nơi sinh sống của cộng đồng người Hồi giáo và người Palestine theo Thiên Chúa giáo. Loanh quanh một hồi, hỏi thăm người địa phương thì biết mình đang ở trong khu dành riêng cho người Do Thái chính thống (Haredi). Mà nên biết rằng có nhiều phái Do Thái giáo gọi chung là chính thống, từ phái Hasidic rất bảo thủ qua phái Lithuani xuất phát từ nước Lithuania đến phái Sephardim có nguồn gốc ở tận bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) thời xưa và sinh hoạt tách bạch hẳn với những cộng đồng khác. Tốt nhất là bạn nên bám chặt theo chân hướng dẫn viên địa phương.

Một trong những địa chỉ hành hương nổi tiếng nhất trong thành cổ Jerusalem đối với tín hữu Thiên Chúa giáo là Via Dolorosa (Con đường đau khổ, hoặc Chặng đàng thánh giá) với 14 chặng dừng mà tương truyền chính Chúa Giêsu đã phải trải qua trước khi bị đóng đinh. Con đường đau khổ bắt đầu từ cổng Sư tử, trong khu vực người Hồi giáo sinh sống, ngoằn ngoèo khoảng 600m qua vài con đường hẹp và kết thúc bên trong Đền thờ Mồ Thánh, trong khu vực người Thiên chúa giáo sinh sống.

Bạn sẽ rất khó chụp được những bức ảnh lưu niệm ở các chặng thuộc Con đường đau khổ vì lúc nào cũng đông nghịt khách hành hương. Dọc theo hai bên những con đường lát đá là vô số cửa hàng rất nhỏ bày bán đủ mọi loại vật lưu niệm liên quan đến Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, từ những chân nến 7 nhánh có tên là menorah, bao da bọc kinh Torah (bộ ngũ kinh đầu tiên của kinh Cựu ước), qua ngôi sao David đến những cây thánh giá làm bằng gỗ cây ô-liu, tràng hạt Mân côi… Và không thiếu những quầy bán đủ các loại bánh làm bằng bột mì. Phải rồi, bánh, sữa, mật ong, ô-liu, rượu nho là những thứ được nhắc đến rất nhiều trong hai bộ kinh Cựu ước, Tân ước.

Và càng khó chụp những bức ảnh quý giá hơn nữa khi viếng Đền thờ Mồ Thánh. Không chỉ có rất nhiều khách hành hương mà không gian bên trong đền thờ, dưới lòng đất lại u tối với vô số ngọn đèn treo lủng lẳng khắp nơi. Đây là phiến đá màu hồng được cho là nơi các phụ nữ đã đặt xác Chúa Giêsu để lau sạch máu chỗ các vết thương, tẩm hương thơm trước khi đem chôn trong mồ đá. Và kia là mồ đá, được bao trùm trong một kiến trúc kiểu tháp tròn. Nước mắt, dầu hương của hàng triệu, triệu khách hành hương đến đây quỳ mọp, cầu nguyện đã thấm vào phiến đá chụp trên mồ thánh, khiến nó mềm xốp đi theo dòng thời gian. Theo các sách kinh Tân ước, ba ngày sau khi chết trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã sống lại và đã về trời.

Trong rất nhiều sự tích, huyền sử của thành cổ Jerusalem, có chuyện này là thật 100%. Đền thờ Mồ Thánh là “tài sản” chung của 6 nhánh thuộc Thiên Chúa giáo, gồm Hội thánh công giáo La Mã, Giáo hội Hy Lạp chính thống, Giáo hội Syrie chính thống, Giáo hội Ethiopie chính thống, Giáo hội Copt Ai Cập và Giáo hội tông truyền Armenia. Để tránh xung đột, từ thế kỷ XII đến nay, chìa khóa vào Đền thờ Mồ Thánh được giao cho hai gia đình Hồi giáo. Nhà Joudeh giữ chìa khóa, còn nhà Nuseibeh thì mở cửa lúc sáng, đóng cửa lúc chiều. Mùa Phục sinh năm nay, khách hành hương được tham quan Đền thờ Mồ Thánh mới mở cửa trở lại sau mấy tháng trùng tu, bảo quản.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social